Đại án 9.000 tỉ: sáng 9-9 sẽ tuyên án
Sau khi kết thúc phần tranh luận, 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã có phần nói lời sau cùng trước HĐXX vào chiều 30-8. Dự kiến ngày 9-9 HĐXX sẽ tuyên án cả ngày.
Bị cáo Danh chào người thân trước khi lên xe về trại giam ngày 30-8 - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
|
Theo đó, ông Phạm Lương Toản, chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, cho biết đã lắng nghe tất cả những kiến nghị của 36 bị cáo trong phần nói lời sau cùng. Do đó, HĐXX sẽ xem xét công tâm, khách quan, thấu tình đạt lý để tuyên mức án hợp tình, hợp lý.
Nhiều vấn đề đã được làm rõ
Sau hơn 1 tháng xét xử, rất nhiều vấn đề trong vụ Phạm Công Danh (chủ tịch HĐQT VNCB và tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đã được làm rõ. Hậu quả về thiệt hại của vụ án cũng đã được đánh giá, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.
Theo đó, bởi muốn xây dựng một ngân hàng riêng, phục vụ cho mục đích xây dựng nên Phạm Công Danh đã lập đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín trong điều kiện ngân hàng này đang làm ăn thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng.
Vì cần tiền để tái cơ cấu ngân hàng này trong giai đoạn nền kinh tế chung của đất nước đang hết sức khó khăn nên Phạm Công Danh đã thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật để rút tiền của chính ngân hàng này: nâng cấp khống hệ thống Corebanking; ủy thác đầu tư; thuê trụ sở và cho 12 pháp nhân là các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay tiền; rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng… Với tổng số tiền gây thiệt hại lên tới hơn 9.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong chuỗi hành vi vi phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm, có hành vi tự ý chuyển khỏi tài khoản của khách hàng số tiền 5.490 tỉ đồng (của bà Trần Ngọc Bích và cộng sự), đây được coi là phần thiệt hại lớn nhất của ngân hàng trong chuỗi hành vi vi phạm của Phạm Công Danh.
Đây cũng là gói tiền gây nhiều tranh cãi nhất khi cán bộ tín dụng cho rằng bà Trần Ngọc Bích đồng thuận cho việc chuyển tiền đi, bà Bích phủ nhận và yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả số tiền.
Sau nhiều tranh luận, đại diện VKS cho rằng các bị cáo đã thực hiện việc chuyển tiền ngoài ý muốn của khách hàng, đây là hành vi “cố ý làm trái”, do đó cần phải thu hồi khoản tiền này trả cho bà Bích.
Đồng thời, khoản tiền này đã được chuyển sang tài khoản của bị cáo Phạm Công Danh, bị cáo Danh chuyển sang tài khoản của ông Trần Quý Thanh, do đó tiền này được xác định là tiền do phạm tội mà có nên phải thu hồi tận gốc khoản tiền để khắc phục hậu quả.
Theo đó, VKS cho rằng nếu HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS thì thiệt hại 5.190 tỉ đồng đã được khắc phục.
Tiền ông Danh đã trả cho bà Bích có thể khởi kiện dân sự
Trong quá trình xét xử tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh đã cung cấp được bằng chứng về việc Phạm Công Danh chuyển cho bà Trần Ngọc Bích 2.700 tỉ đồng (được cho là tiền lãi) và đề nghị HĐXX xem xét trong vụ án để được thu hồi. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng giới hạn xét xử của vụ án này không xem xét đến số tiền đó. Do vậy, VKS không có kiến nghị và tranh luận về khoản tiền này. Giữa hai bên có tranh chấp thì có thể khởi kiện một vụ án dân sự.
Ngoài phần tranh luận với luật sư về tội danh của Phạm Công Danh và các bị cáo, đại diện VKS cũng đưa ra những quan điểm về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án. Theo đó, VKS đề nghị HĐXX thu hồi 500 tỉ đồng đã chuyển vào tài khoản ông Trần Quý Thanh và 119 tỉ đồng do nhân viên của bà Bích rút ra (trong gói 4.700 tỉ đồng vay sai quy định). VKS cho rằng đây là tiền trái pháp luật thì phải được thu hồi.
Ngoài ra, khoản tiền 138 tỉ và 815 tỉ đồng đã chuyển vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn cũng cần phải thu hồi để khắc phục hậu quả vụ án.
Do kiến nghị thu hồi các khoản tiền này nên thiệt hại của vụ án đã được khắc phục rất nhiều, vậy nên VKS đề nghị HĐXX căn cứ vào mức độ thiệt hại, hành vi của bị cáo mà tuyên mức án nhẹ hơn mức án trong phần luận tội VKS đã đề nghị.
Hoàng Điệp
tuổi trẻ
|