Chuyển động dòng tiền tuần 08-12/08:
Đánh cược ở JVC, giải cứu HAG và HNG
Tuần giao dịch 0812/08 chứng kiến sự dịch chuyển dòng tiền qua lại giữa các nhóm cổ phiếu Mid Cap và hàng đầu cơ. Đáng chú ý là nhà đầu tư đang đánh cược tại cổ phiếu JVC khi bắt đáy khá mạnh ở mã này.
Sau khi bị dòng tiền rời bỏ ở tuần trước đó (01-05/08), JVC trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất về thanh khoản trên cả hai sàn trong phiên giao dịch tuần qua bất chấp hàng loạt thông tin xấu được công bố.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần, JVC đã gây sốc cho giới đầu tư khi công bố BCTC kiểm toán 2015 với con số lỗ hơn 1,330 tỷ đồng, gấp đôi so với con số trong báo cáo tự lập trước đó. Ngoài ra, BCTC kiểm toán cũng hé lộ thêm hàng loạt vấn đề liên quan đến việc sử dụng vốn từ đợt phát hành trước đó và các giao dịch với các công ty con có liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của Ban Giám đốc. Phía Công ty ngay sau đó cũng đã có giải trình cụ thể về việc này khi cho biết nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc của JVC - ông Lê Văn Hướng đã ký hợp đồng bảo lãnh với một bên có liên quan đến ông Hướng mà chưa được sự chấp thuận theo quy định của pháp luật. JVC hiện đang làm việc với bên có liên quan đến ông Hướng để làm rõ giao dịch này và xử lý trách nhiệm của các bên liên quan.
Tuần giao dịch vừa qua đã diễn biến hoàn toàn trái ngược với tâm lý nhà đầu tư. Khi mà đa số đều chuẩn bị cho một tuần sụt giảm nửa thì VN-Index lại kết thúc tuần tăng ấn tượng 4.51% đứng tại 655.71 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 2.54% đang dừng ở 83.13 điểm. Thanh khoản thị trường trên cả hai sàn tiếp tục diễn biến trái chiều. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 106.3 triệu đơn vị/phiên giảm 0.76% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 36 triệu cổ phiếu/phiên tăng 5.99%.
|
Đối với ý kiến của kiểm toán viên về việc JVC đã thay đổi phương án sử dụng vốn so với phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua. HĐQT cho biết do nhiều tài liệu có liên quan đến giao dịch vốn bị các cơ quan quản lý Nhà nước thu giữ phục vụ cho quá trình điều tra liên quan đến lãnh đạo tiền nhiệm. Do vậy, Công ty hiện đang tiến hành thu thập các tài liệu để thực hiện việc kiểm toán và báo cáo cổ đông tại ĐHĐCĐ gần nhất.
Đến phiên giao dịch cuối tuần, Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh công bố quyết định đưa cổ JVC vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 15/08/2016. Theo đó, cổ phiếu JVC chỉ được giao dịch vào phiên chiều do Công ty thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo và để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt.
Thế nhưng bất chấp những thông tin này, nhà đầu tư vẫn tranh thủ bắt đáy lúc JVC điều chỉnh giảm giá. Hơn 8 triệu cp đã được gom mua trong tuần, giúp khối lượng giao dịch trung bình của JVC đạt hơn 1.4 triệu đơn vị/phiên, tương ứng tăng 353% so với tuần giao dịch trước đó.
Bên cạnh JVC, một cổ phiếu đầu cơ khác là DLG cũng được nhà đầu tư bắt đáy mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ trong một tháng giao dịch vừa qua, DLG đã giảm giá gần 30% từ 8,100 đồng/cp để về 5,900 đồng/cp (gần mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua 5,100 đồng/cp). Cổ phiếu DLG bước vào nhịp giảm điểm ngay cả khi kết quả kinh doanh của Công ty trong nửa đầu năm 2016 khá tích cực với doanh thu thuần 1,218 tỷ đồng, lãi ròng đạt 57.2 tỷ đồng, cùng tăng trưởng quanh ngưỡng 70%. Riêng tuần qua, DLG giảm hơn 6% nhưng khối lượng giao dịch lại đạt trung bình hơn 3.3 triệu đơn vị, tăng 115% so với tuần trước đó.
Tuần qua, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu vừa, phải kể đến như GMD, NT2, NKG, GTN, DPM, SHI, PXS… Đáng chú ý là các cổ phiếu này đều tăng giá ấn tượng trong tuần qua. Bên cạnh đó cũng phải kể đến ông lớn VNM với thanh khoản tăng 45%, đạt hơn 1.75 triệu đơn vị/phiên và VIC khi tăng 77% nhờ dòng tiền bắt đáy kích hoạt mạnh ở tuần giao dịch trước đó.
Ở chiều ngược lại, cũng chính nhóm cổ phiếu Mid Cap và đầu cơ lại bị dòng tiền rút mạnh, chẳng hạn như NVT, VNS, DRC, SRC, STB, DXG, KSB, KDC, VIP, NTL, PTL, PPC…. Trong nhóm này thì NVT có khối lượng giao dịch bình quân giảm xuống còn hơn 110,000 cp/phiên, hay giảm 64%. Xu hướng dịch chuyển dòng tiền giữa các cổ phiếu vốn hóa vừa và đầu tư nhìn thấy rõ hơn trên sàn HNX. Theo đó, dòng tiền lần lượt rút khỏi ITQ, VIX, BVS, KHB, SCR, SPI, KLF, NDN, BCC… trong đó ITQ giảm mạnh nhất với gần 72% (tuần giao dịch trước đó thì ITQ đã tăng đột biến về thanh khoản hơn 530%).
Biến động cổ phiếu DST từ khi nêm yết
|
Và cổ phiếu có dòng tiền tăng mạnh nhất tuần qua trên HNX chính là DST với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 1.3 triệu cp/phiên, tương ứng tăng 245%. DST là cổ phiếu có giao dịch khá ấn tượng trong hơn 8 tháng qua sau một thời kỳ dài gần như không có thanh khoản suốt 8 năm trước đó từ 2007-2015. Giá cổ phiếu DST trong 8 tháng vừa qua cũng thay đổi theo tỷ lệ thuận với mức tăng hơn 160% từ mức dưới 10,000 đồng/cp để lên mức 26,000 đồng/cp (mức giá cao nhất DST đạt được trong giia đoạn này tại 47,200 đồng/cp tại ngày 26/04/2016).
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của DST thì không chút ấn tượng nếu không muốn nói là bết bát. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, DST chỉ duy nhất một lần có lãi trên 1 tỷ đồng vào năm 2009, còn lại đều dưới con số này, thậm chí còn thua lỗ vào năm 2012.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
Giải cứu HAG và HNG
Mặc dù không phải là cổ phiếu có dòng tiền tăng mạnh tuần qua nhưng cả HAG và HNG đã thể hiện một xu hướng tích cực về giá khi dẫn đầu đà tăng trên sàn HOSE với mức tăng hơn 20%.
Với HAG, sau khi chạm mốc thấp kỷ lục 5,100 đồng/cp vào phiên giao dịch cuối tuần trước thì giá đã bật trở lại khá mạnh ở 5 phiên giao dịch sau đó. Kết thúc phiên 12/08, HAG chốt tại 6,500 đồng/cp, tăng 23% và khối lượng giao dịch trung bình đạt gần 5 triệu đơn vị/phiên (tăng 8% so với tuần trước). Tương tự, giá HNG đã tăng hơn 26% trong tuần để chạm mốc 7,200 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân tăng 51%, đạt gần 1.6 triệu đơn vị.
Việc lực cầu bắt đáy xuất hiện ở HAG và HNG liên quan đến thông tin cả hai đơn vị này cuối cùng cũng đã quyết định được về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 vào tháng 9 tới đây. Điều này được suy đoán là Chính phủ đã đồng ý giải cứu về phương án tái cơ cấu nợ của HAG và HNG bởi trước đó chính HAG cho biết việc chậm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 là do vẫn đang chờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cấu trúc nợ của Công ty.
Mặc dù thông tin chính thức chưa được công bố nhưng diễn biến thị trường cho thấy cổ phiếu HAG và HNG đang được giải cứu.
Một điều trái ngược tuần qua là nhà đầu tư nước ngoài không đồng thuận với nhà đầu tư trong nước khi bán ròng trên HOSE với 366.7 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi mua ròng 4 tuần liên tiếp trước đó. Trên HOSE, lực bán ròng tập trung mạnh nhất ở VIC với 246.5 tỷ đồng; tiếp theo là KDH với 123.4 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, HBC với 93 tỷ đồng, SBT với 59.4 tỷ đồng… Về phía mua ròng là các mã như VNM với gần 162.55 tỷ đồng, tiếp theo là PVT với 29.8 tỷ, CTD với 22 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 40.3 tỷ đồng, VIT với 6.4 tỷ đồng và VND với 6.3 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở AAA và NTP với 14 tỷ và 12.8 tỷ đồng.
* Danh sách các mã được xét đến khối lượng giao dịch trên 100,000 đơn vị.
|