Liên tục lao dốc, TCM đã qua thời đỉnh cao?
Sau khi lập đỉnh tại mức giá 40,300 đồng/ cp vào cuối năm 2015, giá cổ phiếu của CTCP Dệt May – ĐT – TM Thành Công (HOSE: TCM) đã liên tục lao dốc cho đến thời điểm hiện tại. Với vị thế của một trong các ông lớn trong ngành Dệt may, đây thực sự là một kết quả đáng thất vọng so với những kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu này.
Kết quả kinh doanh liên tục lao dốc. Khởi đầu cho sự thoái trào của cổ phiếu TCM chính là sự đi xuống trong hoạt động kinh doanh chính của cổ phiếu này khi kết quả kinh doanh năm 2015 của TCM không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư. Theo đó, mặc dù doanh thu hợp nhất năm 2015 tăng trưởng 8.3% nhưng lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm 8.7% so với năm 2014. Nguyên nhân cho sự sụt giảm trong lợi nhuận sau thuế của TCM đến từ:
(1) Sự gia tăng mạnh của chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp khi nhà máy may Vĩnh Long chỉ vừa mới đi vào hoạt động trong quý 3/2015 với công suất ban đầu chỉ 50%. Vì vậy doanh thu tạo ra chưa đủ bù đắp khấu hao và các chi phí liên quan đến hoạt động của nhà máy.
(2) NHNN nới biên độ tỷ giá lên 5% khiến TCM phải ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên đến gần 60 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014.
Bên cạnh kết quả kinh doanh năm 2015 gây thất vọng, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của TCM cũng không có sự chuyển biến tích cực khi lợi nhuận sau thuế chỉ hoàn thành 31% so với kế hoạch năm và giảm đến 41.9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh sự gia tăng mạnh của tỷ lệ giá vốn hàng bán khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh 13.9% thì các khoản chi phí bao gồm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục trở thành gánh nặng cho TCM khi tiếp tục tăng mạnh 10.8% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả kinh doanh thực tế thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư, không quá khó hiểu khi giá cổ phiếu của TCM đã liên tục sụt giảm kể từ đầu năm. Cụ thể, giá cổ phiếu TCM đã sụt giảm từ mức 29,900 đồng/cp (04/01/2016) về mức 19,200 đồng/cp (19/08/2016) với mức sụt giảm lên đến 35.7%.
Diễn biến giá cổ phiếu TCM
Khó khăn nào đang chờ đợi TCM ở phía trước?
Hoạt động kinh doanh của TCM trong 6 tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi:
Gánh nặng từ chi phí vẫn chưa hạ nhiệt. Áp lực chi phí của TCM chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy may Vĩnh Long khi doanh thu của nhà máy này vẫn chưa đủ để bù đắp các khoản chi phí phát sinh từ nhà máy. Năm 2016, TCM đẩy mạnh hoạt động của nhà máy bằng cách thực hiện nâng công suất nhà máy lên tối đa. Tuy nhiên, theo dự kiến trong quý 3/2016 nhà máy này mới có thể sản xuất đạt mức hòa vốn trong khi các khoản chi phí đào tạo, chi trả lương, bảo hiểm cho nhân công mới, chi phí quản lý và khấu hao từ nhà máy vẫn đang tiếp tục tăng mạnh.
Rủi ro từ lỗ tỷ giá vẫn đeo bám. Sau khi tỷ giá có sự biến động mạnh vào cuối năm 2015 xuất phát từ sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân Tệ, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giữ ổn định tỷ giá. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm lãi suất tiết kiệm USD xuống còn 0%/năm đã giúp tỷ giá USD/VND được duy trì ổn định kể từ đầu năm. Tuy vậy, vẫn không thể loại trừ rủi ro từ biến động tỷ giá tác động đến hoạt động kinh doanh của TCM trong 6 tháng cuối năm khi:
(1) Khả năng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản ít nhất 1 lần trong các cuộc họp sắp tới. Kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Theo đó, hoạt động tiêu dùng đã tăng trưởng khả quan và thị trường lao động Mỹ cũng đã được cải thiện. Những dấu hiệu tích cực này sẽ thúc đẩy quyết định nâng lãi suất của FED xảy ra sớm hơn so với dự kiến.
(2) Đồng Nhân Dân Tệ tiếp tục giảm giá. Kể từ sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng Nhân Dân Tệ vào cuối năm 2015. Đồng tiền nãy đã tiếp tục mất giá thêm 2% kể từ đầu năm 2016. Nhiều khả năng đồng Nhân Dân Tệ sẽ tiếp tục giảm giá cho đến cuối năm khi các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế của quốc gia này vẫn chưa hồi phục mạnh trở lại.
Những yếu tố này nhiều khả năng sẽ tạo áp lực tăng giá đồng USD, qua đó khiến tỷ giá USD/VND có thể biến động cao hơn biên độ ổn định 1% như hiện tại. Điều này sẽ tạo áp lực lên các khoản nợ vay của TCM khi dư nợ ngoại tệ bằng đồng USD của TCM vẫn đang chiếm tỷ trọng cao nhất với tỷ trọng 99% dư nợ ngoại tệ, tương ứng với giá trị 729 tỷ đồng vào cuối quý 2/2016.
Giá bông nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức thấp. Giá bông nguyên liệu đã giảm mạnh trong năm 2015. Năm 2016, dù nhu cầu tiêu thụ bông tăng mạnh nhưng giá bông được dự đoán sẽ vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá sợi bán ra của TCM trong thời gian tới khi doanh thu từ mảng kinh doanh sợi vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 29.4% tổng doanh thu đến cuối năm 2015.
Trong tương lai, thì nhà máy Vĩnh Long đang là kỳ vọng lớn nhất của TCM trong việc giải đáp bài toán về sợi của mình.
Thị trường xuất khẩu Trung Quốc gặp khó khăn. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa cho thấy các dấu hiệu hồi phục mạnh trở lại sau khi tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia này trong quý 2/2016 vẫn chỉ dừng ở mức 6.7%, bằng với mức tăng trưởng trong quý 1/2016. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của quốc gia này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các đặc khu kinh tế với các ưu đãi về chi phí điện, nước và hỗ trợ chi phí chi trả lương lao động cho các doanh nghiệp Dệt may nội địa. Điều này khiến lượng cung sợi trong nước của Trung Quốc đang trong xu hướng tăng mạnh và trực tiếp đe dọa đến hoạt động xuất khẩu của TCM khi Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp này.
Sự kiện Brexit tác động tiêu cực đến thị trường xuất khẩu của TCM. Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành Dệt may nói chung và TCM nói riêng. Tuy vậy, với việc Anh rời khỏi EU thì nhiều khả năng TCM sẽ phải đàm phán lại các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nhập khẩu thuộc khối EU. Bên cạnh đó, đồng Bảng Anh và đồng Euro đã liên tục mất giá mạnh kể từ sau sự kiện Brexit. Với chính sách giữ tỷ giá ổn định như hiện nay của NHNN thì giá sản phẩm dệt may xuất khẩu đã trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may nội địa so với các đối thủ từ các quốc gia khác.
Chưa thể hưởng lợi từ Hiệp định TPP. Hiệp định TPP được ký kết vào ngày 04/02/2016 mở ra những cơ hội phát triển thuận lợi các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, ngành Dệt may được đánh giá là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi thuế suất nhập khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường chiếm đến 50% sản phẩm xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. TCM là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này khi đang là doanh nghiệp duy nhất có khả năng tự sản xuất từ giai đoạn sợi trở đi – điều kiện tiên quyết để được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% theo nội dung của Hiệp định.
Mặc dù vậy, trong những tháng còn lại của năm 2016, TCM vẫn chưa thể tận dụng được những lợi thế của mình khi:
(1) Hiệp định TPP chỉ có hiệu lực bắt đầu từ năm 2018.
(2) Sự thực thi Hiệp định đang vấp phải những khó khăn khi các mối lo ngại về Brexit và sự xâm lấn của hàng ngoại khiến các thành viên chủ chốt như Mỹ và Úc gặp khó khăn trong việc phê chuẩn Hiệp định. Bên cạnh đó, các ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã đưa ra những sự phản đối về tính khả thi của Hiệp định TPP và nhiều khả năng Hiệp định sẽ được đưa ra xem xét lại sau khi cuộc bầu cử kết thúc vào cuối năm.
Kết luận: Trong dài hạn, TCM được kỳ vọng cao nhờ các hiệp định thương mai tự do, hoạt động đầu tư cho tương lai cũng đã sẵn sàng, thêm vào đó tài sản ngầm bất động sản. Tuy nhiên trong ngắn hạn, TCM sẽ phải đối diện với những khó khăn xuất phát từ áp lực chi phí, rủi ro tỷ giá, sự sụt giảm của giá nguyên liệu cùng những trở ngại đến từ thị trường xuất khẩu. Nhiều khả năng hoạt động kinh doanh của TCM sẽ chưa thể khởi sắc trở lại trong thời gian tới.
Hiện TCM đang giao dịch ở mức giá 19,200 đồng/cp (19/08/2016), với các mức định giá P/E và P/B lần lượt 8.07 lần và 1.11 lần./.
|