Có thể bán hết vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco
Chủ trương trên được bàn bạc trong cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành liên quan sáng 17/8.
Chính phủ đang xem xét phương án thoái vốn tại Sabeco, Habeco
|
Ngoài Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) còn có khoảng 10 doanh nghiệp lớn khác cũng được xem xét.
Vấn đề thoái vốn tại hai ông lớn này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề cập tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành công thương chiều 12/7. Khi đó, ông Tuấn cho biết, Habeco và Sabeco đã hoàn thành việc xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước.
"Việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ", ông Tuấn nói.
Trong một công văn trước đó gửi tới Bộ trưởng Bộ Công Thương và Hội đồng quản trị Sabeco và Habeco, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng kiến nghị, cần đẩy nhanh quá trình thoái vốn, niêm yết tại 2 tổng công ty này.
Theo VAFI, lựa chọn Nhà nước thoái hết 100% vốn tại Sabeco và Habeco sẽ là "cực kỳ thông minh" bởi khi đó, giá trị doanh nghiệp sẽ đạt được tối đa. Còn nếu Nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia Hội đồng quản trị thì giá bán sẽ giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo VAFI - ông Nguyễn Hoàng Hải cũng đặt vấn đề cố tình trốn tránh niêm yết và không thực hiện nhiệm vụ mà nhà nước giao phó tại Sabeco và Habeco.
Theo ông Hải việc trốn tránh niêm yết có thể bởi những người quản lý không thích sự minh bạch.
Dẫn chứng cho điều này là việc Bộ Công thương năm 2015 đã cử một nhân sự từng là Giám đốc một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong thời gian vị này lãnh đạo về làm Thành viên HĐQT và giữ chức Phó tổng giám đốc Sabeco. Hay như việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT tại Sabeco trong vài nhiệm kỳ gần đây đều là các công chức thuần túy, trước đó chưa hề có kinh nghiệm thực tế về quản trị doanh nghiệp.
Cho rằng việc trốn tránh niêm yết, cử người không đủ năng lực làm người quản lý vốn nhà nước hay lợi ích cục bộ là một số nguyên nhân góp phần làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp, khiến kinh doanh kém hiệu quả, các nhà đầu tư đã nhận xét, cách đây 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp có quy môt lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk.
Tuy nhiên hiện nay, lợi nhuận của Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco. Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, Sabeco và Habeco tăng trưởng rất chậm mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn.
Thái An
Báo đất việt
|