Thứ Tư, 17/08/2016 22:37

VCCI kiến nghị Chính phủ tham gia EITI

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã gửi văn bản tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 16-8 đề nghị Chính phủ xem xét quyết định việc Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng (EITI).

Dự án Núi Pháo đang được yêu cầu kiểm tra. Ảnh TL.

Trong văn bản, ông Lộc viết: “VCCI tin rằng bằng việc đưa ra quyết định này, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về minh bạch, công khai, hiệu quả và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, trước hết trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”.

Theo ông Lộc, có hàng loạt lợi ích mà Việt Nam sẽ có khi tham gia EITI.

Thứ nhất, EITI cung cấp thông tin đầu vào hiệu quả cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản của Việt Nam. Điều này là đặc biệt quan trọng khi nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cho thấy pháp luật về khoáng sản của Việt Nam vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng lo ngại.

Thứ hai, EITI giúp nhà nước kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm thất thoát, lãng phí tài nguyên, tăng thu cho ngân sách. Kinh nghiệm của Nigieria cho thấy, nước này đã tránh thất thu khoảng 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhờ thực thi EITI.

Thứ ba, EITI giúp các cơ quan nhà nước chủ động hơn trong việc thực thi pháp luật, đặc biệt là chống xuất khẩu lậu khoáng sản. Hiện nay, số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có chênh lệch gần 5 tỉ đô la. Theo một số chuyên gia, xuất khẩu lậu khoáng sản chiếm phần không nhỏ trong con số chênh lệch đó.

Thứ tư, EITI tạo diễn đàn minh bạch, tin tưởng lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó giảm xung đột xã hội, củng cố an ninh trật tự, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, EITI giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro khi khai thác khoáng sản, giảm chi phí không chính thức, đồng thời tăng cường uy tín và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thị trường của các nước phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính phủ cũng đã bắt đầu quan tâm đến EITI.

Tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5-8-2005 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2016, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương "báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng trong tháng 8-2016".

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: "Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu đô la. Yêu cầu Bộ Công Thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”.

Trước đó, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22-7-2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ trong năm 2016 về đề án tham gia Sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng.

Trên thực tế, VCCI đã chủ động tiến hành nghiên cứu về EITI, rà soát hiện trạng quy định pháp luật của Việt Nam và khảo sát quan điểm của các doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước về EITI trong suốt 5 năm vừa qua.

EITI đang trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị công nghiệp khai khoáng của nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 51 quốc gia thực thi EITI, với 305 báo cáo EITI cấp quốc gia được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên đến 1.900 tỉ đô la Mỹ.

Trong số các quốc gia tham gia EITI có cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Na Uy, Đức và nhiều quốc gia đang phát triển khác ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã tham gia EITI gồm Indonesia, Myanmar, Philippines, Đông Timor, Papua New Guinea.


Tư Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thủ tướng yêu cầu xử lý vụ xả thải trong Formosa Đồng Nai (17/08/2016)

>   Doanh nghiệp EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam (17/08/2016)

>   Apple chọn Trung Quốc, Việt Nam mất cơ hội? (17/08/2016)

>   VFA bác bỏ tin dự báo XK gạo 2016 giảm mạnh (17/08/2016)

>   Có thể bán hết vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco (17/08/2016)

>   VAFI sẽ tiếp tục truy vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải  (17/08/2016)

>   Hải quan vẫn áp dụng Thông tư 20 (17/08/2016)

>   Săm lốp xe đạp tiếp tục bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá (17/08/2016)

>   Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm đạt 192 tỷ USD (17/08/2016)

>   “Sớm có thái độ với các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” (17/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật