Năm năm tới, TPHCM sẽ xử lý xong 50% chung cư hư hỏng
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng nay (5-8), các đại biểu đã chất vấn ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND thành phố, liên quan đến những vấn đề về quy hoạch, biện pháp chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền tại các khu dân cư và một số vấn đề trong lĩnh vực quản lý đô thị.
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Khoa trả lời chất vấn sáng nay - Ảnh: Văn Nam
|
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt đặt câu hỏi: hiện thành phố có rất nhiều chung cư, cả cũ lẫn mới, vậy công tác quy hoạch, di dời chung cư cũ trong thời gian tới thế nào? Còn đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa chia sẻ băn khoăn của cử tri về chủ quyền và việc quản lý cấp giấy chủ quyền cho người mua nhà tại các dự án đã thế chấp ngân hàng hiện nay thế nào?
Trả lời những chất vấn này, ông Lê Văn Khoa cho biết, chương trình chỉnh trang đô thị của thành phố đã được thông qua, trong đó có đề ra mục tiêu sẽ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp những chung cư hư hỏng, xuống cấp. Qua khảo sát, thành phố có 474 chung cư cũ cần được xử lý và muốn xử lý cần phải có chỗ để di dời, bố trí chỗ ở mới cho người dân.
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý chung cư cũ, ông Khoa cho biết theo đề nghị của thành phố, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành phố được chỉ định, chọn lựa nhà đầu tư để xử lý các chung cư cũ sắp sập. Theo đó, thành phố sẽ phân cấp cho UBND các quận huyện để lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư xử lý chung cư cũ.
Ông Khoa cho biết theo kế hoạch, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ hoàn tất việc kiểm định hết 474 chung cư cũ để làm cơ sở tiến hành các bước tiếp theo với kế hoạch trong nhiệm kỳ này (2016-2021) sẽ tháo dỡ, di dời, xử lý khoảng 50% chung cư cũ, hư hỏng.
Liên quan đến việc cấp chủ quyền nhà chung cư mà chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, ông Khoa cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm”, đặc biệt đối với những người đã thanh toán tiền mua nhà chung cư nhưng bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng.
“Thực tế là tại thành phố thời gian qua cũng có chủ đầu tư đem dự án thế chấp ngân hàng gây khó khăn trong việc cấp giấy chủ quyền cho bà con”, ông Khoa thừa nhận thực trạng hiện nay.
Để giảm thiệt thòi cho người mua nhà, ông Khoa cho biết quan điểm của lãnh đạo thành phố là nếu người dân đã bỏ tiền mua chung cư thì họ sẽ được đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Vừa rồi, để góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản, thành phố cũng công khai 77 dự án có thế chấp ngân hàng. “Chúng tôi thấy chừng đó cũng chưa đủ. Cuộc họp của Thường trực UBND thành phố và các thành viên ủy ban cùng Sở Tài nguyên và Môi trường vừa qua cũng tiếp tục nghiên cứu để công khai, minh bạch thêm các tiêu chí nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và cả nhà đầu tư".
Trong số 474 chung cư cũ cần được kiểm định, xử lý thì phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960 cho đến nay. Trong đó, có đến 106 chung cư, nhà tập thể đã bị xuống cấp nặng, nhiều chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm như chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư Cô Giang (quận 1), lô 4, lô 6 chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh)./.
tbktsg
|