Thứ Hai, 08/08/2016 14:39

Saplastic: Ngóng đối tác chiến lược mới!

Dòng vốn luôn thiếu, cổ đông lớn lũ lượt ra đi, tương lai của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (HNX: SPP) đang trông chờ vào kế hoạch mở rộng quy mô và tìm được đối tác chiến lược để chào bán cổ phần phát hành.

Đói vốn!

Thiếu vốn là tình trạng nhiều năm của SPP, kể từ năm 2008 đến nay, trong cơ cấu vốn của SPP bao giờ nợ phải trả cũng cao hơn vốn chủ sở hữu tính bằng lần, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng rất cao (66% vào năm 2008 và cho đến 2015 là 95%).

Với một cơ cấu vốn sử dụng đòn bẩy tài chính lớn như vậy, hằng năm riêng chi phí lãi vay đã ngốn trên 40% lợi nhuận gộp. Và hệ quả là lãi ròng của Công ty chỉ vỏn vẹn khoảng 10 tỷ mỗi năm, tỷ suất lãi ròng trên doanh thu rất thấp, gói gọn trong khoảng từ 1-2% trong khi các công ty cùng ngành trên sàn chứng khoán có tỷ lệ trung bình khoảng 5.5%.

Đồng thời, việc này cũng đẩy SPP đến tình trạng không dám ký hợp đồng lớn do thiếu vốn đối ứng và hạn chế trong việc tiếp cận mua nguyên vật liệu giá sỉ trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài mà phải mua qua thương mại với giá cao.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, ông Dương Quốc Thái – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết, năm 2012 Công ty tiến hành nhập dàn máy thứ ba nhằm nâng cao công suất hoạt động, các ngân hàng đã cam kết rót vốn nhưng đến năm 2013 và 2014 thì đồng loạt rút vốn với lý do rủi ro quá cao. Rất may, năm 2015 SPP đã tìm ra hướng giải quyết là cơ cấu nợ về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HOSE: BID).

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ giúp SPP giảm bớt rủi ro chứ gốc rễ nợ nần vẫn còn nguyên. Tính đến cuối quý 2/2016, nợ phải trả của SPP là 617 tỷ đồng, gấp 2.6 lần vốn chủ sở hữu; trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 96% nợ phải trả.

Trong giai đoạn 2013 – 2020, lãnh đạo SPP đã triển khai giai đoạn tiền khả thi các dự án lớn với mục tiêu đưa vị thế thương hiệu Saplastic thành người dẫn đầu thị trường, đa dạng hóa ngành nghề và phát triển theo chiến lược đa lĩnh vực, từ hóa chất, đầu tư, tài chính, thương mại và địa ốc. Các kế hoạch chủ lực là mua cổ phần của khách hàng VIP, tham gia quá trình quản trị thương hiệu hướng đến liên minh, liên kết chặt chẽ trong kinh doanh để đảm bảo đầu ra cho các dự án; mở rộng quy mô sản xuất thêm 3 dây chuyền với tổng giá trị đầu tư trên 300 tỷ đồng để gia tăng tổng tài sản ước tính trên 1,000 tỷ đồng, đẩy mạnh việc tăng trưởng doanh thu chạm mức 1,000 tỷ đồng/năm.

Kế hoạch tham vọng là thế, nhưng do tình hình tài chính chưa khởi sắc năm 2015 HĐQT đã thống nhất tạm ngừng triển khai các dự án trên và sẽ tái khởi động sau quá trình tìm kiếm thêm đối tác chiến lược, xây dựng chương trình quản trị rủi ro một cách có hiệu quả và nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực đủ mạnh.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, cổ đông đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT thực hiện phát hành 10-30 triệu cp cho cổ đông hoặc nhà đầu tư bên ngoài trong giai đoạn 2016 – 2017. Có thể thấy, SPP đang tích cực tìm kiếm đối tác chiến lược bởi đây chính là nhân tố quan trọng để thực hiện tham vọng cũng như cải thiện sức khỏe tài chính.

Cổ đông tổ chức lớn lũ lượt rời bỏ

Đáng chú ý, Công ty đang trong giai đoạn cần vốn thì các cổ đông lớn lại lần lượt ra đi sau nhiều năm gắn bó. Phát súng đầu tiên là Vietnam Holding Ltd bán sạch 1,600,000 cp, ứng với 13.37% vốn vào tháng 9/2015. Vào tháng 12/2015, đến lượt Chứng khoán BIDV (HOSE: BSI) thoái hết 974,750 cp (tỷ lệ 7.6%) và Quỹ đầu tư Việt Nam thoái 1.4 triệu cp (12.34%). Được biết, Vietnam Holding Ltd, BSI đều đã đầu tư vào SPP từ trước năm 2008 với tỷ lệ nắm giữ đồng thời là 14.29% (trên vốn SPP thời điểm 2008) và Quỹ đầu tư Việt Nam có tên trong danh sách cổ đông lớn của SPP từ năm 2010 (tỷ lệ 8.4%).

Phải nhìn nhận, với diễn biến cổ phiếu SPP từ năm 2008 đến nay và các khoản cổ tức, thưởng Công ty đã chia thì không thể nói các cổ đông lớn thực hiện chốt lời được. Bởi giá SPP hiện tại đang ở tầng đáy và sự phục hồi là không đáng kể so với thời kỳ mới chào sàn. Theo ông Thái, các cổ đông lớn rút vốn do hoạt động quỹ đến thời hạn đóng hay thay đổi chiến lược kinh doanh.

Diễn biến giá SPP từ thời điểm niêm yết đến nay

Mặc dù làn sóng thoái vốn của cổ đông tổ chức lớn xuất hiện từ cuối năm 2015 nhưng đặc biệt không hề xuất hiện những tên tuổi lớn thay thế. Phải cho đến gần đây, cùng thời điểm cổ đông tổ chức lớn cuối cùng Vietnam Equity Holding bán hết 2,180,000 cp, tương đương 16.06% vốn, Ban lãnh đạo SPP và người thân mới thực hiện gom cp. Cụ thể, ông Dương Đức Chính - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc; ông Dương Thái Bình - Ủy viên HĐQT; ông Dương Văn Duyên - Ủy viên HĐQT; ông Dương Quốc Thái - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc và bà Lưu Thị Minh Hằng - vợ ông Thái, đăng ký mua mỗi người 1 triệu cp SPP. Song trong khoảng thời gian từ 24/06 đến 22/07, các cá nhân này chỉ gom tổng cộng được 2.7 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm lên 32.37% vốn./.

Xem thêm:

* ĐHĐCĐ SPP: Nỗi lo thiếu vốn và kỳ vọng vị cứu tinh BIDV

* ĐHĐCĐ SPP: Bài toán vốn và khách hàng

* TGĐ Nhựa Sài Gòn: “Không thế lực nào có thể thâu tóm hay quậy phá Công ty”

Các tin tức khác

>   FID: Lãi ròng quý 2 chỉ bằng 4% cùng kỳ năm trước (05/08/2016)

>   HRC: BCTC 6 tháng đầu năm 2016 (04/08/2016)

>   SD7: Quý 2 lỗ ròng hơn 43 tỷ đồng (05/08/2016)

>   CTCK hái bao nhiêu tiền từ nghề môi giới trong quý 2/2016? (05/08/2016)

>   SMN: Báo cáo tài chính bán niên năm 2016 (04/08/2016)

>   HCT: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2016 (04/08/2016)

>   RDP: BCTC Soát xét 6 tháng đầu năm 2016 (04/08/2016)

>   SAM: Thông báo ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2016 (04/08/2016)

>   DHC: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu \tvà tạm ứng cổ tức năm 2016 bằng tiền (04/08/2016)

>   SAM: Giải trình chênh lệch BCTC quý 2/2016 (04/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật