Thứ Năm, 29/09/2016 13:03

Đâu sẽ là điểm nhấn của CTI trong 6 tháng cuối năm 2016?

6 tháng đầu năm, CTCP Đầu Tư Phát Triển Cường Thuận IDICO (HOSE: CTI) đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu (67.4% yoy) và lợi nhuận (99% yoy) và tạo ấn tượng mạnh cho giới đầu tư. Liệu hoạt động của CTI có tiếp tục bùng nổ trong 6 tháng cuối năm?

 

Kết quả kinh doanh năm 2015 gây ấn tượng mạnh. Doanh thu hợp nhất năm 2015 của CTI đạt 829 tỷ đồng, tăng trưởng 112% so với năm 2014.

Doanh thu năm của CTI tăng trưởng mạnh đến chủ yếu từ (i) sự tăng trưởng mạnh của hoạt động thu phí từ các công trình BOT. Theo đó, doanh thu thu phí giao thông trạm thu phí Km1841+912 Quốc lộ 1 đạt 193.8 tỷ đồng, tăng trưởng đến 97% so với năm 2014. Doanh thu thu phí tỉnh lộ 16 cũng có mức tăng trưởng ấn tượng đạt 39.4%, từ mức 31.33 tỷ đồng cuối năm 2014 lên mức 43.7 tỷ đồng vào cuối năm 2015. (ii) Bên cạnh đó doanh thu từ các sản phẩm đá và dịch vụ mỏ đá cũng có sự tăng trưởng ấn tượng so với năm 2014 khi lần lượt đạt 59.8 tỷ đồng và 34.5 tỷ đồng, với mức tăng trưởng tương ứng đạt 59% và 46%.

Với sự tăng trưởng mạnh của doanh thu, lợi nhuận gộp của CTI cũng có sự tăng trưởng ấn tượng khi đạt 254 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2014. Tuy vậy, tỷ lệ lợi nhuận gộp lại có sự sụt giảm khi tỷ lệ lợi nhuận gộp của CTI năm 2015 đạt 30.6% trong khi năm 2014 duy trì ở mức 36%.

Bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận gộp, kết quả kinh doanh năm 2015 CTI còn được hưởng lợi từ các hoạt động khác khi lợi nhuận khác đạt 5.4 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 7.4 lần so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận khác tăng mạnh xuất phát từ sự phát sinh khoản thu nhập lên đến 3 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ trong năm 2015.       

Với sự tăng trưởng của doanh thu cùng việc hưởng lợi từ hoạt động thanh lý, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt con số ấn tượng với 67.9 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2014.

6T/2016 kết quả kinh doanh (KQKD) tăng trưởng ấn tượng nhờ phí thu và lượng xe lưu thông tăng mạnh. Theo kết quả kinh doanh 6T/2016 vừa công bố, doanh thu hợp nhất đạt 570.6 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 60.5 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 67.4% và 99% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh ấn tượng của CTI nhờ vào

(1)  Doanh thu từ hoạt động thu phí tỉnh lộ 16 và phí giao thông trạm thu phí Km1841+912 Quốc lộ 1 tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong đó chủ yếu nhờ vào (1) lượng xe lưu thông gia tăng và (2) mức phí thu trong năm 2016 đã tăng từ 25-75% so với năm 2015 ở mức 35,000 đồng -200,000 đồng/lượt.

(2)  Bên cạnh đó dự án BOT tuyến quốc lộ 91A Cần Thơ – An Giang (giai đoạn 1) đi vào hoạt động ổn định từ tháng 04/ 2016 cũng giúp phát sinh khoản doanh thu thu phí lên đến hơn 22.2 tỷ đồng từ dự án này. Ngoài ra hoạt động cung cấp bê tông nhựa nóng, dịch vụ & xây lắp cũng ghi nhận kết quả ấn tượng với doanh thu đạt 324.8 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.

Kết quả 6T/2016 đã hoàn thành 54.6% kế hoạch năm. Năm 2016, CTI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1,045 tỷ đồng với mức tăng trưởng 26% so với thực hiện 2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ, tăng trưởng 57.5%. Với các chỉ tiêu đề ra thì tính đến hết 6T/2016, CTI đã hoàn thành 54.6% chỉ tiêu doanh thu và hoàn thành 56.5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong 6T/2016, CTI đã chi trả cổ tức tiền mặt năm 2015 lên đến 15%. Với hoạt động kinh doanh đang tiến triển khả quan, CTI cũng đã đưa ra mức chi trả cổ tức kế hoạch năm 2016 dự kiến là 16%.

Dự án Quốc lộ 91A Cần Thơ – An Giang hoàn thành và thực hiện thu phí kể từ tháng 4/2016. Tài sản cố định của CTI đã tăng mạnh trong 6T/2016 từ mức gần 1,083 tỷ đồng cuối năm 2015, lên mức 2,244 tỷ đồng. Chủ yếu do dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 91A Cần Thơ, An Giang hoàn thành và đi vào thu phí ổn định.

Giai đoạn 2 là dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 91B Cần Thơ, An Giang sẽ hoàn thành và đi vào phát sinh doanh thu dự kiến từ tháng 7/2016.

Nợ vay gia tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2015, nợ phải trả của CTI đạt 2,674 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2014. Nợ phải trả của CTI tiếp tục tăng nhanh trong 6T/2016 hiện đang dừng ở mức 2,962 tỷ đồng vào cuối quý 2/2016.

Với việc đầu tư các dự án BOT nên nợ vay của CTI tập trung chủ yếu ở nợ vay dài hạn. Tính đến cuối năm 2015, nợ dài hạn đạt 1,918 tỷ đồng, tăng trưởng 53.6% so với 2014. Hiện tại sau 6T/2016 nợ dài hạn đang ở mức 2,178 tỷ đồng, tập trung 100% ở vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Hiện tổng nợ phải trả/ tổng tài sản là 0.8 lần và nợ vay/ tổng tài sản là 0.69 lần.

Một điểm nhỏ cần chú ý đó là CTI đang sử dụng môt phần vốn vay ngắn hạn nhằm tài trợ cho các hoạt động đầu tư và sản xuất dài hạn. Điều này dẫn đến khả năng thanh toán của CTI đang khá thấp với chỉ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 0.66 lần và khả năng thanh toán nhanh chỉ ở mức 0.57 lần cuối quý 2/2016.

Trong năm 2016, CTI sẽ đưa vào hoạt động dự án BOT 91 Cần Thơ – An giang thì nhiều khả năng chi phí lãi vay sẽ tăng nhanh trong hoạt động của CTI. Tuy vậy, không cần phải quá lo lắng khi các dự án của CTI vẫn đang phát sinh dòng tiền mặt ổn định.

Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của CTI sau 6T/2016

 

Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục ấn tượng trong nửa cuối năm 2016: Triển vọng kinh doanh của CTI nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan nhờ vào:

Nguồn thu lớn từ các dự án BOT. Tính đến cuối quý 2/2016, doanh thu của các dự án BOT hiện tại đã đem lại nguồn thu đáng kể cho CTI với tỷ trọng đóng góp lên đến 35% tổng doanh thu. Hiện tại, nguồn thu của CTI chủ yếu đến từ các dự án đã đi vào thu phí như dự án BOT Tỉnh lộ 16, dự án BOT Quốc lộ 1A và dự án BOT Quốc lộ 91A (chỉ mới đi vào hoạt động trong tháng 04/2016).

Bên cạnh các dự án đã đi vào phát sinh doanh thu, CTI cũng đang triển khai nhiều dự án BOT khác với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1,255 tỷ đồng gồm các dự án như Quốc lộ 91B Cần Thơ - An Giang (tiến hành thu phí từ quý 3/2016), dự án Đường chuyên chở vật liệu xây dựng (dự kiến hoàn thành và đi vào thu phí năm 2017) và dự án Nút giao 319 cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây  (dự kiến hoàn thành cuối năm 2017). Sau khi đi vào hoạt động, các dự án BOT được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của CTI trong thời gian tới.

Ưu đãi về thuế TNDN. Theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP, các dự án BOT giao thông, phát triển đường bộ sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thực hiện dự án đầu tư mới còn được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Với các điều kiện ưu đãi về thuế như trên, CTI sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ thuế khi các dự án BOT của CTI hiện tại là BOT Tỉnh lộ 16, BOT Quốc lộ 1A và BOT Quốc lộ 91A cũng như các dự án đầu tư trong thời gian tới đều thỏa mãn các điều kiện để được hưởng các mức ưu đãi thuế này.

Sự tăng trưởng mạnh của lưu lượng xe. Với sự phát triển của nền kinh tế, lưu lượng xe của ngành giao thông vận tải liên tục tăng trưởng qua các năm. Theo thống kê của Cục Giao thông Vận tải, lưu lượng xe trong những năm tới sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của mật độ giao thông (PCU/ ngày đêm) tại các tuyến đường có trạm thu phí của CTI đều được kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Cụ thể như lưu lượng xe qua tuyến Quốc lộ 1 (Dầu Giây – TP.HCM) được kỳ vọng tăng trưởng 2.5% cho đến năm 2020, tuyến Quốc lộ 91 được kỳ vọng tăng trưởng 8.5% và tuyến cao tốc Dầu Giây – Long Thành – TP.HCM sẽ đạt mức tăng trưởng 6.7% cho đến năm 2030.  

Phí sử dụng đường bộ được điều chỉnh 3 năm/ lần. Theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC, định kỳ 03 năm kể từ năm 2016 trở đi, phí sử dụng đường bộ sẽ được điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế, chỉ số giá cả và những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính nhằm thực hiện điều chỉnh mức thu phí phù hợp với quy định.

Tiềm năng từ hoạt động khai thác mỏ đá. Hiện nay, CTI có 3 mỏ đá đang khai thác chính bao gồm mỏ đá Tân Cang 8, Mỏ Đá Đồi Chùa 3 (Thiện Tân) và Mỏ đá Xuân Hoà (Xuân Lộc)… Hoạt động khai thác mỏ đá của CTI được đánh giá cao nhờ vào:

(1)  Nhu cầu xây dựng hạ tầng tăng mạnh với các dự án lớn như Sân bay Quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và các dự án BOT của CTI trong tương lai.

(2)  Các mỏ đá có vị trí tọa lạc thuận lợi khi nằm gần Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, đặc biệt là mỏ đá Tân Cang nằm gần sân bay Long Thành. Điều này sẽ giúp CTI tiết kiện được chi phí vận chuyển và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nguyên liệu cho các dự án đang triển khai trong khu vực.

Dự kiến trong năm 2016, hoạt động khai thác mỏ đá sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 2.34 tỷ đồng vào lợi nhuận của CTI với biên lợi nhuận sau thuế lên đến 7.8%.

Kết luận: Bên cạnh các yếu tố làm KQKD 6T/2016 tăng trưởng mạnh vẫn được duy trì thì việc đưa vào hoạt động toàn bộ dự án BOT 91 Cần Thơ – An Giang được kỳ vọng sẽ giúp KQKD của CTI trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục chuyển biến khả quan hơn so với 6T đầu năm, cũng như cùng kỳ năm trước.

Trong dài hạn, triển vọng của CTI sẽ tiếp tục khả quan nhờ các dự án BOT đang có; hưởng lợi từ sự tăng trưởng từ lượng xe ô tô lưu thông; sở hữu các mỏ đá có vị trí tốt gần các điểm nóng về xây dựng hạ tầng cơ sở. Hiện CTI đang giao dịch ở mức giá 31,300 đồng/cp, với mức P/E và P/B lần lượt đạt 16.39 lần và 1.81 lần.

Chỉ số tài chính quan trọng của CTI năm 2012-2015

 

Nguồn: VietstockFinance (Đvt: triệu đồng)

 

Các tin tức khác

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 26/09 (26/09/2016)

>   ROS: Ai đã chốt lời hơn 1,400 tỷ? (23/09/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 23/09/2016: Test lại vùng 667-670 điểm (23/09/2016)

>   Khối ngoại thỏa thuận gần 23 triệu cp FPT với giá trị hơn 1,100 tỷ đồng (23/09/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 23/09: VN-Index đóng cửa cao nhất phiên (23/09/2016)

>   Doanh nghiệp vận tải biển: Câu chuyện mới từ tỷ giá, thanh lý đầu tư (23/09/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 23/09 (23/09/2016)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 23/09 (23/09/2016)

>   23/09: Bản tin 20 giờ qua (23/09/2016)

>   Bình chọn IR 2016: Vinamilk dẫn đầu, An Phát bám sát (22/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật