Nguy cơ nợ xấu lại tăng
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cuối tháng 6-2016 là 2,58%, mặc dù giảm 0,2% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc nợ xấu đã tăng nhanh hơn tín dụng trong sáu tháng đầu năm.
Nợ xấu tăng nhanh hơn tín dụng
Với dư nợ tín dụng của nền kinh tế là 5,04 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 6-2016 và 4,66 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2015, có thể tính được nợ xấu do các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo đã tăng 11.254 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm nay, tương ứng tốc độ tăng là 9,5%. Cùng kỳ, tốc độ tăng của tín dụng chỉ là 8,2%. Nếu tính luôn nợ xấu đang “tồn kho” tại Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam - VAMC (khoảng 217.000 tỉ đồng), tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 6,89%, giảm 0,44% so với cuối năm 2015 (7,32%). Tuy nhiên, tổng nợ xấu tính theo cách này cũng đã tăng khoảng 6.000 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm.
Theo thống kê từ 15 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quí 2-2016 (gồm chín ngân hàng niêm yết và VIB, VPBank, Techcombank, BacABank, ABB, VietABank), tổng nợ xấu của các ngân hàng này đã tăng 10.420 tỉ đồng so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,83%. Trong đó, 11/15 ngân hàng có nợ xấu tăng, đứng đầu là BIDV, Eximbank, Sacombank, SHB. 7/15 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm, tuy nhiên nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm là do tín dụng tăng mạnh hơn tốc độ tăng của nợ xấu (Vietcombank, VietinBank, ACB).
Xử lý nợ cũ vẫn còn nhiều vướng mắc
Một nguy cơ thực tiễn hơn là lượng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm nay và đang ở mức rất cao.
|
Không phải ngẫu nhiên mà NHNN ban hành Thông tư 08/2016 cho phép các TCTD được gia hạn thời gian trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt từ tối đa năm năm thành 10 năm. Sau hơn ba năm hoạt động, VAMC chỉ mới xử lý được khoảng 15% nợ xấu trong tổng số 251.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua. Nên nhớ rằng VAMC chỉ mua những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, hồ sơ pháp lý rõ ràng và khách hàng còn tồn tại. Một cách ví von, các ngân hàng đã bán cho VAMC những “miếng thịt” có khả năng thu hồi tốt nhất trong danh mục nợ xấu của mình. “Thịt” mà còn khó “nuốt” như vậy, huống hồ phần “xương” đang nằm ở các ngân hàng.
Vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu có lẽ là việc chủ nợ hiện không được chủ động xử lý tài sản đảm bảo khi khoản vay quá hạn. Cụ thể, theo Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp khách hàng không tự nguyện bàn giao tài sản, chủ nợ chỉ còn cách khởi kiện. Thực tế từ lúc khởi kiện tại tòa án đến lúc thi hành án thành công, ngân hàng phải trải qua nhiều khó khăn và thời gian đa phần phải tính bằng năm. Nút thắt tài sản đảm bảo đã được nói rất nhiều nhưng việc tháo gỡ chưa đi đến đâu bởi phải sửa đổi nhiều luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thi hành án. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế và chính NHNN đã đề xuất cần ban hành một luật riêng với cơ chế đặc thù cho VAMC để công ty này mạnh tay xử lý số nợ lớn đang ứ đọng tại đây.
Xem chi tiết tại đây...
Phong Hiếu
tbktsg
|