Nợ xấu của Ngân hàng VDB cuối năm 2014 ở mức 11.05%
Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại 31/12/2014 là 11.05%, tăng 68% so với năm 2013.
Sáng ngày 26/08/2016, KTNN đã tổ chức buổi họp báo công bố Kết quả kiểm toán năm 2015. Trong đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng nhà nước (NHNN), 13 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chuyên đề việc thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015.
Về kết quả kinh doanh, có 3 NHTM đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, khả năng thanh toán, giới hạn tín dụng cấp cho khách hàng, giới hạn góp vốn mua cổ phần, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn… theo quy định của NHNN; 3 công ty bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán (biên khả năng thanh toán, trích lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm) theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, 10/11 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi, riêng MHBS thua lỗ (lỗ trước thuế 167 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31/12/2014 (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) là 145 ngàn tỷ đồng (tăng 28.7 ngàn tỷ đồng, tương ứng tăng 24.6% so với cuối năm 2013), chiếm 3.25% tổng dư nợ (giảm 0.36% so với năm 2013), theo đánh giá của NHNN là 4.83%.
Tỷ lệ nợ xấu của VDB cao và tăng nhanh, theo KTNN tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tại thời điểm kết thúc năm 2014 đạt 11.05%, tăng 68% so với năm 2013. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả; các tổ chức tín dụng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ.
Trong số những ngân hàng phải điều chỉnh nợ theo kết quả kiểm toán của KTNN, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) đã giảm dư nợ nhóm 1 gần 380 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 188 tỷ đồng, nhóm 3 là 133 tỷ đồng, nhóm 4 là 27.5 tỷ đồng, nhóm 5 là 9.5 tỷ đồng; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) cũng phải điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 142 tỷ đồng, nhóm 3 là hơn 1 tỷ đồng, nhóm 4 là 14. tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 145 tỷ đồng, nhóm 5 là 19 tỷ đồng; tương tự Ngân hàng Công thương Việt Nam - VietinBank (CTG) phải giảm dư nợ nhóm 1 là 142.4 tỷ đồng, tăng dư nợ nhóm 2 là 107 tỷ đồng và nhóm 5 là 35.5 tỷ đồng.
Riêng đối với việc trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, 3 ngân hàng nói trên đã phải trích lập bổ sung lần lượt là 36.5 tỷ, 41.3 tỷ và 20.5 tỷ đồng.
Ngoài ra còn hàng loạt các vấn đề khác như cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, chưa xây dựng hệ thống kiểm soát theo dõi, đánh giá về chất lượng tài sản có, quy định về quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro theo quy định; Ngân hàng Chính sách Xã hội có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nội bộ của một số ngân hàng thương mại còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý...
Dẫn chứng về điều này, KTNN cho biết, BIDV còn bất cập trong việc tìm kiếm thông tin, khai thác dữ liệu, lập báo cáo tổng hợp, tiêu chí đánh giá xếp hạng khách hàng…; VCB tồn tại bất cập về hệ thống kế toán máy chưa hỗ trợ một số nghiệp vụ (hạch toán lãi dự thu thẻ tín dụng, cho vay đầu tư qua đêm…), hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý, tổng hợp báo cáo phân loại nợ, chấm điểm xếp hạng tín dụng thiếu chặt chẽ, chưa được kiểm soát thường xuyên…
Ngoài ra, vấn đề quản lý tiền mặt, tiền gửi, một số khoản đầu tư, góp vốn của một số ngân hàng còn hiệu quả thấp, dẫn tới suy giảm giá trị. Đơn cử như, VCB đầu tư vào Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif 270 tỷ đồng nhưng tỷ suất sinh lời năm 2014 đạt 2.5%; đầu tư vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Saigonban (SGB) 123.45 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời năm 2014 đạt 3.76%; CTCP Tài chính Xi măng 71 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư là 2.79% hay như BIDV đầu tư vào 6 công ty liên doanh 3,359 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ cổ tức được chia năm 2014 chỉ là 2.9%. VCBS đầu tư vào các công ty chưa niêm yết vượt 20% vốn chủ sở hữu hơn 84 tỷ đồng; VCB có 28 lô đất với diện tích 3.8 ha chưa sử dụng.
Về thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015, theo KTNN số lượng các NHTM cổ phần đã giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất và mua lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng đã được lành mạnh hoá cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu.
Song trong quá trình triển khai và thực hiện đề án các tổ chức tín dụng còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, việc tăng vốn điều lệ; một số quy định trong việc bán nợ cho VAMC; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) phải thực hiện chính sách về cho vay nông nghiệp nông thôn, trong khi vẫn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN; việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt, tạo áp lực lớn trong việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%./.
|