Giám sát chặt nhà ở đang thế chấp để minh bạch thị trường bất động sản
Tâm lý của người dân sống tại các khu chung cư đang ngày càng trở nên bất an khi mà họ không thể biết rằng mình phải gánh chịu điều gì từ những sai phạm của chủ đầu tư. đặc biệt là trong câu chuyện dự án đã bán nhưng lại bị chủ đầu tư đem đi cầm cố khiến cho người mua không thể làm giấy tờ.
Một dự án bất động sản mà chủ đầu tư bức xúc vì bị "vơ đũa cả nắm".
|
Đủ kiểu khốn khổ với chuyện sổ hồng
Hàng trăm hộ dân ở chung cư Phúc Lộc Thọ số 35 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức mới đây đã gửi đơn kêu cứu lên Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khiếu nại về những bức xúc mà họ đang gặp phải sau khi mua nhà ở dự án này. Cư dân ở đây cho biết, khi rao bán căn hộ, chủ đầu tư khẳng định, giám đốc Công ty Phúc Lộc Thọ làm ở Trung ương nên không cần phải lo về vấn đề pháp lý. Còn đơn vị phân phối là Công ty cổ phần Đất Xanh Đông Á thì hứa sẽ tặng gói dịch vụ phí quản lý nhà từ 1 - 3 năm cho người mua nhà trong chung cư. Tuy nhiên, sau khi bán nhà cho cư dân, công ty này đã không thực hiện lời hứa và đổi tên thành CTCP BĐS UNIHOMES. Và điều quan trọng là toàn bộ 192 hộ dân đã ở ổn định tại Block A của chung cư này hơn 2 năm nay nhưng vẫn chưa có sổ hồng.
Anh Hoàng, một người dân ở chung cư Phúc Lộc Thọ cho biết, trị giá căn hộ là 1,2 tỉ đồng nhưng khi nhận nhà đến ở vẫn cảm thấy rất bức xúc vì giấy tờ sổ hồng của chúng tôi chẳng biết bao giờ mới có. Hỏi thì chủ đầu tư cứ hứa như vậy thôi. Bên cạnh đó, cuộc sống của chúng tôi không thoải mái khi diện tích sử dụng chung của chung cư không được giao lại cho ban quản trị. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Phúc Lộc Thọ đã cho 40 hộ dân vào ở Block B của khu chung cư này khi còn đang xây dựng. Block B gồm 130 căn, hiện chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện nước chưa lắp đặt hoàn thiện, cầu thang máy, hầm để xe, hành lang, sân của chung cư đang thi công ngổn ngang.
Ở một trường hợp khác, những người dân sinh sống tại chung cư Rubyland, Q.Tân Bình, TP.HCM do Công ty cổ phần Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư đã “té ngửa” khi mới đây Sở Xây dựng TPHCM vừa có kết luận về việc thanh tra toàn diện quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng và công tác quản lý, vận hành tại chung cư này với hàng loạt sai phạm theo kiểu đụng đâu sai đó. Nghiêm trọng nhất là tuy đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng nhưng chủ đầu tư vẫn hai lần đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng chung cư thế chấp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, số tiền vay lần lượt là 90 tỉ đồng và 157 tỉ đồng. Cho đến nay, các khách hàng đã mua căn hộ tại chung cư Rubyland vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận chủ quyền.
Trong khi đó, hơn 100 hộ dân mua căn hộ tại dự án chung cư Thái An, Q.12 do Cty Đất Lành làm chủ đầu tư cũng đang đang kêu trời than đất với chuyện yêu cầu làm sổ hồng. Theo đơn kiến nghị tập thể của người dân chung cư Thái An gửi Chủ tịch UBND quận 12, có nêu chuyện Công ty Đất Lành buộc khách hàng phải ký lại hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn mua căn hộ, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư... thì mới cấp sổ hồng. Vì nóng lòng muốn có giấy hồng nên có một số hộ dân khi nhận được thông tin của chủ đầu tư đã vội vã đến Công ty Đất Lành để rồi bị ép ký “hợp đồng mua bán căn hộ”. Kết quả có 80/186 hộ được chủ đầu tư đưa giấy hồng. Mặc dù biết rằng trong hợp đồng mua bán căn hộ điều chỉnh lại giá bán bao gồm 2% kinh phí bảo trì. Nhưng một số người dân vẫn ký vì có như vậy thì chủ đầu tư mới cấp giấy hồng cho mình. Tuy nhiên, không phải có giấy hồng là chủ đầu tư cấp ngay cho dân mà nơi này buộc mỗi hộ phải nộp một khoản phí, được gọi là “phí bôi trơn” thì mới cho nhận giấy hồng. Có những hộ phải nộp phí này 2,4 triệu đồng, có những hộ được giảm xuống còn 1,5 triệu đồng. Còn những hộ nào không nộp “phí bôi trơn” thì chủ đầu tư giam sổ lại và không giao giấy hồng cho cư dân đến nay.
Hơn 7.000 căn hộ chưa được cấp giấy chứng nhận
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho biết đang rà soát lại toàn bộ dự án nhà ở được thế chấp ở ngân hàng là nguyên nhân chính làm người mua nhà chưa được cấp GCN. Sở TN-MT sẽ yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, thỏa thuận về thay đổi rút bớt tài sản thế chấp với tổ chức tín dụng (giải chấp). Sau khi chủ đầu tư giải chấp các tài sản này, Sở TN-MT sẽ giải quyết cấp GCN cho người mua nhà ở. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, Sở TN-MT sẽ xử phạt với hành vi không đăng ký biến động đất đai.
Đồng thời, Sở TN-MT TP.HCM vừa cho công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, do Sở không ghi chú, giải thích rõ ràng nên nhiều khách hàng đã mua nhà tại các dự án trên tỏ ra hoang mang. Nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng bất ngờ, cho rằng điều này gây ảnh hưởng tới thương hiệu của họ… vì nhiều người cho rằng dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.
Ông Phạm Ngọc Liên – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM - Sở TN-MT cho biết, trong thời gian tới sẽ phân loại rõ ràng, thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông trong đợt công bố sắp tới. Đặc biệt, Sở này sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhằm kiểm tra kỹ dữ liệu dự án, phân loại từng danh mục trước khi công bố đợt 2.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng trên địa bàn giám sát chặt chẽ các dự án đã thế chấp tại ngân hàng, thực hiện đúng quy định pháp luật về thế chấp tài sản đảm bảo nợ vay, đăng ký tài sản thế chấp, xử lý tài sản thế chấp, đặc biệt đối với tài sản hình thành trong tương lai nhằm đảm bảo an toàn tín dụng, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích. Theo đó, việc công khai dự án của chủ đầu tư đang thế chấp tại các ngân hàng là một trong những giải pháp nhằm minh bạch thị trường BĐS, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Do vậy, các ngân hàng cần phải thông tin, giải thích cho người tiêu dùng rõ việc công khai các dự án thế chấp, nhằm bảo đảm thông thoáng trong việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ trên thị trường, không gây tâm lý lo lắng hoang mang, mất lòng tin nơi người dân và khách hàng.
Số liệu báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy, trên địa bàn TP.HCM hiện có 73 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận (GCN), với tổng số gần 15.000 căn. Đến nay, Sở TN-MT đã giải quyết 7.800 căn. Như vậy, còn đến hơn 7.000 căn hộ chung cư của người dân vẫn chưa được cấp GCN. Cư dân tại các chung cư này đang phập phồng lo sợ, không biết có bị rơi vào tình trạng chủ đầu tư mang dự án thế chấp mà không thực hiện việc trả nợ và giải chấp theo quy định như trường hợp đã xảy ra tại chung cư The Harmona (Q.Tân Bình) hay không…/.
|
lao động
|