Vì sao London sẽ không mất “ngôi vương” trong ngành tài chính?
Theo Business Insider, hơn 2 tháng sau sự kiện Brexit, cuộc đua kế vị London để trở thành thủ đô tài chính vẫn tiếp diễn.
“Chúng tôi biết các tập đoàn có trụ sở ở thành phố này đang lên kế hoạch chuyển tới Dublin, Amsterdam, Frankfurt và Paris”, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói với các phóng viên ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý.
Những quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU) cũng có ý định “cướp” việc trong ngành dịch vụ tài chính từ Anh.
Ngay cả bộ trưởng kinh tế của Bulgaria, quốc gia được xem là nghèo nhất EU, cũng đã lên tiếng mời gọi những người muốn rời khỏi London.
Tuy nhiên, trên thực tế, London vẫn sẽ là trung tâm tài chính chính của châu Âu vì 3 lý do sau:
- Tính ưu việt của hệ thống tòa án Anh trong việc duy trì sự thượng tôn pháp luật, trong đó có sự bảo vệ quyền lợi của chủ nợ và cổ đông.
- Sự vượt trội của hệ thống đại học nước Anh trong ngành kinh tế và tài chính so với các “đối thủ” ở châu lục này.
- Quy định về thuế và lao động của Anh tạo điều kiện thuận lợi cho sức khỏe và lợi nhuận của ngành này.
Bảo vệ quyền lợi của chủ nợ và cổ đông khỏi hành vi tham lam của những đối thủ hay quốc gia cạnh tranh rõ ràng là quan trọng trong việc thu hút các dịch vụ tài chính. Ở điểm này, nước Anh vượt trội hơn so với phần còn lại của châu Âu. Dự án “Doing Business” của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp nước Anh hạng 4 ở tiêu chí bảo vệ cổ đông, chỉ sau Hong Kong, New Zealand và Singapore.
Nước Pháp đứng ở vị trí 29 trong tiêu chí bảo vệ cổ đông, còn Đức xếp thứ 49. Ở tiêu chí “bảo vệ quyền của chủ nợ”, Anh xếp thứ 19, Pháp xếp thứ 79, và Đức xếp thứ 28. Dĩ nhiên, tính thượng tôn pháp luật có thể được cải thiện ở châu Âu để giới đầu tư tài chính cảm thấy được bảo vệ như nhau ở Paris hay Frankfurt, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.
Về giáo dục, các thị trường ngày càng đòi hỏi một sự am hiểu sâu sắc về kinh tế và tài chính, cũng như có kiến thức sâu rộng về kiến trúc luật pháp bên dưới các dịch vụ tài chính. Ở tiêu chí này, các trường đại học của Anh cũng dẫn đầu châu Âu về chất lượng giáo dục. Trong bảng xếp hạng toàn cầu mới nhất của Thượng Hải về chất lượng giáo dục trong ngành kinh tế, nước Anh có tới 6 trường đại học lọt vào top 50, trong khi các quốc gia châu Âu còn lại chỉ đóng góp được 3 (1 của Hà Lan và 2 của Pháp). 4 trong 5 chương trình thạc sĩ tài chính hàng đầu ở châu Âu là ở London (chương trình còn lại là INSEAD, nằm gần Paris).
Còn khi xét đến quy định về thuế và lao động, ngành dịch vụ tài chính Anh đang được hưởng lợi từ thuế suất doanh nghiệp thấp hơn và luật lao động của họ cũng linh động hơn Đức và Pháp. Trong bảng xếp hạng của WB cho tiêu chí “đóng thuế”, Anh được xếp thứ 15, bỏ xa Đức (hạng 72) và Pháp (hạng 87). Còn ở tiêu chí “luật lao động linh động”, khoảng cách giữa Anh với 2 nước trên thậm chí còn xa hơn. Nên nhớ rằng tiêu chí này là cực kỳ quan trọng trong ngành tài chính vốn mang tính chu kỳ rất cao, vì hàng năm họ phải thuê và sa thải hàng ngàn nhân viên.
Những lĩnh vực dễ bị tổn thương
Tuy nhiên, bản thân ngành tài chính lại có nhiều lĩnh vực trong đó, và một số phần được xem là dễ bị tổn thương hơn sau sự kiện Brexit. Một “ứng viên” cho vấn đề này là giao dịch ngoại hối bằng đồng Euro – một thị trường có giá trị lên tới 2 ngàn tỷ USD/ngày. Theo số liệu của Ngân hàng Định cư Quốc tế (BIS), hiện tại, hơn 70% lượng giao dịch bằng Euro đang diễn ra ở London, so với 11% ở Paris và 7% ở Frankfurt. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cố gắng cấm các phòng thanh toán bù trừ bên ngoài Eurozone giao dịch bằng Euro. Nhưng trong năm 2015, tòa án tối cao của EU đã không đồng ý. Vì thế, sự dễ bị tổn thương của London có thể đang bị cường điệu quá mức: Brexit không hề thay đổi tính nguyên trạng đó vì Anh chưa bao giờ là thành viên của Eurozone cả.
Bảo hiểm cũng là một lĩnh vực mà các hoạt động của nó ở châu Âu tập trung rất nhiều ở London và cũng là lĩnh vực có thể bị Brexit gây tổn thương. Tuy nhiên, những đối thủ cạnh tranh chính của Anh là ở châu Á (Singapore và Tokyo) và Mỹ. Sự tiếp cận với nguồn tiền châu Âu mà London có được là nhờ khoảng cách khá gần và mối quan hệ lịch sử giữa hai bên, chứ không phải vì Anh là thành viên của EU. Tóm lại, ngay cả ở thị trường bảo hiểm, khó mà thấy được một sự đổi ngôi nhanh chóng đối với London.
Dẫu vậy, Brexit có thể tác động tiêu cực đến vị thế trung tâm tài chính được quản lý tốt nhất thế giới của London. Theo sau những bất ổn quanh sự kiện Brexit, các thị trường châu Á và Mỹ có thể lấy đi một số công ăn việc làm của London. Phản ứng tức thời và thiếu suy nghĩ của Chính phủ Anh với điều này có thể làm xói mòn một số quy định tài chính của Anh trong nỗ lực thu hút đầu tư hơn. Một phản ứng như thế sẽ là điều không may cho London khi thành phố này đã thu hút được nhiều tài năng vì đó là nơi cho những người muốn kinh doanh “sạch”. Mặc dù có thể có khả năng này, nhưng London không thể nào mất đi ngôi vị trung tâm tài chính toàn cầu của mình./.
|