Thứ Hai, 15/08/2016 13:12

Điều gì khiến chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia châu Á mất hiệu nghiệm?

Puangpeth Urabut, một công chức 40 tuổi ở tỉnh Nong Bua Lamphu (Thái Lan) là một người tiêu dùng Thái điển hình – “nợ ngập đầu” và đang phải ứng lương để trang trải cho các khoản tiêu dùng cơ bản.

 

Puangpeth hiện kiếm được 25,000 baht/tháng (718.18 USD) nhưng lại đang mang một đống nợ, gồm 4 thẻ tín dụng với 250,000 baht đến hạn phải trả và một món nợ vay mua xe hơi 300,000 baht. Thậm chí cô phải rút tiền từ thẻ này để trả lãi cho thẻ kia.

 “Càng ngày càng khó trả lãi cho món nợ của tôi. Hầu như tôi không thể kiếm được đủ tiền và sẽ phải tiếp tục mượn”, cô cho biết.

Trước đây, những người tiêu dùng “thẳng tay” chi tiêu bằng cách mượn nợ như Puangpeth đã giúp ích cho các nền kinh tế vốn phải vật lộn nhiều năm qua ở châu Á, nhưng giờ đây họ lại trở thành một vấn đề cho các ngân hàng trung ương, ngay cả khi lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục.

Người tiêu dùng và thậm chí là các công ty đang nợ nhiều đến nỗi họ không thể nào vay thêm, dù những khoản vay hiện đang rất rẻ.

Tình hình nghiêm trọng đến mức hồi tháng trước, các Bộ trưởng tài chính của 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới phải thốt lên: “Chỉ chính sách tiền tệ không thôi thì không thể dẫn đến sự tăng trưởng cân bằng được”.

Việc vay tiền đã tăng mạnh trong 7 năm qua khi những nền kinh tế lớn nhất thế giới ồ ạt đổ tiền vào các thị trường mới nổi vì họ cho rằng sẽ thu được lợi nhuận cao hơn và vì các ngân hàng trung ương ở đất nước họ đã cắt giảm lãi suất mạnh đồng thời in thêm tiền để khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) hiện đã nhận ra được vấn đề đó. Suốt 16 tháng qua, BOT đã giữ lãi suất ở gần mức thấp kỷ lục mặc cho lạm phát thấp và nhu cầu nội địa lẫn toàn cầu đều yếu. Họ mong muốn cần phải làm nhiều điều hơn nữa làm trong quá trình cải cách cơ cấu và chính sách tài khóa.

“Hiện chính sách tiền tệ vẫn còn một số hạn chế nhất định trong việc tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc BOT, Veerathai Santiprabhob, nhận định với Reuters.

Theo dữ liệu của HSBC, 8 trong số 14 quốc gia lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương giờ đây có nợ tiêu dùng bằng với hơn 2.3 GDP hàng năm của họ.

“Điều đó khiến cho các nhà làm chính sách thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất”, Frederic Neumann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của HSBC ở Hồng Kông, cho biết.

“Mặc dù họ đã cắt giảm lãi suất nhưng tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng có thể suy yếu. Giá trị của đồng tiền đang giảm”.

Phải cần đến chính sách tài khóa?

Nếu tính theo tổng nợ tăng so với GDP, những quốc gia có mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008 là Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Nhật Bản.

Tổng nợ so với GDP hiện đang ở mức khoảng 250% ở Hàn Quốc, Malaysia, Úc, và thậm chí là cao hơn ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Singapore.

Trừ Trung Quốc ra, tổng nợ ở hầu hết các quốc gia châu Á chưa phải là mối đe dọa với sự ổn định kinh tế, vì những món nợ đó hiện chủ yếu là do Chính phủ hay những cơ quan nhà nước vay.

Mức nợ tiêu dùng cao của các quốc gia trên hiện không cho thấy một sự lo ngại khẩn cấp nào. Tuy nhiên, những rủi ro có thể trở nên cấp bách hơn nếu các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách nới lỏng mạnh tay hơn.

Nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc đã lên tới 1 ngàn tỷ USD vào cuối tháng 3. Ngân hàng trung ương nước này cho biết Chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài khóa để tái cơ cấu và mang lại sức sống cho nền kinh tế ốm yếu của mình, vì cắt giảm thêm lãi suất là không hiệu quả và đầy rủi ro.

Cùng với Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hoãn tăng lãi suất hồi tháng trước dù Chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch kích thích 20 ngàn tỷ won (18.19 tỷ USD).

Trong khi đó, Malaysia đã khiến các chuyên gia kinh tế ngạc nhiên khi hạ lãi suất, nhưng họ nằm trong số ít các quốc gia ít có khả năng tiến hành kích thích tài khóa.

Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC, cho rằng hầu hết các quốc gia châu Á vẫn còn cơ hội để cắt giảm lãi suất. “Nhưng sự hiệu quả đã giảm, chắc chắn thế. Nhu cầu vay vốn là không có”, Wiranto nói thêm.

Wiranto cũng lo ngại nợ của các hộ gia đình sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài.

“Điều quan trọng nhất là bạn cần sự cải thiện trong tăng trưởng chung và trong thu nhập. Sau đó bạn có thể bắt đầu giảm số tiền lãi phải trả, và giảm nợ. Rủi thay, tôi không nghĩ là chúng ta đang ở trong một môi trường như thế, cả trên toàn cầu hay trong khu vực. Khó mà có một mức tăng trưởng khổng lồ trong những năm tới”, Wiranto nói./.

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm sau số liệu GDP không như dự báo (15/08/2016)

>   Brexit có thể bị hoãn tới cuối năm 2019 (15/08/2016)

>   Đức thu phí tiền tiết kiệm vì lo ngại lãi suất âm (14/08/2016)

>   Italy: Hàng loạt giao dịch ngân hàng bị nghi cung cấp tài chính cho IS (13/08/2016)

>   Venezuela lại tăng lương tối thiểu lên 50% do lạm phát cao (13/08/2016)

>   NHTW Nhật tung gói kích thích mới – đồng Yên vẫn tăng? (13/08/2016)

>   Vàng sụt giảm tuần thứ 4 trong 5 tuần vừa qua (13/08/2016)

>   Dầu chứng kiến tuần tăng giá mạnh nhất trong 4 tháng (13/08/2016)

>   Tây Ban Nha tránh được vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử (12/08/2016)

>   Vàng giảm nhẹ khi đồng USD và chứng khoán Mỹ đồng loạt leo dốc (12/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật