DRH: Trống tàn canh?
Hàng loạt các phiên giảm sàn trong một tháng qua đã khiến cổ phiếu DRH sắp cuốn trôi toàn bộ thành quả của 7 tháng trước đó đổ sông bỏ bể. Phải chăng DRH sắp quay lại với mặt bằng giá đã xác lập trong 5 năm từ 2010-2015?
Diễn biến giá cổ phiếu DRH từ khi niêm yết đến nay
Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/
|
Tháng 07/2010, cổ phiếu DRH của CTCP Đầu tư căn nhà mơ ước chính thức được niêm yết với giá chào sàn 17,000 đồng/cp. Trái ngược với kỳ vọng khi đó, giá cổ phiếu DRH bắt đầu rơi và có thời điểm về mức thấp nhất tại 1,300 đồng/cp vào ngày 02/08/2013. Mãi cho đến khoảng cuối năm 2015, DRH vẫn gần như bất động với phần lớn thời gian giao dịch đều dưới mức giá 8,000 đồng/cp.
Tuy nhiên sự ảm đạm đó ở DRH đã biến mất vào cuối năm 2015 khi Công ty này “thay máu” hàng loạt lãnh đạo lẫn cổ đông. Chính các nhân tố này đã thổi vào DRH một luồng gió mới làm thay đổi toàn diện bộ mặt cổ phiếu DRH. Bước đi đầu tiên mà Ban lãnh đạo mới của DRH thực hiện là đưa DRH trở lại với lĩnh vực bất động sản sau nhiều năm “sống” nhờ kinh doanh phân bón. Cụ thể, DRH sẽ huy động 300 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Cao ốc Căn hộ - Thương mại dịch vụ 1177 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An tại Vũng Tàu.
2015 là năm kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015 nên DRH đã thay máu gần như hoàn toàn dàn lãnh đạo. Từ 7 thành viên thì HĐQT nhiệm kỳ mới của DRH chỉ còn 5 thành viên, trong đó ông Đặng Đức Thành vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
(Lưu ý: Bà Võ Diệp Cẩm Vân đã có đơn xin từ nhiệm từ ngày 15/08 và được HĐQT DRH thông qua)
|
Mặc dù vậy, ông Thành đã thoái toàn bộ 30% vốn tại DRH. Những người liên quan gồm vợ ông Thành là bà Lâm Thị Thanh Bích cũng bán bớt 400,000 cp DRH hồi cuối tháng 5 và không còn là cổ đông lớn; con trai Đặng Đức Trung và con gái Đặng Bích Hồng cũng thoái gần hết vốn tại DRH.
Tính đến thời điểm hiện tại thì ở DRH không có cổ đông lớn nào nắm trên 5% vốn. Mới đây nhất, bà Võ Thị Mỹ Lệ đã bán 240,000 cp DRH để giảm sở hữu xuống 2,323,730 cp, tương ứng tỷ lệ còn 4,74% vốn và không còn là cổ đông lớn từ ngày 05/08.
|
Việc DRH quay lại với bất động sản chắc chắn rất khó khăn bởi nếu so với các doanh nghiệp lớn trong ngành hiện nay thì DRH khó cạnh tranh về số lượng dự án cũng như vị trí đắc địa. Bên cạnh đó, DRH phải chờ vài năm nữa mới mới đến giai đoạn hái quả nếu thành công. Ngày cả phía DRH đã xác định ít nhất 1- 2 năm đầu trong quá trình tái cấu trúc sẽ chưa có nguồn thu lớn từ bất động sản. Do đó, lợi nhuận trước mắt của DRH chủ yếu đến từ thanh lý các bất động sản nhỏ lẻ đã đầu tư trước đây.
Song, mặc dù chỉ dừng lại ở khâu khởi động nhưng trên thị trường chứng khoán thì giá cổ phiếu DRH đã chuyển động tích cực đến bất ngờ. Theo đó chỉ trong khoảng 7 tháng từ 12/2015 đến giữa tháng 7/2016, DRH đã bật tăng gấp 7 lần, từ dưới 10,000 đồng/cp để lên mức 78,000 đồng/cp (mức cao kỷ lục kể từ khi niêm yết). DRH khi đó đánh bại toàn bộ thị trường, vượt mặt tất cả các cổ phiếu sáng giá để trở thành ngôi sao sáng nhất.
Nhưng dường như cái gì quá cũng có hệ lụy, DRH đã tăng một cách quá nóng nên lúc quay đầu giảm thì cũng không có điều gì có thể cản được. Chỉ trong 25 phiên giao dịch (13/07-16/08), cổ phiếu DRH giảm một mạch từ mức cao kỷ lục để về tại 23,600 đồng/cp, tương ứng giảm gần 70%.
Cũng phải nói thêm rằng ngay khi DRH bắt đầu giảm điểm thì Ban lãnh đạo DRH đã lên tiếng về việc giá cổ phiếu rớt mạnh. Từ hoạt động kinh doanh của DRH cho đến các giao dịch phát sinh đều được HĐQT giải thích chi tiết. Việc đó cũng chỉ giúp DRH hồi phục nhẹ được 2 phiên bởi sau đó tiếp tục là chuỗi “lau sàn” và đến nay đà giảm của DRH vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thống kê trong 1 tháng vừa qua thì khối lượng dư bán tại giá sàn luôn ở mức cao trong khi bên mua gần như không có. Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán như CTCK Ngân hàng BIDV (BSI), CTCK Mirae Aseet, CTCK SHB (SHBS) hay CTCK IB (VIX) mới đây đã loại DRH khỏi danh mục chứng khoán được giao dịch ký quỹ. Những yếu tố này chắc chắn càng khiến cho cơ hội ngừng rơi của DRH càng thêm ít ỏi.
Tính từ khi DRH bắt đầu tăng giá (cuối năm 2015) thì đến nay đà tăng của cổ phiếu này đã bị thu hẹp 2/3. Và nếu xu hướng này còn tiếp tục thì chẳng bao lâu nữa là mọi thành quả tăng trước đó của DRH sẽ trôi sông đổ bể.
Biến động cổ phiếu TTF và KSB từ khi niêm yết
|
Liên quan đến DRH, một cổ phiếu khác là KSB cũng đang có những biến động tương tự. KSB cũng nằm “bất động” gần 5 năm từ 2010 đến giữa năm 2015 với thanh khoản thấp, khoảng vài nghìn đơn vị. Sau đó, gắn liền với việc SCIC thoái vốn và đặc biệt là DRH đầu tư vào thì cổ phiếu KSB đã tăng dựng đứng hơn 300% trong 1 năm từ 08/07/2015 đến 08/07/2016 (DRH đang sở hữu hơn 20% vốn KSB, dự kiến nâng lên 51%). Mức giá cao nhất mà KSB đạt được kể từ khi niêm yết là 94,000 đồng/cp ghi nhận vào phiên giao dịch 08/07. Tuy nhiên, ngay sau đó, tương tự DRH, cổ phiếu này đã lao dốc 37%, tức đã gần một nửa thành quả tăng điểm trước đó đã bay hơi.
Bên cạnh những thay đổi bộ máy lãnh đạo, gắn kết nhau về sở hữu và cùng nhịp điệu trên thị trường chứng khoán; nguồn cơn khiến cả hai cổ phiếu DRH và KSB “sớm nở chóng tàn” được thị trường gắn ghép với những biến động của TTF. Cụ thể, cổ phiếu TTF từ khi có thông tin được Vingroup (VIC) thâu tóm vào cuối năm 2015 đã tăng giá một cách khá ấn tượng. Cùng khoảng thời gian này thì cá nhân ông Võ Trường Thành – Chủ tịch TTF được bầu làm Chủ tịch HĐQT KSB, còn con gái Võ Diệp Cẩm Vân lại thuộc nhóm mới tham gia vào HĐQT của DRH. Từ đó, thị trường xuất hiện những hoài nghi và liên kết bộ ba TTF-DRH-KSB với VIC.
Song, từ giữa tháng 7/2016, khi VIC bất ngờ công bố hoãn kế hoạch hoán đổi nợ thành cổ phiếu (dự kiến sau hoán đổi VIC sẽ nắm 69% vốn TTF) với lý do là phát hiện có sai phạm liên quan lớn đến giá trị hàng tồn kho tại TTF. Ngay lập tức giá cổ phiếu TTF đã giảm sàn liên tục, đến nay đã là 20 phiên. Và lúc TTF bắt đầu giảm thì bộ đôi KSB và DRH cũng lao dốc mạnh theo bất chấp những giải trình và lên tiếng của lãnh đạo./.
|