Đại án 9.000 tỉ đồng: 30 năm tù cho Phạm Công Danh
Chiều 9-9, sau 1 ngày tuyên án, HĐXX đã tuyên mức án 30 năm tù cho Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng giám đốc côn ty Thiên Thanh.
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải ra xe sau buổi xét xử chiều 9-9 - Ảnh: NGỌC DƯƠNG
|
Theo đó, Phạm Công Danh phải chịu mức án 30 năm tù cho cả 2 tội: Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
VNCB là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là đúng
Trong phần nhận định của bản án về bối cảnh khó khăn của Phạm Công Danh trước khi xảy ra vụ án, HĐXX cho rằng, ghi nhận tất cả những khó khăn như luật sư nêu: ngân hàng Đại Tín đã lỗ nặng từ trước, áp lực thanh khoản, áp lực trả tiền chăm sóc khách hàng… tuy nhiên, những khó khăn, áp lực này là do Phạm Công Danh tự đưa mình vào, do đó, không có cơ sở để chấp nhận bào chữa của luật sư.
Về việc tòa xác định ngân hàng Xây dựng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là nhất quán và đúng, vì sau khi ra tòa, dù họ không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng khi ra tòa, họ hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường khi có thiệt hại.
HĐXX cũng cho rằng, HĐXX đã vận dụng tinh thần Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét các tình tiết giảm nhẹ, có lợi cho bị cáo. Theo đó, những bị cáo nào không được xem xét tình tiết giảm nhẹ ở điều 46 Bộ luật Hình sự hiện hành thì xem xét giảm nhẹ theo khoản 1 điều 51 và điều 54 của BLHS năm 2015.
Trong phần bào chữa, các luật sư của Phạm Công Danh đã đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh xảy ra vụ án và đánh giá toàn diện vụ án này. Theo đó, HĐXX cho rằng, tính từ thời điểm khởi tố vụ án, Danh đã trả 3600 tỉ đồng cho nhóm bà Hứa Thị Phấn, chủ yếu lấy từ nguồn vốn vay của VNCB. Và số tiền 4500 tỉ tăng vốn điều lệ cũng vay của ngân hàng BIDV.
Như vậy, vốn tự có của Thiên Thanh không có, đây là việc làm trái với cam kết của Phạm Công Danh khi xây dựng đề án tái cơ cấu. Phạm Công Danh không đủ năng lực tài chính như các luật sư trình bày. Do đó không chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư.
Liên quan đến việc luật sư bảo vệ quyền lợi của nhóm bà Bích đề nghị khởi tố bà Hương, nhân viên của tập đoàn Thiên Thanh, người đã có các dòng chữ viết thêm vào các giấy biên nhận nhận tiền của nhân viên của bà Bích ký nhận, HĐXX cho rằng, hành vi này không đủ yếu tố để khởi tố. Bởi việc bà Hương viết thêm chữ vào là để chú thích cho bản thân mình rõ, không làm thay đổi nội dung về việc nhận tiền của nhân viên bà Bích.
Danh là người chủ mưu cầm đầu
HĐXX xác định, trong vụ án này, Phạm Công Danh là người chủ mưu cầm đầu, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương là đồng phạm giúp sức tích cực. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, các bị cáo đều có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải.
Bị cáo Danh tích cực phối hợp với cơ quan tố tụng điều tra vụ án, tích cực giao nộp tài sản để khắc phục hậu quả, Thiên Thanh là tập đoàn lâu năm, có uy tín. Số tiền rút ra hơn 6.000 tỉ là tiền vật chứng nên có cơ sở thu hồi để khắc phục hậu quả.
Nhóm bị cáo làm giám đốc thuê HĐXX nhận định các bị cáo không có nhu cầu vay vốn, nhưng vẫn ký hồ sơ vay để tạo điều kiện cho Danh chiếm đoạt tiền của VNCB. Do đó, các bị cáo đã vi phạm quy định về cho vay, vi phạm việc đảm bảo quy định về tiền vay.
Các bị cáo thực hiện hành vi theo chỉ đạo của Danh, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, các bị cáo là đồng phạm giúp sức cho Danh. Nhưng xét thấy các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi gì, có nhân thân tốt, ăn năn hối cải nên cần xem xét cho mức án nhẹ.
Trong số những bị cáo làm thuê, có bị cáo Nguyễn An Vinh, là họa sỹ, chỉ làm giám đốc theo lời của vợ nên cần phải cho bị cáo mức án treo.
Thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng
HĐXX cũng tuyên thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng của vụ án để đảm bảo khắc phục hậu quả, đó là khoản tiền 5190 tỉ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo Quyết chuyển khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích.
Việc chuyển tiền này là trái pháp luật, hành vi của các bị cáo là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, tiền này được xác định là tiền vật chứng của vụ án.
HĐXX cũng xác định giữa bị cáo Danh và ông Trần Quý Thanh có quan hệ vay mượn từ trước thông qua bà Trần Ngọc Bích và Phạm Thị Trang, nhưng nhiều khoản tiền đã được tất toán trước đó. Tuy nhiên, ngày 21-8-2013 trong khoản tiền 5190 tỉ đồng đã được chuyển trái phép sang tài khoản của Danh, Danh chuyển sang tài khoản của ông Thanh, ông Thanh chuyển sang các tài khoản của nhóm bà Bích để bà Bích tất toán các khoản vay trong tháng 6, và 7 năm 2013.
Tuy nhiên, tiền để tất toán các khoản vay này là tiền vật chứng vụ án phải thu hồi nên việc tất toán các khoản vay của bà Bích trong tháng 6, 7 năm 2013 là chưa được tất toán. Do đó, nhóm bà Bích còn phải trả khoản vay này cho VNCB.
Do xác định Phạm Công Danh có quan hệ vay mượn đối với ông Trần Quý Thanh, nên bị cáo Danh phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông Thanh 5190 tỉ đồng do tiền trả trước đó đã bị thu hồi. Việc này, hai bên có thể khởi kiện thành một vụ án khác nếu có yêu cầu.
Ngoài việc thu hồi khoản tiền này, HĐXX cũng tuyên buộc quỹ Lộc Việt nộp lại 3 tỉ đồng; bà Hứa Thị Phấn nộp lại tổng cộng 948 tỉ đồng; ông Trần Quý Thanh 362 tỉ đồng; Trần Ngọc Bích nộp lại 72 tỉ đồng.
HĐXX cũng tuyên buộc Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6000 tỉ đồng gốc và lãi mà Danh đã thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên những tài sản của Phạm Công Danh, tài sản của tập đoàn Thiên Thanh để đảm bảo thi hành án.
HOÀNG ĐIỆP
Tuổi trẻ
|