Thụy Sĩ rút đơn xin gia nhập, EU giảm sức hút
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3-8 cho biết đã nhận được thông báo của Thụy Sĩ về việc rút đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy chỉ có 16% người dân Thụy Sĩ ủng hộ nước này gia nhập EU. Ảnh: Alamy
|
Động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Thụy Sĩ bỏ phiếu vô hiệu hóa đơn xin gia nhập EU của nước này vào tháng 6-2016. Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ 1 tuần trước khi Anh mở cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của nước này trong EU.
Sau cuộc bỏ phiếu, Thụy Sĩ phải gửi thông báo chính thức đến EU để xem xét việc rút đơn xin gia nhập của nước này.
Thụy Sĩ nộp đơn xin gia nhập EU từ ngày 20-5-1992. Nhưng kể từ đó đến nay, hầu như nước này chưa từng có những động thái chính trị đáng kể nào để thúc đẩy việc gia nhập EU.
Ngày càng ít người dân ủng hộ gia nhập EU
Kể từ khi đệ trình đơn, năm nào Thụy Sĩ cũng tổ chức thăm dò ý kiến người dân đối với việc gia nhập EU. Nếu cách đây hơn 20 năm, tỷ lệ ủng hộ có lúc lên đến 50% thì càng về sau, tỷ lệ ủng hộ càng giảm dần và mới nhất chỉ còn 16% trong cuộc thăm dò năm 2016.
Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, lâu nay không tham gia vào phe phái hay khối nào mà tự lựa chọn con đường riêng. Lựa chọn này của Thụy Sĩ đã thành công khi nước này là một trong những nước thịnh vượng nhất thế giới và người dân hưởng mức sống cao hàng đầu thế giới. Hơn 20 năm trước, Thụy Sĩ muốn gia nhập EU khi khối này còn mang lại những triển vọng phát triển tốt. Càng về sau, nhất là từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, mô hình phát triển của EU bộc lộ nhiều hạn chế và EU vẫn đang chìm đắm trong khủng hoảng sâu sắc cả về kinh tế lẫn thể chế. Điều này khiến mức độ thiện cảm của người dân Thụy Sĩ với EU giảm đi.
Hơn nữa, dù không gia nhập EU, Thụy Sĩ được đánh giá là nước có mức độ hội nhập EU sâu rộng, ví dụ như giao dịch thương mại với EU chiếm 70-80%, đồng thời tham gia Hiệp ước tự do đi lại Schengen.
EU giảm sức hút
Cách đây hơn 1 năm, Iceland đã rút đơn xin gia nhập EU, giờ đến lượt Thụy Sĩ. Cùng với việc Anh tuyên bố rút khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23-6, có ý kiến cho rằng EU đang giảm dần sức hút.
Thực tế, điều này rất dễ hiểu bởi thời gian qua, sức mạnh của EU đã giảm sút. Trước hết là việc đồng euro giảm giá; tiếp đến là cuộc khủng hoảng nợ công tại hầu hết các nước thành viên, nặng nề nhất tại Hy Lạp, kéo theo hàng loạt ảnh hưởng đến các nước khác; rồi đến cuộc khủng hoảng người nhập cư bộc lộ nhiều bất cập trong chính sách chung. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng người nhập cư và nguy cơ khủng bố đe dọa khiến ngày càng nhiều người không còn thấy nhất thể hóa châu Âu là tuyệt vời.
Một loạt vấn đề nảy sinh khiến các nước không khỏi có suy nghĩ sự ràng buộc trong EU khiến nước họ phải chịu ảnh hưởng nặng nề./.
tbktsg
|