Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn hơn 2.920 tỷ đồng
Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tính đến ngày 20/8/2016, đã có 48 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó có 6 tổng công ty.
Hoạt động tại một doanh nghiệp sau cổ phần hóa. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
|
Cụ thể, trong số này có 2 tổng công ty thuộc Bộ Công Thương là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (công ty mẹ và 4 công ty con), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (công ty mẹ và 5 công ty con); 1 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); 1 tổng công ty thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng công ty 36 (công ty mẹ và 1 công ty con); 2 Tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng công ty Lâm nghiệp (công ty mẹ và 6 công ty con) và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp.
Tổng giá trị thực tế của 48 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 31.905 tỷ đồng; trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 23.280 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 48 đơn vị là 23.019 tỷ đồng; trong đó Nhà nước nắm giữ 11.092 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 342 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.103 tỷ đồng.
Về thoái vốn, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng, trong đó, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực là chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng-tài chính, bất động sản và quỹ đầu tư. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nêu trên. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.
Theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt.
Tuy nhiên trong 8 tháng năm 2016, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn còn chưa đạt được như kỳ vọng. Ngoài ra, do đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Thời gian tới, Cục Tài chính Doanh nghiệp cho biết tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, doanh nghiệp cần khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh việc minh bạch, công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước./.
Thùy Dương
Vietnam+
|