Lehman Brothers - Nhìn lại chặng đường 8 năm sau vụ phá sản lịch sử
Tám năm trôi qua kể từ thời điểm tập đoàn đầu tư tài chính Lehman Brothers Holdings Inc đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD.
(Nguồn: Getty Images)
|
Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ khiến thị trường chao đảo, đẩy 80 chi nhánh trên toàn thế giới của ngân hàng này phải đóng cửa, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất thế giới trong vòng một thế kỷ.
Nếu như trước thời điểm phá sản một năm, Lehman Brothers còn ghi mức lợi nhuận ròng kỷ lục xấp xỉ 4,2 tỷ USD. Tại sao Lehman Brothers lại sụp đổ khi mà trong lịch sử hình thành và phát triển của Lehman Brothers đã không ít lần gặp khủng hoảng, nhưng đều cố gắng vượt qua nhờ có tiếng là một ngân hàng đầu tư khôn ngoan và quản lý tốt.
Thăng trầm trên thương trường
Được thành lập vào năm 1850 do ba anh em nhà Lehman: Henry, Emanuel và Mayer người Do Thái nhập cư từ Đức vào, Lehman Brothers ban đầu là một công ty buôn bán bông, về sau hoạt động chính trong lĩnh vực giao dịch trái phiếu.
Năm 1870, sở giao dịch hoa bông New York được thành lập với sự đóng góp của công ty anh em nhà Lehman.
Năm 1884, công ty Lehman Brother tham gia vào thị trường trái phiếu phát triển đường sắt, bắt đầu hoạt động tư vấn đầu tư.
Năm 1887, công ty của anh em nhà Lehman trở thành hội viên của Sở Giao dịch Chứng khoán New York.
Năm 1899, lần đầu tiên công ty nhận bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lehman Brothers bắt đầu liên kết với Goldman Sachs và trong vòng 20 năm, liên danh này đã nhận bảo lãnh phát hành hàng trăm trái phiếu doanh nghiệp khác nhau.
Vào thập niên 1980, trong Lehman Brothers xảy ra mâu thuẫn nội bộ khá sâu sắc. Lehman Brothers bị bán lại cho hãng thẻ tín dụng American Express vào năm 1984.
Năm 1994, American Express từ bỏ chiến lược “siêu thị tài chính” của mình. Kết quả là một công ty nhỏ, tách ra từ tập đoàn này, với tên gọi ban đầu là Lehman Brothers. Đó là lý do tại sao, nhiều người vẫn nói rằng, Lehman không phải là một ngân hàng đầu tư 158 tuổi, mà chỉ là một công ty 14 tuổi với cái tên 158 tuổi.
Giám đốc điều hành Dick Fuld từng giúp Lehman vượt qua cuộc khủng hoảng năm 1998, đã phát triển một chiến lược kinh doanh phù hợp cùng với một hệ thống quản trị rủi ro được đánh gia là tốt nhất Phố Wall. Tháng 2/2007, giá cổ phiếu của Lehman còn tăng ở mức cao kỷ lục 86,18 USD/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường lên tới 60 tỷ USD.
Là ngân hàng đầu tư kinh doanh thông qua quản trị rủi ro, Lehman Brothers là nạn nhân của chính mình trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn diện và khốc liệt trong lịch sử. Lehman Brothers đã cố gắng không dính nhiều vào tín dụng bất động sản dưới chuẩn. Trong số danh mục liên quan đến bất động sản trị giá khoảng 60 tỷ USD thì tín dụng bất động sản dưới chuẩn chỉ chiếm dưới 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn đã lan sang tín dụng trên chuẩn và toàn bộ thị trường tín dụng nói chung. Không kịp thoát ra, nên tới tháng 6/2008 Lehman Brothers đã rơi vào đỉnh cao khó khăn của cuộc khủng hoảng tín dụng. Lehman Brothers buộc phải nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản vào tháng Chín trong cùng năm đó.
Trong nửa đầu năm 2008, giá cổ phiếu của Lehman Brothers đã giảm tới 70%. Lòng tin của các nhà đầu tư tiếp tục giảm đi khi cổ phiếu của công ty mất giá thêm 50% vào ngày 9/9/2008 và chỉ còn 0,21 USD/cổ phiếu. Sự sụp đổ của Lehman Brothers không chỉ khiến các cổ đông điêu đứng mà còn khiến 25.000 nhân viên của tập đoàn này lâm vào cảnh thất nghiệp.
Lehman chỉ còn lại tài sản trị giá 400 triệu USD là bất động sản mang tính thương mại, trong đó có khách sạn NYLO New York City. Sau khi nộp đơn xin phá sản, Lehman Brothers đã tái đầu tư nhiều tài sản để chờ cơ hội đưa ra thị trường.
Thương vụ lớn nhất của Lehman Brothers là bán công ty đầu tư phát triển nhà chung cư Archstone Inc. vào đầu năm 2013 với giá 6,5 tỷ USD. Archstone Inc được Lehman Brothers mua tới 22,2 tỷ USD ở thời điểm trước khi bị phá sản do đánh giá sai lầm của giám đốc điều hành Dick Fuld lúc đó.
Còn khách sạn NYLO được bán cuối tháng 6/2016 với giá 140 triệu USD. Tính đến năm 2015, Lehman Brothers có giá trị tài sản khoảng 15 tỷ USD và 200 nhân viên.
Họa vô đơn chí
Giám đốc điều hành Dick Fuld, người đã từng gắn bó trong suốt bốn thập kỷ, chèo lái Lehman Brothers gặt hái được thành công, song ông cũng chính là người đưa Lehman Brothers đến chỗ phá sản.
Vốn là người thận trọng, ông Fuld đã giúp Lehman Brothers vượt qua cuộc khủng hoảng năm 1998 với sự sụp đổ của quỹ đầu cơ “Long-Term Capital Management” là một khách hàng lớn của Lehman Brothers. Tuy nhiên, khi ông Fuld thay đổi chiến lược kinh doanh của Lehman Brothers sang các hoạt động rủi ro hơn, trong đó có bất động sản, thì mọi việc lại đổi theo chiều ngược lại.
Năm 2005, giám đốc toàn cầu phụ trách dòng sản phẩm có thu nhập cố định của Lehman Brothers là Michael Gelband đã phải ra đi vì có quan điểm trái ngược về chiến lược kinh doanh này của ông Fuld.
Khi khủng hoảng bắt đầu tấn công vào Phố Wall, ông Fuld khẳng định đó chỉ là những rắc rối ngắn hạn và những công ty dám chấp nhận rủi ro lớn sẽ là những người thu lợi nhiều một khi khủng hoảng chấm dứt. Chính sự liều lĩnh này khiến mô hình làm ăn kiểu đi vay kết hợp đầu tư rủi ro của Lehman Brothers liên tục “phình ra,” thậm chí ngay cả khi các doanh nghiệp khác trong ngành tài chính cắt giảm hoạt động này trong hoàn cảnh khủng hoảng tín dụng mỗi lúc thêm trầm trọng.
Lehman Brothers đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này đổ vào các vụ đầu tư những loại tài sản có chất lượng đáng ngờ đẩy Lehman Brothers liên tục bị thua lỗ nặng.
Tháng 6/2008, khi Lehman Brothers rơi vào đỉnh cao khó khăn của cuộc khủng hoảng tín dụng thì Michael Gelband được mời trở về vị trí giám đốc toàn cầu phụ trách thị trường vốn, song đã quá muộn để cứu vãn tình hình.
Cùng với đà leo thang của khủng hoảng, thị trường chứng khoán liên tục sụt giá và trở thành liều thuốc độc đối với các khoản đầu tư cũng như khả năng thanh khoản của Lehman. Bên cạnh đó, cổ phiếu Lehman Brothers lại bị bán khống. Sự mất lòng tin của thị trường càng đẩy Lehman Brothers dần rơi vào thế bất lợi.
Công bằng mà nói cuộc khủng hoảng tín dụng đã làm hàng loạt ngân hàng tên tuổi đều rơi vào vòng xoáy nợ chứ không chỉ có Lehman Brothers. Một loạt cơ sở tài chính hàng đầu thế giới khác như UBS của Thụy Sĩ, Merrill Lynch, Bear Steans, Morgan Stanley, Freddie Mac, Fannie Mae đều gánh chịu các khoản lỗ nặng nề với tổng số lên tới hàng trăm tỷ USD.
Ngay trước lúc Lehman Brothers suy sụp, những ngân hàng tên tuổi như Merrill Lynch, AIG, Washington Mutual cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ngày 14/9/2008, Bank of America mua lại Merrill Lynch với giá 50 tỷ USD.
Không may như Merrill Lynch, Lehman Brothers không tìm được người mua và phải đệ đơn xin phá sản. Kết cục thảm của Lehman Brothers đã đi vào lịch sử không thể nào quên đối với giới đầu tư tài chính toàn cầu. Cho đến nay, giới chuyên gia đã và đang tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để có thể thấu hiểu bài học mang tên Lehman Brothers./.
Tố Uyên
Vietnam+
|