Nhịp đập Thị trường 22/08: Giảm nhưng thanh khoản cải thiện
Cán cân cung cầu vẫn chưa được cải thiện, thậm chí ở nhóm cổ phiếu lớn, bên cầm cổ phiếu đã sẵn sàng hạ giá bán xuống các mức thấp hơn. VNM có thời điểm giảm hơn 3,000 đồng/cp, VIC (-1,000), SSI (-200), PVD (-900), …
Đóng cửa, các cổ phiếu này đều giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong phiên. Tính trong nhóm VN30, cứ 2 cổ phiếu giảm mới có 1 cổ phiếu tăng, HNX30 thậm chí còn chênh lệch hơn với tỷ lệ tăng/giảm là 5/18 cổ phiếu.
Các chỉ số chốt phiên đồng loạt giao dịch dưới mức tham chiếu,VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên, giảm 0.7%, lui về 657.68 điểm. Trong khi đó, HNX-Index mất 0.51% còn Upcom-Index giảm 0.67%. Toàn sàn có 148.7 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch 2,654.43 tỷ đồng.
Với việc hút được lượng cầu rất lớn, TTF và HAG vươn lên dẫn đầu danh sách giao dịch sôi động nhất với lần lượt 12.9 triệu và 12.5 đơn vị. Trong danh sách 5 cổ phiếu có KLGD lớn nhất còn có ITA (6.4 triệu), KBC (4.2 triệu) và HSG (3.6 triệu). Top5 cổ phiếu này chiếm đến hơn 26.63% KLGD toàn thị trường.
14h: Tiếp tục giằng co, TTF đột biến
Ngay đầu phiên chiều, lực mua được đổ vào TTF với khối lượng rất lớn, nhanh chóng khớp hết hơn 8 triệu đơn vị ở giá sàn và tiếp tục đang mua lên các mức giá cao hơn. Tâm lý bắt đáy dâng rất cao ở cổ phiếu này bất chấp việc khối ngoại đang bán ra rất mạnh.
Ở quy mô toàn thị trường, diễn biến giằng co tiếp tục được thể hiện với không nhiều biến động ở nhóm các cổ phiếu dẫn dắt.
Phiên sáng: Thanh khoản sụt giảm
Thị trường đóng cửa phiên sáng với việc cả 3 chỉ số đều giảm điểm. Giảm mạnh nhất là UPCoM-Index với 0.34%, tiếp theo đến VN-Index khi mất 0.31% và thiệt hại ít nhất là HNX-Index 0.08%.
Toàn thị trường có 76 triệu đơn vị giao dịch, tương đương giá trị 1,329 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 30% so với phiên cuối tuần trước.
11h10: Dòng tiền tìm đến nhóm Mid Cap
Cầu tăng ở nhiều cổ phiếu tầm trung đang dần cân bằng được áp lực từ các cổ phiếu lớn gây ra, chỉ số quay đầu tăng nhẹ (0.13%), thanh khoản cũng cải thiện rõ rệt.
Các cổ phiếu cơ bản tốt nhưng đợt vừa rồi chưa tăng giá nhiều như CSM (+500), GMD (+500), SCR (+200) đang dẫn đầu nhóm cổ phiếu midcap, trong khi đó, 2 cổ phiếu hàng đầu của nhóm dệt may là TCM (+400) và TNG (+100) cũng đã quay đầu tăng sau khởi đầu giảm điểm.
Tại sàn Hà Nội, HAS (+500), PVS (+600) hay VCG (+200), PGS (+100), … viết tiếp câu chuyện tăng giá bắt đầu tư tuần trước với lực cầu khá ổn định.
10h30: Áp lực bán tăng dần
Lực cung cổ phiếu ở nhóm bluechips tăng lên ngay cả khi thiếu vắng cầu đối ứng đã khiến chỉ số VN30 hiện giảm gần 4 điểm. Hàng loạt cổ phiếu lớn đều đang giảm giá như BMP (-3,000), FPT (-500), hay cả những mã có thông tin tốt và tăng mạnh tuần trước như KDC (-600), MSN (-1,500), VNM (-1,000) cũng đang có diễn biến bất lợi.
Ngược lại, HNG (-100) đang tiến sát mức tham chiếu sau khi giảm kịch sàn ở thời điểm đầu phiên, HAG tuy vẫn dư bán sàn khối lượng lớn nhưng lực cầu cũng liên tục được bổ sung. Rất có thể, sau một thời gian giảm giá mạnh và thông tin xấu nhất cũng được công bố thì chiến thuật “Buy on bad news” đang được thực hiện ở cặp cổ phiếu này.
Tại thời điểm 10h20, VN-Index mất 0.35%, tụt xuống dưới mức 660 điểm, HNX-Index và Upcom-Index cũng lần lượt giảm 0.14% và 0.29%. Thanh khoản toàn thị trường khá thấp, chỉ đạt 620 tỷ đồng, với hơn 34 triệu đơn vị được sang tay.
Mở cửa giằng co
Tâm lý thận trọng được thể hiện ngay những phút đầu giao dịch, áp lực bán của khối ngoại lẫn các thông tin bất lợi của nhiều DNNY được phát đi từ cuối tuần trước thực sự đang làm nhà đầu tư chùn tay.
VN-Index mở cửa tăng nhẹ 0.09%, cao hơn 1 chút là HNX-Index với 0.18% trong khi đó, Upcom-Index hiện đang tạm giảm nhẹ 0.15% giá trị.
Bộ đôi cổ phiếu thuộc tập đoàn HAGL đang tạm giảm kịch sàn và không có dư mua sau thong tin lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm. Ở nhóm trụ cột, VNM, MSN tạm đứng giá tham chiếu trong khi VIC, KDC, FPT giảm, còn VCB, PVD, GAS đồng loạt tăng giá nhẹ.
Trước phiên giao dịch
Với sự hút tiền mạnh mẽ từ các cổ phiếu trụ cột, VN-Index có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp, mức tăng đạt 1%, lên đứng tại 662.28 điểm.
Các cổ phiếu như KDC với câu chuyện lợi nhuận đột biến sau khi bán nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo đã nhảy vọt 26.67% cùng với MSN (+11.57%) do thông tin mua vào 20 triệu cp quỹ hay MWG (+10.95%) đến từ việc LN 7 tháng đầu năm tăng mạnh 79% so với cùng kỳ, … là các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho diễn biến khả quan của VN-Index.
Ngược lại, HNX-Index do ít chịu tác động từ các “siêu” cổ phiếu đã phần nào phản ánh trung thực hơn khi giảm nhẹ 0.04%, duy trì ở mức 83.1 điểm, độ phân hóa tiếp tục ở mức cao.
Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh 24.28%, đạt 3,502 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 tuần. Mặc dù vậy, mức độ tập trung tiền quá lớn đã khiến số cổ phiếu giảm giá cao hơn hẳn tuần trước, lần lượt có đến 16 mã giảm trong nhóm VN30 và 18 mã trong HNX30. Trong khi tuần trước, số cổ phiếu giảm giá ở 2 nhóm đều chỉ là 3 trường hợp.
Duy trì hoạt động thoái vốn, khối ngoại tiếp tục bán ra các cổ phiếu lớn nhưng ở một mức độ cao hơn rất nhiều với 5 phiên bán ròng liên tục, giá trị đạt xấp xỉ 1,113 tỷ đồng, cao gần gấp 4 lần so với mức bán ròng 316 tỷ đồng của tuần trước đó. Nhóm cổ phiếu BĐS tiếp tục là đối tượng bị thoái vốn mạnh nhất bên cạnh đó, VNM và PVD cũng là các cổ phiếu bị bán ròng hàng triệu đơn vị.
Trong tuần, câu chuyện thoái vốn của SCIC - vốn không quá mới mẻ (bắt đầu từ công văn số 1787/TTg-ĐMDN vào tháng 10/2015) lại được truyền thông khơi gợi và một lần nữa lại trở thành chủ đề chính cũng như là động lực tăng giá tại nhiều cổ phiếu lớn. Cụ thể, trong 10 cp trong danh sách thoái vốn của SCIC, BMI (+11.92%) là mã tăng mạnh nhất, NTP (+8.11%) hay VNR (+7.65%) cũng tăng khá tốt trong khi VNM (+4.76%), BMP (+3.97%) và FPT (+2%) cũng có mức tăng chấp nhận được.
|