Giảm thời gian thu phí BOT
Sau kiểm toán, thời gian thu phí của 4 trạm BOT được đề nghị rút ngắn khoảng 5 năm trở lên
Sáng 23-8, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết kế hoạch của ngành kiểm toán sẽ nhắm tới những dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và các dự án vay vốn ODA. Trong đó, thông tin đáng lưu ý là có trạm BOT được Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm thu phí.
Thu nhiều, báo cáo ít
Theo ông Hồ Đức Phớc, trong 7 tháng năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời cơ chế quản lý các dự án BOT. “Sau kiểm toán, thời gian thu phí của 4 trạm BOT được đề nghị rút ngắn khoảng 5 năm trở lên. Có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, chỉ thu phí 13 năm!” - ông Phớc nói.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Ảnh: PHƯƠNG NHUNG
|
Đánh giá về đề xuất của Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Đỗ Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng đây là động thái tốt nếu như kiểm toán một cách minh bạch, khách quan và mang lại hiệu quả. Thực tế, thời gian gần đây, nhiều vụ việc xảy ra tại các trạm thu phí BOT đã bộc lộ sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin doanh thu, mức phí, thời gian thu phí tại các dự án…
“Vừa rồi, qua kiểm tra cho thấy ở Pháp Vân - Cầu Giẽ có việc thu phí nhiều nhưng báo cáo ít. Người dân phản ánh hiện tượng quay vòng vé làm thất thoát như đường 5 mà Tổng cục Đường bộ đang thanh tra… Nguyên nhân chính là do buông lỏng đầu tư BOT, kiểm soát không chặt chẽ nên xảy ra tình trạng phí cao. Ngoài ra, việc dùng quỹ dự phòng cao cũng khiến suất đầu tư bị đội lên, dẫn đến kéo dài thời gian thu phí. Các cơ quan kiểm toán phải quyết liệt thực hiện chức năng của mình là kiểm tra xem suất đầu tư, mức phí, thời gian thu đã hợp lý chưa và công bố thông tin rộng rãi” - ông Liên thẳng thắn.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, kẽ hở của cơ chế quản lý này còn nằm trong công tác giám sát, quản lý thu tiền vé như thế nào. “Thông tư 159 của Bộ Tài chính chẳng qua chỉ nói lên được trình tự thủ tục thu phí; còn kiểm soát thế nào, giám sát ra sao thì phải là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Lượng xe phải được theo dõi, qua đó có đề xuất về giá vé, thời gian thu phí hợp lý” - TS Sanh nói.
Tăng cường giám sát
Theo ông Đỗ Danh Liên, thực tế hiện nay là cơ quan quản lý gồm các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT thường “lý sự” rằng BOT là vốn của tư nhân nên Kiểm toán Nhà nước không có chức năng kiểm toán cho họ. Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán khi đầu tư công bằng vốn ngân sách, còn BOT không phải vốn ngân sách. “Nhưng cần hiểu rằng bản thân dự án BOT là vốn tư nhân, cơ quan quản lý chỉ là trung gian thu hộ để hình thành tài sản quốc gia. Mà tài sản quốc gia đó ở đâu? Chính là người dân đóng góp. Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan của nhân dân thì phải có vai trò giám sát các dự án đó, không thể nói tư nhân mà không giám sát” - ông Liên bức xúc.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng BOT thực ra là một chủ trương rất đúng đắn bởi nó thực hiện theo kinh tế thị trường là huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển giao thông, đặc biệt trong lúc ngân sách nhà nước eo hẹp. Tuy nhiên, khi triển khai thì lại làm một cách ồ ạt, làm bằng được nên nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, những điểm cần khắc phục như suất đầu tư cao dẫn đến thời gian thu phí kéo dài; mức thu phí phải căn cứ vào thu nhập quốc dân, tăng trưởng của nền kinh tế để tránh đưa lên quá cao, người dân không chịu nổi…
Theo TS Phạm Sanh, nhất thiết phải tăng cường giám sát trong vấn đề thu - chi của các dự án này xem đã đúng chưa. Dẫn giải cụ thể, TS Sanh đưa ví dụ đầu tư dự án BOT mà sau khi quyết toán thu lại được 15%-20% thì rõ ràng chi cho suất đầu tư chưa chuẩn. Ngoài ra, chi xây dựng, thiết bị, lãi vay, bảo trì… đã kiểm soát chặt chưa?
“Những đầu việc này, hiện các bộ chủ quản đánh vào chi phí, thời hạn thu phí gây nên sự bức xúc của người dân. Yêu cầu doanh nghiệp giảm tiền phí thì họ lại có cách tăng thời gian thu lên hoặc giảm thời gian thu thì lại tăng phí. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ để xem các chi phí đã hợp lý chưa, tránh tình trạng khai vống lên” - TS Sanh kiến nghị.
Làm rõ phản ánh của Công ty CP BOT cầu Việt Trì
Công ty CP BOT cầu Việt Trì vừa có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước về việc “bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm cuộc sống của hàng trăm người lao động và việc thu phí hoàn vốn đầu tư đối với dự án cầu Việt Trì mới, tỉnh Phú Thọ”. Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 187/TB-VPCP ngày 21-7 của Văn phòng Chính phủ. Bộ GTVT và UBND tỉnh Phú Thọ làm rõ các nội dung phản ánh của Công ty CP BOT cầu Việt Trì tại đơn kêu cứu nêu trên và có văn bản trả lời công ty. Các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng trước ngày 31-8.
|
Bảo Trân - Thùy Dương
Người lao động
|