Chuyển động dòng tiền tuần 25-29/07:
Câu chuyện HVG và MSN
Thêm một tuần nữa thị trường lại giao dịch khá lình xình và dòng tiền chung sụt giảm mạnh. Trong bối cảnh đó chỉ có một vài cổ phiếu thực sự chói sáng để tăng mạnh về dòng tiền và câu chuyện tuần qua (25-29/07) đến từ hai ông lớn ngành sản xuất thực phẩm: HVG và MSN.
Cụ thể, thanh khoản thị trường trên cả hai sàn cũng sụt giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 104.7 triệu đơn vị/phiên, giảm 16% so với tuần giao dịch trước; sàn HNX đạt hơn 37 triệu cổ phiếu/phiên giảm 17%.
Số cổ phiếu có thanh khoản tăng so với tuần giao dịch trước đó xét trong nhóm các cổ phiếu có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên tiếp tục sụt giảm khi chỉ còn 58 mã, trong khi số mã giảm dòng tiền lên đến 111 mã. Và trên cả hai sàn chỉ có 7 mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng trưởng trên 100%, gồm HVG, MSN, JVC, HKB, PVL, PVI và VIG.
Tăng trưởng mạnh nhất chính là HVG khi khối lượng giao dịch bình quân tuần qua đạt hơn 2 triệu đơn vị/phiên, tăng hơn 440%. Nhà đầu tư đã mạnh tay giải ngân vào cổ phiếu này khi kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 của HVG hé lộ với khoản lãi ròng khủng 226 tỷ đồng, gấp 17.4 lần cùng kỳ năm trước (niên độ tài chính 01/10/2015 đến 30/09/2016). Chưa hết, thêm một thông tin hỗ trợ khác nữa đó là việc HVG chính thức khởi động dự án nuôi heo ngàn tỷ đồng thông qua việc nhập 750 con heo giống cụ kỵ (GGP) từ Đan Mạch về. Dự kiến, từ đàn heo hạt nhân GGP, đến tháng 3/2017, HVG sẽ có heo thương phẩm ra thị trường. HVG cũng đặt kế hoạch đến đầu năm 2019 sẽ có 100,000-120,000 con heo bố mẹ.
Nhờ đó mà thanh khoản HVG tăng vọt, giá cổ phiếu cũng tăng từ 10,200 đồng/cp lên mốc 11,300 đồng/cp, tương ứng tăng gần 9%. Mức tăng này đủ giúp HVG trở thành 1 trong 5 mã tăng mạnh nhất sàn HOSE tuần qua.
Một đại gia khác trong cùng ngành với HVG cũng đã có sự bứt phá về thanh khoản là MSN. Khối lượng giao dịch mã này đã tăng từ 240,000 đơn vị lên 782,000 đơn vị/phiên, tương ứng tăng 225%.
Đối với MSN, nửa đầu năm 2016 Công ty đã thực hiện gần 50% kế hoạch doanh thu 2 tỷ USD của cả năm 2016 nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần đạt 84% với 19,141 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần ghi nhận 1,863 tỷ đồng, tăng trưởng 104% và lãi thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1,034 tỷ đồng, tăng trưởng 184%.
Với lý do Công ty đã hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2016 nên Ban Giám đốc quyết định nâng kế hoạch thêm 25% lên mức gần 2,400 tỷ đồng, tức tăng trưởng khoảng 60% so với năm 2015.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trong tuần qua cũng được dòng tiền tăng mạnh, như NLG, TDH, KBC, CDC, CDO, ASM…
Ở chiều ngược lại, có rất nhiều cổ phiếu lớn bị hụt dòng tiền như VIC, FCN, BID, VCB, SSI, DXG, CSM, KSB, NKG…
Trên sàn HNX, tăng mạnh nhất về dòng tiền có HKB với hơn 278%, đạt hơn 3.2 triệu đơn vị/phiên. Ở HKB xuất hiện dấu hiệu bắt đáy khi cổ phiếu này lao dốc không phanh ở mức cao nhất từ lúc niêm yết 32,900 đồng/cp (phiên 14/07) xuống còn 14,400 đồng/cp (phiên 29/07), tương ứng mức giảm hơn 51%. Riêng trong tuần qua, HKB đã bay hơi 26%, do đó mà lực cầu bắt đáy xuất hiện mạnh mẽ, đặc biệt phiên 28/07 đạt hơn 6.5 triệu cp, mức khớp cao nhất kể từ khi niêm yết.
Biến động HKB kể từ đầu năm 2016
Ở chiều ngược lại, nhóm Mid Cap và Micro Cap trên HNX bị rút mạnh dòng tiền như DBC, HHG, SCR, VCG, PVS, DST…
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
Trên HOSE, 4 mã vừa có dòng tiền tăng mạnh trên 100% đều nằm trong top 20 mã tăng mạnh nhất sàn là HVG, NVT, KBC và HPG. Ngược lại, HHS dù có thanh khoản tăng 29% những mã này lại giảm mạnh nhất sàn với gần 19%, dừng tại 6,400 đồng/cp. HHS giảm mạnh trong tuần qua sau khi đón nhận những thông tin tiêu cực liên quan đến hoạt động kinh doanh chính. Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 950 tỷ đồng, giảm gần 2.2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt vỏn vẹn 81.6 tỷ đồng, giảm hơn 4 lần so với cùng kỳ.
Trên HNX, tính trên nhóm có giao dịch trên 100,000 đơn vị/phiên thì chỉ có 5 mã tăng giá, dẫn đầu là SPP với mức tăng gần 20%.
Tuần qua, khối ngoại mua ròng trên HOSE với 414 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với 13.2 tỷ đồng. Lực mua của khối ngoại phân bổ khá đều ở nhóm cổ phiếu bluechip và trụ cột. Trên HOSE, lực mua ròng tập trung mạnh nhất là ở HPG với 363.7 tỷ đồng; tiếp theo là PVT với 38 tỷ đồng, VNM 37.8 tỷ đồng, SSI 24.3 tỷ đồng… Về phía bán ròng là các mã như MSN với gần 131.2 tỷ đồng, tiếp theo là FLC với 30.2 tỷ, PDR 26.7 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở PVS với 33.6 tỷ đồng, VND 9.3 tỷ đồng và NTP 4.6 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở DXP và VNR với 7.4 tỷ và 4.2 tỷ đồng./.
|