Thứ Tư, 10/08/2016 14:56

Bị cáo tố tổ giám sát làm cản trở hoạt động của VNCB

Trong phiên tòa sáng 10-8, nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai trình bày tiền khách hàng gửi vào VNCB nhưng muốn rút ra phải chờ tổ giám sát duyệt, không cho vay ra khiến ngân hàng gặp khó khăn.

Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải tại tòa - Ảnh: GIA MINH

Sáng 10-8, phiên tòa sơ thẩm xét xử đại án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ngân hàng xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần xét hỏi.

Bị cáo Phan Thành Mai và các bị cáo trong nhóm nguyên lãnh đạo, cán bộ của VNCB đã đối chất làm rõ nhiều hành vi bị cáo buộc “lách” quy định ngặt nghèo của ngân hàng nhà nước và tổ giám sát để vượt qua khó khăn.

Làm thật nhưng hồ sơ khống

Trả lời câu hỏi của luật sư vì sao có lời khai thể hiện việc nâng cấp hệ thống Core Banking là giả, lời khai khác lại nói là thật, bị cáo Mai nói: "Ngay khi bị khởi tố, tôi rất ân hận về việc để quá nhiều nhân viên ngân hàng, là cấp dưới của mình bị liên lụy.

Tôi ý thức rằng mình phải chịu trách nhiệm. Trong tâm thế luôn muốn nhận trách nhiệm về mình để những người khác không bị liên lụy, tôi đã trình bày đúng bản chất sự việc, nhưng ngôn từ thì chưa chuẩn xác.

Việc nâng cấp hệ thống Core Banking là nhu cầu thực tế, rất cần thiết và có trong đề án tái cơ cấu ngân hàng được phê duyệt.

Trên thực tế đã có hai công ty uy tín của nước ngoài tới làm việc, thuyết trình các giải pháp và chạy demo chương trình chứ không phải là việc làm khống. Tuy nhiên tôi nhìn nhận dòng tiền đi không đúng quy trình nên tôi khai là khống chứ bản chất không phải vậy”.

Đối chất với bị cáo Mai, các bị cáo Phạm Công Danh và các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB đều khẳng định lời khai của bị cáo Mai là đúng.

Cũng theo bị cáo Phan Thành Mai, các khoản tiền thực chi cho các hợp đồng thuê đối tác nước ngoài làm phương án, thực hiện việc nâng cấp hệ thống Core Banking của VNCB đều là tiền của ông Danh chi trả vì lúc đó ngân hàng bị giám sát, không rút được tiền ra.

Những hồ sơ bị xác định là làm giả, làm khống về thuê trụ sở, mặt bằng hay nâng cấp hệ thống đều là hình thức hợp thức hóa cho những khoản tiền phải rút ra để thực hiện các giao dịch quan trọng, mang tính sống còn của ngân hàng.

Hồ sơ được làm để hợp thức hóa theo quy trình của ngân hàng cho các khoản chi thực tế, chứ không phải không có hoạt động mà lập hồ sơ rút tiền. Anh Danh cần tiền, trong khi không thể lấy tiền trực tiếp từ ngân hàng nên phải qua các việc này để rút tiền. Theo Danh bàn bạc khi đó thì khi nào dòng tiền được phép lưu thông trở lại, sẽ hoàn trả hết cho các khoản đã rút.

Lấy tiền của Thiên Thanh trả lãi cho VNCB

Tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai và các bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo của VNCB khẳng định quyết định 12 của ngân hàng nhà nước và tổ giám sát của ngân hàng Nhà nước gây cản trở cho hoạt động bình thường của ngân hàng .

Theo quyết định 12, VNCB chỉ được phép huy động tiền gửi, không được cho vay ra. Tất cả khoản giao dịch trên 5 tỉ đồng buộc phải thông qua sự phê duyệt của tổ giám sát.

Bị cáo Mai trình bày, tổ giám sát hoạt động theo nguyên tắc hành chính, do đó có những thời điểm khách hàng của VNCB tới rút tiền gửi tiết kiệm vào cuối tuần, hồ sơ phải trình cho tổ giám sát nên qua tuần sau mới rút được tiền. Các khoản chi trả lãi suất có khi đề xuất thì bị kéo dài thời gian giải quyết, cũng có khi không được duyệt.

Một ngân hàng mà không được cho vay ra. Việc chi trả lãi suất, trả tiền cho khách hàng cũng bị kéo dài thời gian khiến khách hàng mất niềm tin, không gửi tiền vào nữa. Mà cho dù khách hàng có gửi tiền vào, ngân hàng cũng phải tự tìm nguồn tiền bằng cách hợp thức hóa các hồ sơ khác để trả lãi cho khách hàng, việc trả lãi cũng khó khăn.

Trong phần đối chất, các bị cáo khai khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào VNCB có kỳ hạn, trong thời gian đó, khách hàng muốn thế chấp chính sổ tiết kiệm của mình để vay lại tiền nhưng không được tổ giám sát duyệt.

Có khách hàng gửi vào 15 tỉ, muốn vay lại 7 tỉ nhưng không được duyệt. Đây là hoạt động bình thường của ngân hàng, rất an toàn nhưng không được thực hiện khiến khách hàng nghi ngờ. Nhiều người tới hội sở để kiểm tra xem ngân hàng còn hoạt động hay đã “chết”.

Khách hàng gây áp lực rất lớn, lãnh đạo của VNCB nhiều lần đề nghị tổ giám sát và ngân hàng nhà nước cho phép giao dịch an toàn này nhưng rất lâu sau đó mới được duyệt (tháng 4-2014). Những vướng mắc, cản trở này chính lá tác nhân gây hậu quả hôm nay.

Lời khai của bị cáo Mai và phần đối chất tại tòa giữa các bị cáo thể hiện hầu hết các khoản lãi vay của khách hàng, khoản chi chăm sóc khách hàng, chi trả lãi ngoài đều lấy tiền từ bị cáo Danh và tập đoàn Thiên Thanh chi trả chứ không phải nguồn tiền từ ngân hàng.

Hoạt động của VNCB vào thời điểm đó mỗi ngày lỗ 6 tỉ đồng, tất cả các nguồn tiền chi ra đều từ bị cáo Danh và tập đoàn Thiên Thanh.

Sau đó, những hợp đồng bị cáo buộc là làm khống, làm giả để rút tiền từ việc nâng cấp hệ thống Core Banking, thuê trụ sở… đều nhằm mục đích hợp thức hóa các khoản chi thực tế khác của ngân hàng mà ông Danh đã chi trước đó./.

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Giá vàng tăng 140,000 đồng lên sát ngưỡng 36.7 triệu đồng/lượng (10/08/2016)

>   NHNN bơm ròng hơn 1,000 tỷ đồng qua tín phiếu (10/08/2016)

>   Có sổ tiết kiệm mới được vay mua nhà ở xã hội: Thêm “giấy phép con”? (10/08/2016)

>   Chủ đầu tư cần giải chấp căn hộ đã thế chấp trước khi chào bán (10/08/2016)

>   Khi ngân hàng ngoài quốc doanh “buông súng” (10/08/2016)

>   “5 cơ sở để giảm lãi suất cho vay” (09/08/2016)

>   BacABank: Lãi ròng quý 2 đạt 122 tỷ đồng, tăng 21% (09/08/2016)

>   Vợ chồng Phạm Công Danh chia tài sản để khắc phục hậu quả? (09/08/2016)

>   VietABank: Lãi ròng quý 2 tăng gấp đôi nhờ hoạt động khác (09/08/2016)

>   Bức tranh nợ xấu năm 2016 dần định hình (09/08/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật