Thứ Bảy, 03/09/2016 20:00

Mua điện từ Lào là tự lấy đá ghè chân mình!

Chắc chắn việc mua điện từ các dự án thủy điện của Lào sẽ trực tiếp phủ nhận các quan ngại của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như những tuyên bố trước đó của Nhà nước ta đối với các kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mêkông. Chính sách này sẽ khuyến khích Lào xây dựng thêm nhiều công trình thủy điện nữa trên dòng Mêkông và tiếp tay hủy diệt nguồn sống ở Việt Nam.

Điện gió Bạc Liêu - tiềm năng lớn ở Việt Nam chưa được khai thác và đầu tư đáng kể. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Giá điện khó rẻ hơn

Bộ Công Thương đang xây dựng đề án Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đề án này, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể nhập khẩu nguồn điện sản xuất từ nước Lào láng giềng để bổ sung cho nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm tới.

Theo lập luận của một số nhà khoa học, chọn lựa này có ưu điểm là có thể mua được điện “rẻ” hơn mua điện từ Trung Quốc, đa dạng hóa nguồn cung cấp điện trong nước và giảm thiểu phát triển những dự án năng lượng nhiều rủi ro như nhà máy nhiệt điện than có nhiều khả năng gây ô nhiễm hoặc nhà máy điện hạt nhân khó kiểm soát độ an toàn cao. Tuy nhiên, với sự cẩn trọng nhằm tránh những “hối tiếc” rất khó sửa chữa về sau, chúng ta cần xem lại mặt trái của giải pháp này với một cái nhìn xa rộng và thực tế hơn.

Trên lãnh thổ Lào, nguồn điện năng đều sản sinh từ các công trình thủy điện được xây dựng và vận hành trên lưu vực sông Mêkông, cả trên dòng nhánh và dòng chính. Tiềm năng thủy điện của Lào trên dòng chính sông Mêkông trên lãnh thổ Lào là 7.500 MW, giữa biên giới sông của Lào - Thái là 2.500 MW, còn trên dòng nhánh lên đến 13.000 MW.

Với tiềm năng thủy điện lớn như vậy nhưng dân số ít (hiện chưa quá bảy triệu người), chủ yếu là sản xuất nông nghiệp lạc hậu, không có những nhà máy, khu công nghiệp lớn, dịch vụ nhỏ lẻ, lượng điện tiêu thụ sẽ rất thấp, do vậy Lào rất muốn xuất khẩu điện qua các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Nhiều quan chức ở Lào không giấu tham vọng biến nước Lào thành một “Bình ắc-quy của châu Á” hay sớm trở mình như một xứ “Kuwait về thủy điện” của Đông Nam Á. Càng nhiều người mua điện thì Lào càng đẩy mạnh xây dựng thủy điện trên các dòng sông suối.

Nhập khẩu điện từ Lào để bán cho người tiêu dùng Việt Nam là một giải pháp hạ sách.

Một lần nữa, trong lĩnh vực năng lượng, các nhà hoạch định chính sách lại nghiêng về xu thế mua hàng rẻ, chẳng biết rẻ là theo nghĩa nào và rẻ cho ai. Hiện hợp đồng mua bán điện giữa Thái Lan và Lào vào giờ không cao điểm khoảng 10 UScents/kWh (khoảng 2.200 đồng/kWh) nhưng vào giờ cao điểm tới 15-20 UScents/kWh (khoảng 3.300-4.400 đồng/kWh); giá điện Việt Nam mua từ Trung Quốc là 1.300 đồng/kWh. Trong khi đó, EVN mua điện trong nước chỉ khoảng 800-900 đồng/kWh hoặc thấp hơn.

Như vậy, nếu Lào bán điện cho Việt Nam thì khó mà rẻ hơn, trong khi ước tính chi phí làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam phải chừng 10.000-15.000 đô la Mỹ/ki lô mét (giá tham khảo suất đầu tư làm đường dây tải điện từ Lào sang Thái Lan). Ở những vùng hiểm trở thuộc dãy Trường Sơn, chi phí này còn cao hơn. Ngoài ra, để làm đường dây tải điện từ Lào về Việt Nam, nhiều cánh rừng phải tiếp tục hy sinh cho xây dựng và vận chuyển thiết bị. Chắc chắn với địa hình hiểm trở, khoảng cách xa, khó quản lý và bảo dưỡng thì tổn thất điện năng trên đường dẫn sẽ cao hơn.

Đáng lưu ý hơn là, chắc chắn việc mua điện từ các dự án thủy điện của Lào sẽ trực tiếp phủ nhận các quan ngại của cư dân vùng ĐBSCL cũng như những tuyên bố trước đó của Nhà nước ta đối với các kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mêkông. Chính sách này sẽ khuyến kích Lào xây dựng thêm nhiều công trình thuỷ điện nữa trên dòng Mêkông và tiếp tay hủy diệt nguồn sống ở Việt Nam.

Và như vậy, cả một nền “văn minh sông nước” ở miền Nam Việt Nam hình thành trong hơn 300 năm mở cõi của dân tộc sẽ mất đi chỉ trong vài chục năm, trước khi đồng bằng này sẽ tiếp bước tan rã trong vài trăm năm tới, kết thúc quá trình bồi đắp kiên trì của từng dòng nước tải nặng phù sa của sông Mêkông kéo dài liên tục trong suốt 4.000-6.000 năm trước.

Nên đầu tư cho năng lượng tái tạo

Trong bối cảnh gia tăng thiên tai và bất ổn do biến đổi khí hậu, gia tăng xây dựng thủy điện không phải là phát triển bền vững. Hạn hán và bão lũ sẽ khiến nguồn phát điện bấp bênh; các hệ thống công trình dẫn điện từ Lào vượt dãy Trường Sơn về Việt Nam sẽ không ổn định và luôn tiềm ẩn các rủi ro.

Nhiều năm gần đây, các nhà môi trường và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước đã chứng minh và quan ngại về những hệ lụy nghiêm trọng của thủy điện đối với môi sinh và sinh kế cho cộng đồng vùng hạ lưu. Đặc biệt, quá trình hình thành chuỗi các đập thủy điện trên hệ thống sông Mêkông, kể cả phần thượng lưu Mêkông, đoạn từ Tây Tạng đến Myanmar, mà Trung Quốc gọi tên là Lancang, sẽ làm giảm sút nguồn cá như một nguồn dinh dưỡng quan trọng, đe dọa tính đa dạng sinh học của nhiều vùng đất ngập nước. Ngoài ra, nó còn làm mất mát nguồn phù sa khiến tiến trình kiến tạo đồng bằng ở hạ lưu sông Mêkông bị đảo ngược, chuyển qua quá trình tan rã mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng sạt lở, khoét sâu lòng dẫn ven sông, ven biển và hiện tượng lún sụt châu thổ, song song với sự thay đổi đặc điểm thủy văn dòng chảy theo hướng phản tự nhiên.

Hậu quả là vùng châu thổ sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất Việt Nam, nơi có số dân đông gấp ba lần dân số nước Lào, hoặc gần gấp đôi dân số Campuchia, sẽ bị tác động ở mức thảm họa. Vùng châu thổ có thể tạo ra nguồn lương thực và thực phẩm có thể nuôi sống khoảng 60 triệu người sẽ dần dần teo tóp và sụp đổ, thiệt hại kinh tế, môi trường và xã hội, kể cả chính trị, vô cùng to lớn.

Báo cáo Nghiên cứu ĐBSCL (Mekong Delta Study) năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù chưa đầy đủ và còn thiếu sót, cũng đã kết luận tính nghiêm trọng nếu chuỗi đập thủy điện ở Lào và Campuchia hình thành đối với vùng ĐBSCL. Không phải vô cớ mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia đã nhiều lần yêu cầu Lào xem xét lại việc phát triển các công trình thủy điện do những lo ngại tiêu cực đáng kể và rất khó chống đỡ cho vùng đồng bằng hạ lưu sông Mêkông.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá Việt Nam thật sự có thể tự chủ về năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là rất dồi dào tiềm năng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, mà chúng ta chỉ mới khai thác ở một tỷ lệ rất khiêm nhường.

Các nhà khoa học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tuyên bố điện mặt trời đủ cung cấp cho nhu cầu thế giới năm 2050, trong khi cả Việt Nam gần như có mặt trời chiếu sáng mạnh mẽ quanh năm. Mặc dầu suất đầu tư cho mỗi đơn vị điện năng từ năng lượng tái tạo hiện nay còn tương đối cao nhưng đang có xu thế giảm dần do nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều lãng phí trong sử dụng năng lượng như thiếu các giải pháp tiết kiệm trong sinh hoạt, chậm đổi mới các công nghệ lạc hậu và đặc biệt, thiếu các chính sách hỗ trợ giá điện cạnh tranh. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vừa qua, tập đoàn General Electric (GE) Mỹ và Bộ Công Thương đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo đó, GE sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển tối thiểu 1.000 MW điện từ các trạm điện gió từ nay cho tới năm 2025, sản lượng điện này đủ thỏa mãn cho nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 1,8 triệu gia đình.

Lê Anh Tuấn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Những điểm mới về thuế XNK có hiệu lực từ tháng 9 (03/09/2016)

>   Từ á quân FDI đến thiên đường ô nhiễm (02/09/2016)

>   Công thức bán điện thoại Trung Quốc tại Việt Nam (02/09/2016)

>   Nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (02/09/2016)

>   Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép mạ nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc (02/09/2016)

>   Bệnh viện hiện đại thành... "hại điện" (01/09/2016)

>   Hủy việc lấy đất rừng làm dự án thủy điện Đrăng Phôk (01/09/2016)

>   PMI tháng 8 tăng lên 52.2 điểm, sức khỏe ngành sản xuất tăng suốt 9 tháng (01/09/2016)

>   Công ty Hồ Tràm xin xây sân bay tư nhân (01/09/2016)

>   Thủ tướng chưa kết luận về Thông tư 20 (01/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật