Cần biện pháp điều chỉnh cơ cấu hàng hóa trên thị trường BĐS
Nguồn cung BĐS vẫn tiếp tục tăng nhưng giao dịch thành công trên thị trường đã có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với tháng trước, đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý về cung-cầu để thị trường phát triển ổn định.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trong tháng 7/2016 tại Hà Nội có khoảng 1.250 giao dịch thành công, giảm 3,85% so với tháng 6/2016.
Nguồn cung BĐS tăng nhưng chủ yếu vẫn tập trung tại phân khúc trung - cao cấp với hàng loạt dự án nhà ở mới được mở bán. Phân khúc bình dân lại lâm vào tình trạng hạn chế về nguồn cung khi có rất ít dự án mới được mở bán, mặc dù nhu cầu trên thị trường tại phân khúc này vẫn rất lớn.
Giao dịch thành công trên thị trường tập trung chủ yếu tại các dự án có vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín và tiến độ xây dựng nhanh như khu đô thị Gamuda Gardens Yên Sở, quận Hoàng Mai; chung cư Seasons Avenue Mỗ Lao, quận Hà Đông; chung cư 219 Trung Kính, quận Cầu Giấy; Ecolife Capitol Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Trong khi đó thị trường BĐS TPHCM ghi nhận khoảng 1.200 giao dịch thành công. Tuy nhiên lượng giao dịch đã có dấu hiệu chững lại và giảm 4% so với tháng 6/2016.
Các dự án căn hộ cao cấp vẫn là sản phẩm chủ yếu được chào bán trên thị trường BĐS TPHCM trong giai đoạn này. Một số dự án tiêu biểu thu hút được sự quan tâm của thị trường như dự án Saigon Mia (Quận 7), dự án Vinhomes Golden River (Quận 1), dự án Centana (Quận 2) và dự án Saigon Royal (Quận 4).
Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, hiện nay thanh khoản trên thị trường BĐS vẫn tăng đều qua các tháng, từ 20-25%, chứng tỏ thị trường phát triển khá ổn định, không có hiện tượng "sốt nóng".
Tuy nhiên, theo ông Quang, hiện tượng nguồn cung tăng nhưng giao dịch giảm và tập trung chủ yếu ở phân khúc thị trường trung - cao cấp đã cho thấy những bất cập trong cơ cấu cung - cầu hàng hóa.
Điều này đã được Hiệp hội khuyến cáo tới các cơ quan quản lý Nhà nước để có các biện pháp kiểm soát thị trường, đặc biệt chú trọng đến số lượng, nguồn cung và tiến độ các dự án thuộc phân khúc cao cấp phù hợp hơn với nhu cầu thực của thị trường.
Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cần kiểm soát nguồn tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp, chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đáp ứng với nhu cầu của số đông khách hàng nhằm góp phần điều chỉnh cơ cấu hàng hóa và tình trạng lệch pha cung - cầu trên thị trường này.
Toàn Thắng
chính phủ
|