Xét xử vụ 9.000 tỉ đồng:
Phạm Công Danh đề nghị thu hồi 3.600 tỉ đồng khắc phục hậu quả
Trong phần xét hỏi ngày 5-8 vụ án thất thoát 9.000 tỉ đồng, Phạm Công Danh đề nghị HĐXX thu hồi 3.600 tỉ đồng mà bị cáo này đã trả cho bà Hứa Thị Phấn (để mua lại VNCB) để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phạm Công Danh sau ngày xử 5-8 - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
|
Hợp đồng chuyển nhượng VNCB là không hợp pháp?
Cụ thể, Danh cho rằng hợp đồng được ký giữa Danh và bà Phấn về việc chuyển nhượng cổ phần và các tài sản đi kèm là hợp đồng không hợp pháp, bởi liên quan đến những tài sản mà bà Phấn ký chuyển nhượng cho Danh, bà Phấn không có quyền được chuyển nhượng tài sản đó.
Do đó, bị cáo Danh đề nghị HĐXX thu hồi lại khoản tiền Danh đã chuyển vào tài khoản của bà Phấn để khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, phần xét hỏi của luật sư cũng cho thấy rõ, nếu cộng số tiền được thể hiện trên hồ sơ: 3.600 tỉ đồng đã chuyển vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn, 4.500 tỉ đã chuyển vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước và 2.600 tỉ đồng đã định giá cho khối tài sản tại Đà Nẵng thì số tiền này đã đủ để khắc phục hậu quả của vụ án.
Đồng thời, Phạm Công Danh cho rằng đối với số tiền 5.490 tỉ đồng của bà Trần Ngọc Bích thì hiện tại ngân hàng đang giữ 124 sổ tiết kiệm nên thiệt hại đã không xảy ra tại ngân hàng.
VNCB ký hợp đồng với ông Trần Ngọc Bích?
Cũng liên quan đến khoản tiền 5.490 tỉ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích, người đại diện của nhóm bà Bích đưa ra 3 hợp đồng tiền gửi cho vay do bà Bích ký với VNCB thì không có số hợp đồng, không có ngày ký hợp đồng và giới tính người gửi Trần Ngọc Bích là nam.
Người đại diện cho rằng tên chính xác là của bà Bích và số CMND cũng đúng là của bà Bích, nên ngân hàng phải trả tiền cho bà Bích.
Đối với các hợp đồng này, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho biết cá nhân gửi tiền vào VNCB thì chỉ có sổ tiết kiệm chứ không có hợp đồng, thực tế các khoản tiền của bà Bích gửi vào VNCB là để cho ông Danh vay bằng giao dịch dân sự. Nhưng bởi muốn chắc chắn nên bà Bích yêu cầu VNCB nhận tiền này gửi vào ngân hàng. Và thực tế, tiền lãi đều do ông Phạm Công Danh trả.
Do đó, hợp đồng này không có giá trị pháp lý, bởi nó bị sai và thiếu nhiều thông tin, nên Quyết đã chủ động trình báo với cơ quan điều tra.
Xác nhận rằng tiền lãi của bà Bích gửi là do Tập đoàn Thiên Thanh trả, bà Nguyễn Thị Thu Hương, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, đã cung cấp thêm thông tin về việc này.
Bà Hương cho biết bà được giao nhiệm vụ trả các khoản tiền cho nhóm bà Bích. Theo đó, thực tế, VNCB không có trả các khoản tiền lãi mà bà Bích gửi vào đây mà toàn bộ lãi này đều do ông Danh trả. Trong đó, một khoản vay phải trả đến 5 khoản lãi: chi chăm sóc các sổ tiết kiệm gửi VNCB; trả tiền vay cầm cố sổ tiết kiệm của Bích; nếu nhóm bà Bích tất toán sổ tiết kiệm trước hạn thì đáng lẽ chỉ nhận được lãi không kỳ hạn nhưng ông Danh phải bù lãi thêm; tiền lãi vay của ông Danh trả cho Bích…
Tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) cũng cho biết 3 hợp đồng tiền gửi trên không thể hiện trong hệ thống sổ sách của VNCB.
Mai cũng xác nhận lời khai với cơ quan điều tra rằng thực chất của những hợp đồng này là ông Danh mượn tiền của bà Bích, hợp đồng Quyết ký với bà Bích là không hợp pháp và để hợp lý hóa hồ sơ, đồng thời, đối với số tiền này là trách nhiệm của cá nhân ông Danh. Việc ký hợp đồng nhằm để ràng buộc trách nhiệm với VNCB mà thôi.
Cũng theo lời khai của bị cáo Phan Thành Mai, thì Phạm Công Danh phải trả lãi cho nhóm bà Bích khoảng 2.500 tỉ đồng.
Thứ hai (8-8), phiên tòa sẽ tiếp tục.
VNCB đã nộp 4.500 tỉ vào Ngân hàng Nhà nước?
Trong phần xét hỏi và thẩm vấn cũng thể hiện: sau khi tái cơ cấu, để tăng vốn điều lệ, VNCB đã nộp vào tài khoản của Ngân hàng Nhà nước 4.500 tỉ đồng.
Trong phần xét hỏi với bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB), luật sư Phan Trung Hoài cũng hỏi về việc ngân hàng lỗ đến 18.000 tỉ đồng. Mai cho biết trong số tiền lỗ đó có 9.700 tỉ đồng tiền của nhóm Phương Trang vay, 1.000 tỉ đồng trích nộp quỹ dự phòng cho các khoản nợ khó đòi, và tiền trả lãi ngoài.
Phan Thành Mai cũng cho biết: “Khi biết thực trạng của ngân hàng tôi đã rất sốc, tôi chỉ có hai con đường, hoặc là bỏ chạy, hoặc là ở lại, sau khi bàn bạc thì cùng ở lại”.
|
Hoàng Điệp
Tuổi trẻ
|