Nhịp đập Thị trường 29/08: Phân hóa rất mạnh
Với việc các cổ phiếu lớn tăng đến những mức giá kịch biên độ cho phép đang khiến tình trạng phân hóa diễn ra rất rõ rệt ở sàn HOSE. Chỉ số có thời điểm tăng rất mạnh nhưng số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo. Đóng cửa sàn HOSE chỉ có 53 cổ phiếu tăng giá trong khi có đến 149 mã giảm.
Rủi ro danh mục bị thiệt hại khi không sở hữu các cổ phiếu trụ cột là khá lớn, thậm chí, đối với các cổ phiếu vẫn được đánh giá là có tiềm năng tăng giá dựa trên nền tảng tốt như BMP, FPT, HBC, HPG, KDC, hay HSG, … cũng đã quay đầu giảm điểm khá mạnh.
Chỉ còn một số cổ phiếu giữ được mức tăng như VNM, đặc biệt MSN kịch trần. Đáng chú ý NLG cũng tăng trần sau nhiều phiên điều chỉnh.
Tình trạng số lượng cổ phiếu giảm vượt trội cũng diễn ra tại 2 sàn còn lại, điểm khác ở chỗ nếu như HOSE đóng cửa vẫn tăng nhẹ 0.25%, tương đương 1.69 điểm thì 2 chỉ số HNX-Index và Upcom-Index lần lượt mất 0.86% và 0.35%.
Thanh khoản chung cuộc đạt 164 triệu đơn vị trao tay, giá trị giao dịch đạt 3,446 tỷ đồng, tăng 17.6% so với phiên cuối tuần trước.
Phiên sáng: Cuộc chơi của cổ phiếu lớn
Trong khi VN-Index với sự trợ lực rất mạnh từ 5 cổ phiếu lớn là VNM (+6,000), MSN (+3,500), SJS (+1,200), VCB (+2,000), BVH (+1,500) và tăng mạnh 9.03 điểm trước khi tạm nghỉ giao dịch thì Upcom-Index vẫn chưa cho thấy sự khởi sắc và HNX-Index cũng quay đầu giảm điểm khá bất ngờ.
Cuộc chơi chỉ gói gọn ở nhóm các cổ phiếu lớn nhất nên diễn biến ở phần còn lại không thật sự ấn tượng. Giao dịch trầm lắng và thanh khoản kém là tình hình chung ở nhiều cổ phiếu khác trên thị trường, ngay cả tại các mã đáng chú ý là CII, FPT, GMD, HPG tại HOSE hay ACB, PVC, VCS hay SHB, …
10h00: Nới rộng đà tăng
Đà tăng được mở rộng khi VNM có thời điểm tăng 3 giá, bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác tiếp tục cho thấy lực cầu mạnh mẽ.
HSG (+500) bất chấp còn nhiều lo ngại về tính khả thi về dự án đầu tư rất lớn tại Ninh Thuận tiếp tục đà tăng tốt, trái ngược với đó, HPG (-300) lại đang có dấu hiệu chững lại.
Ở nhóm cổ phiếu Midcap, DAG (+500) hay PVI (+1,000) thu hút được nhiều sự chú ý bởi tiến trình tăng giá khá bền vững trong nhiều phiên gần đây.
Tại thời điểm 10h00, VN-Index tăng mạnh 1.15%. trong khi HNX-Index duy trì mức tăng 0.45% còn Upcom-Index lại quay đầu giảm nhẹ 0.03%. KLGD toàn thị trường ghi nhận 39.34 triệu đơn vị, giá trị đạt 761 tỷ đồng.
Mở cửa: Các chỉ số đồng loạt mở cửa tăng điểm
Thị trường mở cửa tuần giao dịch mới tăng nhẹ ở cả 3 chỉ số, mức tăng khá đồng đều khi xấp xỉ 0.4%. Khối lượng giao dịch đạt mức 6.58 triệu đơn vị, tương đương 85.87 tỷ đồng, khá cao so với mức trung bình trong các phiên giao dịch gần đây.
2 cổ phiếu của HAGL tiếp tục khởi đầu ấn tượng khi tăng mạnh, các cổ phiếu lớn khác như FPT, GMD, HSG, MSN, SJS, VCB hay VNM cũng ghi nhận mức tăng điểm khá.
Chờ kỳ đảo danh mục của ETF
Diễn biến các phiên đầu tuần khá giằng co, tuy nhiên với sự khởi sắc ở phiên 26.08, VN-Index đã phá vỡ thế cân bằng để bật tăng mạnh và ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, đóng cửa mở mức 667.75 điểm, cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây.
Thanh khoản giảm 18.54% so với tuần trước tuy nhiên, mức trung bình 2,853 tỷ đồng/phiên cũng là chấp nhận được đối với bối cảnh ảm đạm của thị trường. Ở giai đoạn nước rút trước kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ, giá trị giao dịch toàn thị trường được cho là sẽ tiếp tục đạt mức cao, xấp xỉ 3,000 tỷ đồng/phiên.
Trong 4 phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh, mức điểm 675 sẽ là kháng cự quan trọng mà VN-Index cần chinh phục để duy trì xu hướng tăng điểm vốn đã bị gián đoạn từ phiên giao dịch 19.07. Trong trường hợp thất bại tại mức điểm này, vùng 645 - 650 sẽ là điểm tựa khá tin cậy dành cho chỉ số chính của thị trường.
Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, họ tiếp tục chiến lược thoái vốn mạnh từ 2 tuần trước, dòng tiền của khối nhà đầu tư ngoại tiếp tục bị rút ra khỏi thị trường với giá trị 521.9 tỷ đồng, nâng tổng số vốn ngoại bán ròng trong 3 tuần liên tiếp lên mức 1,951 tỷ đồng.
Nhiều quan điểm đang cho rằng trong đợt review danh mục sắp tới, Vinamilk (VNM) sẽ là cổ phiếu được thêm vào ở cả 2 danh mục và để “dọn chỗ” cho ông lớn này hàng loạt bluechips đã và sẽ bị bán ra là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cụ thể với VanEck Vietnam Market Vector, VNM sẽ được mua vào 4.3 triệu đơn vị, tương đương 8% danh mục, giá trị khoảng 28 triệu USD, với DB X-Trackers FTSE Vietnam, sẽ có 6.44 triệu đơn vị được bổ sung, xấp xỉ 15% danh mục.
|