Đại án 9.000 tỉ: Luật sư đề nghị tuyên bị cáo không phạm tội
Ngày 19-8, trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nhiều luật sư bào chữa đề nghị tuyên các bị cáo không phạm tội.
Bị cáo Phan Thành Mai hàng đầu, phía phải - Ảnh HOÀNG ĐIỆP
|
LS nói Phạm Công Danh mới là người bị thiệt hại
Theo đó, luật sư bào chữa cho Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB, bị đề nghị mức án từ 22-24 năm tù) đã có phần đánh giá về vụ án và tiếp tục khẳng định VNCB không bị thiệt hại gì trong vụ án này, mà người trực tiếp bị thiệt hại là Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Phân tích về bối cảnh và thực tế hoạt động của Thiên Thanh, luật sư cho rằng việc Thiên Thanh mua lại ngân hàng, thực chất là mua nghĩa vụ, và để duy trì sự tồn tại của Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB), bị cáo Danh đã phải tìm cách huy động vốn và dùng tiền của chính mình, và xử lý, giải quyết tất cả tồn tại của Đại Tín.
Luật sư cũng cho rằng VNCB là ngân hàng thương mại, vốn do cổ đông góp, đây là tổ chức tín dụng tư nhân mà Danh sở hữu đến hơn 80%: “Vậy số tiền thất thoát thực ra ai là người mất? Tôi cho rằng VNCB không mất, bởi VNCB trước đó lỗ, sau đó không mất đi một khoản nào? Vậy nên xác định VNCB mất tiền là không phù hợp”. Luật sư Thiệp nói và cho rằng việc xác định đơn vị nào thiệt hại mới là cốt lõi của vụ án. Bởi người thiệt hại ở đây chính là các cổ đông Thiên Thanh.
Việc xác định mức thiệt hại, người thiệt hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc áp dụng hình phạt với bị cáo. Hiện nay, Phạm Công Danh rơi vào sạt nghiệp, tài sản tích cóp cả đời bị tiêu tan. Chính từ điểm này luật sư cho rằng cần phải xem xét đánh giá chính xác về thiệt hại của vụ án.
Không thể quy định đồng nào mua mắm đồng nào mua tương
Bào chữa cho hành vi vi phạm của Phan Thành Mai trong hàng loạt hành vi được VKS cáo buộc là giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền của ngân hàng (lập đề án CoreBanking rút tiền khống; thực hiện việc ủy thác đầu tư..), luật sư cho rằng các bị cáo đã sử dụng tiền để tái cấu trúc ngân hàng chứ không tư lợi cá nhân. Bởi không thể quy định “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” trong hoạt động kinh doanh nếu tiền đó được sử dụng không vi phạm pháp luật.
Đối với các hành vi chuyển 5.490 tỉ đồng của bà Trần Ngọc Bích, luật sư Thiệp cho rằng phần bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài đã chứng minh thấy rõ VNCB không bị thiệt hại từ khoản vay này.
Do đó luật sư Thiệp đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Mai không phạm tội.
Đề nghị vận dụng luật mới tuyên vô tội cho nhóm nhân viên tín dụng
Nhóm nhân viên tín dụng VNCB (gồm Doãn Quốc Long và Nguyễn Quốc Sơn, Huỳnh Nguyên Sang và Võ Ngọc Nguyễn Bình) được xác định là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh vay tiền. Theo đó, hành vi của các bị cáo là: không thẩm định thực tế khách hàng, không thẩm thực tế tài sản bảo đảm, không kiểm tra tình hình thực tế hoạt động sản xuất của công ty vay vốn.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho các bị cáo này lại cho rằng thiệt hại xảy ra chưa được xác định cụ thể: Không có người yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, VKS không thể chứng minh được con số thiệt hại thực tế mà cáo buộc cho rằng do các bị cáo gây ra trực tiếp hay gián tiếp.
Luật sư cũng cho rằng việc lập hồ sơ cho các công ty vay không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra tại VNCB, giữa hành vi của các bị cáo và thiệt hại này không có mối quan hệ nhân quả với nhau mà thiệt hại này bắt nguồn từ các nguyên nhân khác.
Hơn nữa, luật sư Phạm Công Út cũng cho rằng những hành vi mà VKS truy tố đối với các bị cáo thì BLHS mới (năm 2015) đã không còn coi đó là tội phạm. Do đó, luật sư Út đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội, hoặc trả hồ sơ để điều tra lại.
Hoàng Điệp
Tuổi trẻ
|