Gần 70% máy móc nông nghiệp phải nhập khẩu
Ngày 22/9, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tổ chức hội thảo Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ chế tạo máy nông nghiệp.
Theo báo cáo, qua dự án khảo sát của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tại 92 cơ sở chế tạo máy tại 15 tỉnh, thành phố đại diện cho cả 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, doanh nghiệp nhỏ chiếm chủ yếu 53%, doanh nghiệp siêu nhỏ là 36%, vừa là 4.5%, còn lại là các doanh nghiệp có số lao động trên 300 người, chiếm 6.5%. Những năm vừa qua, do nhu cầu bức thiết của sản xuất, một phần được Nhà nước hỗ trợ, một phần nhờ sản xuất nông nghiệp bắt đầu phát triển theo hướng hàng hóa lớn nên cơ giới hóa nông nghiệp có bước tiến khá nhanh. Các sản phẩm máy công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... chiếm tới gần 70%, trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm từ 15 - 20%.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, trong những năm qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nhưng thiếu cơ chế vận hành chính sách, nhất là cơ chế tiếp cận nguồn vốn vay. Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp đã căn bản gỡ được nút thắt về chính sách, đáng ứng mong mỏi của nông dân, doanh nghiệp. Song đây cũng là bước thụt lùi trong việc phát huy nội lực để phục vụ nông nghiệp của ngành cơ khí trong nước. Do đó, thời gian tới cần coi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo cơ khí nói chung và chế tạo máy nông nghiệp nói riêng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế. Đồng thời, cần có chính sách đặc biệt ưu đãi, nhất là tài chính, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ… Lấy thị trường sử dụng máy, thiết bị trong nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản làm trụ xoay để xác định lĩnh vực chế tạo cơ khí ưu tiên phát triển./.
|