Thứ Bảy, 13/08/2016 09:32

NHTW Nhật tung gói kích thích mới – đồng Yên vẫn tăng?

Bất chấp việc Nội các Nhật Bản thông qua gói kích thích tài khóa mới trị giá hơn 28 ngàn tỷ Yên, tương đương 274 tỷ USD vào ngày 2/8/2016 vừa qua, đồng Yên tiếp tục mạnh lên và tăng trở lại so với các đồng tiền khác. Đây được xem là một diễn biến bất thường, vì khi một nền kinh tế nới lỏng tiền tệ và thông qua các gói kích thích thì đồng nội tệ của nước đó phải sụt giảm. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra diễn biến trên của đồng Yên?

* Nhật phê chuẩn gói kích thích hơn 270 tỷ USD và gói tài khóa 130 tỷ USD

Chính sách Abenomics và đồng Yên

Sau giai đoạn bong bóng của nền kinh tế trong thập niên 80, Nhật Bản đã trải qua một thập niên mất mát với nền kinh tế trì trệ và giảm phát. Để khôi phục lại nền kinh tế, Ngân hàng trung ương Nhật bản đã duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ từ năm 2001 và sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trở lại, tuy nhiên kết quả không có nhiều cải thiện.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015 đế nay, đồng Yên liên tục tăng giá trở lại so với các đồng tiền khác bất chấp việc Chính phủ Nhật tiếp tục tung ra gói kích thích mới. Đây là một diễn biến ngược lại so với những gì đã diễn ra trong suốt giai đoạn 2012 – 2015, vì giới đầu tư tin rằng chính sách Abenomics đã đi đến hồi kết. Như đã nói ở trên, với kế hoạch “bơm” khoảng 25 ngàn tỷ Yên (260 tỷ USD) trong 5 năm vào năm 2012, thì thời hạn và hạn mức cho các gói kích thích kinh tế là sắp chấm dứt.

Từ khi thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền trở lại vào 26/12/2012, ông đã thực thi chính sách Abenomics được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Theo đó, NHTW Nhật sẽ thực hiện giảm lãi suất thực nhằm nới lỏng tiền tệ, hạ giá đồng Yên nhằm phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua quyết định “bơm” khoảng 25 ngàn tỷ Yên (260 tỷ USD) trong 5 năm, song song đó với chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng hướng đến các mục tiêu như thu hút lao động nữ, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tự do thương mại, đứng thứ nhất về đổi mới kinh tế và đưa nông nghiệp trở thành “ngành công nghiệp thứ 6”.

Sau khi bắt đầu thực hiện nhóm chính sách kinh tế Abenomics từ năm 2012, Nhật Bản bước đầu đã gặt hái được một số thành quả như tăng trưởng kinh tế thực dương, thị trường chứng khoán tăng điểm, chỉ số giá tiêu dùng dương trở lại, đồng Yên yếu đi hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng.

Nhìn vào biểu đồ tỷ giá USD/JPY bên dưới cho thấy sau giai đoạn tăng mạnh từ năm 2007 đến năm 2012, là giai đoạn khủng khoảng kinh tế thế giới thúc đẩy giới đầu tư nhảy vào đồng Yên như một tài sản trú ẩn an toàn, thì từ cuối năm 2012 đồng Yên đã giảm mạnh trở lại và chạm mức đáy quanh 125 trong quý 2/2015, nhờ vào chính sách Abenomics với mục tiêu làm yếu đồng Yên. Theo thống kê từ Bloomberg, trong giai đoạn 2010-2011, NHTW Nhật Bản đã có 4 lần can thiệp bán đồng Yên trên thị trường với số tiền phải chi cho mỗi lần từ 8 đến 117 tỷ USD.

Diễn biến đồng Yên từ 2006 đến nay
Nguồn: netdania.com

Chính sách nới lỏng của Nhật đang đi vào hồi kết?

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015 đế nay, đồng Yên liên tục tăng giá trở lại so với các đồng tiền khác bất chấp việc Chính phủ Nhật tiếp tục tung ra gói kích thích mới. Đây là một diễn biến ngược lại so với những gì đã diễn ra trong suốt giai đoạn 2012 – 2015, vì giới đầu tư tin rằng chính sách Abenomics đã đi đến hồi kết. Như đã nói ở trên, với kế hoạch “bơm” khoảng 25 ngàn tỷ Yên (260 tỷ USD) trong 5 năm vào năm 2012, thì thời hạn và hạn mức cho các gói kích thích kinh tế là sắp chấm dứt.

Trong khi đó, thông qua chương trình nới lỏng định lượng, NHTW Nhật hiện nay đã nắm giữ 1/3 số lượng trái phiếu chính phủ bị mất khả năng thanh toán. Tổng tài sản của NHTW Nhật Bản cũng đã tăng lên hơn gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên, những chương trình nới lỏng thời gian qua không mang lại nhiều hiệu quả như mong đợi, tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm sút và lún sâu vào giảm phát. Do đó, với hiệu quả hạn chế từ các chính sách nới lỏng định lượng, giới đầu tư càng tin rằng việc duy trì các biện pháp nới lỏng để thúc đẩy kinh tế là không khả thi.

Thực tế dòng vốn rẻ được bơm vào thị trường của Chính phủ Nhật một phần chảy ra nước ngoài đầu tư vào các nền kinh tế khác, hoặc chủ yếu đầu tư vào các dự án xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đây vốn là những lĩnh vực không kích thích tiêu dùng tư nhân, do đó ít đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch về một Abenomics phiên bản 2 nhưng với những hiệu quả hạn chế từ Abenomics 1 thì đang có những hoài nghi rất lớn về các chương trình nới lỏng sắp tới nếu có. Vì dù NHTW Nhật có nới lỏng chính sách và Chính phủ Nhật có bơm thêm tiền nhưng người dân vẫn không chịu xài tiền thì nới lỏng chẳng mang lại ích lợi gì.

Như vậy, với kỳ vọng như trên, giới đầu tư đang đón đầu khả năng đồng Yên sẽ còn tiếp tục tăng giá khi mà Chính phủ Nhật khó có thể bơm thêm tiền vào nền kinh tế, nhất là khi nợ công nước này đang ngày càng tăng cao hơn, hiện đã lên đến 347% GDP. Ngoài ra, giới đầu tư cũng cho rằng NHTW Nhật đã đi đến bước đường cùng của chính sách nới lỏng tiền tệ khi đang áp dụng mức lãi suất âm 0.1%. Trong lịch sử từ năm 1972 trở lại đây cho thấy Nhật Bản chưa bao giờ hạ lãi suất về thấp hơn mức -0.1% cả.

Đồng tiền trú ẩn rủi ro và tiềm năng trong thời điểm hiện nay

Đồng Yên từ trước đến nay luôn được xem là đồng tiền trú ẩn rủi ro, do đo khi rủi ro kinh tế tăng lên sẽ khiến giới đầu tư tìm đến đồng tiền này như một kênh trú ẩn an toàn  Giới đầu tư kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) cũng đặc biệt ưa thích đồng Yên do lãi suất vay đồng tiền này thấp, nhưng khi rủi ro khủng hoảng xuất hiện sẽ khiến giới đầu tư này nhanh chóng tất toán các khoản vay đồng Yên và nhu cầu đồng tiền này cũng sẽ tăng lên. Ngoài ra, Nhật Bản là nền kinh tế thiên về xuất khẩu và đầu tư, do đó nhu cầu “hồi hương tiền tệ” là rất lớn khi nền kinh tế toàn cầu bất ổn.

Trong khi đó, những dấu hiệu rủi ro và bất ổn đối với kinh tế thế giới hiện nay đang ngày càng nhiều hơn trước việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu mà nhiều nhà kinh tế cho rằng có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Những căng thẳng trên Biển Đông ngày càng tăng lên sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA bác bỏ đường lưỡi bò đang làm Trung Quốc trở nên hung hăng hơn. Trong khi đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đang gặp nhiều khó khăn và khả năng được thông qua đang giảm xuống, cuộc bầu cử tại Mỹ chưa có gì là chắc chắn cũng là những yếu tố tiêu cực lên kinh tế toàn cầu.

Khả năng Fed tăng lãi suất ngày càng giảm đi hoặc tăng với tốc độ sẽ chậm lại trước những dữ liệu bi quan của nền kinh tế Mỹ, do đó đồng Yên tăng mạnh so với USD trong thời gian qua là đương nhiên, tuy nhiên nếu Fed thông qua việc điều chỉnh lãi suất vào tháng 9 tới có thể khiến USD sẽ tăng mạnh so với tất cả các đồng tiền còn lại. Việc Anh rời khỏi EU khiến đồng EUR và GBP chẳng sáng sủa gì, nhất là EU vẫn đang vật lộn với những khó khăn hiện tại như nợ công của các quốc gia thành viên, vấn đề nhập cư người tỵ nạn, do đó đồng Yên có vẻ là đồng tiền tiềm năng nhất trong thời điểm hiện nay bên cạnh đồng USD./.

Các tin tức khác

>   Vàng sụt giảm tuần thứ 4 trong 5 tuần vừa qua (13/08/2016)

>   Dầu chứng kiến tuần tăng giá mạnh nhất trong 4 tháng (13/08/2016)

>   Tây Ban Nha tránh được vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử (12/08/2016)

>   Vàng giảm nhẹ khi đồng USD và chứng khoán Mỹ đồng loạt leo dốc (12/08/2016)

>   Dầu tiến sát đỉnh 3 tuần sau nhận định của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út (12/08/2016)

>   Tiền từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào thung lũng Silicon: Mừng hay lo? (11/08/2016)

>   Ngân hàng Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng năng lực lãnh đạo (11/08/2016)

>   Giới đầu tư đừng nên nghe những gì các ngân hàng trung ương nói? (11/08/2016)

>   Sau 365 ngày: Thị trường không còn sợ hãi khi Nhân dân tệ rớt giá (11/08/2016)

>   Thêm một NHTW thế giới cắt giảm lãi suất (11/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật