Thứ Sáu, 01/07/2016 07:50

Vi phạm của Formosa đã được xác định thế nào?

“Thủ tướng chỉ đạo sự cố xảy ra diện rộng, phức tạp nên phải làm khoa học, khách quan, bài bản chính xác”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/6.

* Làm cá chết hàng loạt, Formosa bồi thường 500 triệu USD

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (giữa) đồng chủ trì buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết tại miền Trung, chiều 30/6.

Tại đây, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) được xác định là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường đầu tháng 4 vừa qua.

Sau đó, lãnh đạo Formosa đã nói lời xin lỗi nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố trong quá trình vận hành thử, đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và bồi thường xử lý môi trường biển tổng cộng 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD), cũng như cam kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của các bộ, ngành Việt Nam và UBND Hà Tĩnh.

“Đủ bằng chứng thuyết phục”

Gần 3 tháng qua, đối với ông Hà - người mới nắm cương vị Bộ trưởng khoảng hai tuần trước khi xảy ra sự cố - là quãng thời gian mà ông mô tả là chịu “sức ép lớn”, trước yêu cầu của Thủ tướng và mong muốn của người dân.

Theo Bộ trưởng Hà, trong quãng thời gian đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành hai nhóm việc chính. Thứ nhất là xác định nguyên nhân, cái gì đang diễn ra ở vùng biển miền Trung, cơ chế gì gây ra hải sản chết hàng loạt. Thứ hai là xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu.

“Nhóm việc thứ nhất tập trung hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước ở các lĩnh vực hải dương học, vũ trụ học... tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu cá, mẫu nước, sinh vật..., đồng thời thực hiện nhiều hoạt động từ việc xác định sự việc từ vệ tinh. Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển lần theo dấu hiệu vệ tinh chỉ ra”.

“Kết quả phân tích của hàng nghìn thí nghiệm, có thí nghiệm xác định độc tố kim loại nặng phải hàng tuần mới có kết quả. Nhiều thông số cần kiểm chứng, để đảm bảo tính pháp lý. Khi có kết quả, chúng tôi tổ chức hội đồng khoa học của Nhà nước để đánh giá, lấy ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học quốc tế, từ đó mới công bố kết quả”, Bộ trưởng nói.

“Qua nghiên cứu khẳng định, hợp chất theo dòng hải lưu từ Hà Tĩnh di chuyển đến Thừa Thiên - Huế. Đây là một ổ độc hấp thu kim loại trực tiếp, bản thân nó có nhu cầu ôxy, đi đến đâu lấy ôxy và gây độc tố làm cá chết”.

“Nhóm việc thứ hai, chúng tôi rà soát hàng trăm cơ sở có nguồn thải ra biển miền Trung, trong đó có: Formosa Hà Tĩnh, nhà máy điện Hà Tĩnh và khu công nghiệp Hà Tĩnh. Quá trình kiểm tra đã phát hiện vấn đề sai sót, lỗi. Trong 5 ngày khi kiểm toán năng lượng thì điện tụt 15%. Từ đó chúng tôi xác định chỉ có lò luyện cốc là thải ra phenol và xyanua”, Bộ trưởng kể lại.

Ông kết luận: “Đến nay, chúng tôi có đủ bằng chứng thuyết phục, xác định nguồn thải từ Formosa và lò luyện cốc”.

Trả lời câu hỏi của báo giới, vì sao lại là mức bồi thường 500 triệu USD dành cho Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “500 triệu USD còn là nhỏ vì mới tính được thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thiêt hại sơ bộ hệ sinh thái biển, mức độ tồn lưu..., còn những thiệt hại như tổn thương tâm lý thì lớn hơn rất nhiều, chúng tôi chưa tính được. FHS và các cổ đông phải chuyển đổi công nghệ và không bao giờ được để xảy ra sự cố như vậy”.

“Không đánh kẻ chạy lại”

“Các nhà khoa học đã vào cuộc với nỗ lực cao nhất… Có khó khăn là chúng ta phải tìm kiếm những dấu vết ngay tại thực địa, dưới đáy biển và cả hồi tố. Nhiều chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Đức, Mỹ... đã bổ sung dữ liệu cùng nhà khoa học Việt Nam đối chứng phân tích chỉ tiêu, từ đó có những chứng cứ được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói thêm.

“Kết quả công bố hôm nay thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học cũng như trình độ và năng lực trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp. Tháng 12/2004, Nhật Bản có sự cố môi trường nghiêm trọng, hơn một năm sau, hội đồng đánh giá với những chuyên gia hàng đầu mới có thể kết luận được nguyên nhân là từ công ty gang thép. Như vậy để thấy sự nỗ lực của chúng ta”, theo ông Chu Ngọc Anh.

Trả lời câu hỏi, liệu cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu quan điểm: “Trước hết, phải có biện pháp khắc phục đời sống người dân ven biển như hỗ trợ lãi suất, việc làm, mua hải sản của ngư dân đánh bắt; công bố sớm vùng hải sản an toàn, cảnh báo vùng hải sản không an toàn để người dân tránh dùng sản phẩm không an toàn. Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ Việt Nam, xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Ông nói tiếp: “Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”.

“Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng”, Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.

Cuối buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo giới, liệu môi trường biển miền Trung đã an toàn chưa, đại diện Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang giám sát, quan trắc hàng ngày về chất lượng nguồn nước. Riêng hải sản đánh bắt ở ngoài khu vực 20 hải lý là an toàn và được cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận ngay khi vừa cập cảng.

Bảo Quyên

vneconomy

Các tin tức khác

>   Thái Lan tiếp tục đấu giá 1,1 triệu tấn gạo dự trữ với giá cao (30/06/2016)

>   Làm cá chết hàng loạt, Formosa bồi thường 500 triệu USD (30/06/2016)

>   Bộ Tài chính: Thông tin “Thanh lý 264 xe ô tô công thu về 390 triệu đồng” không chính xác (30/06/2016)

>   Xe hơi nhập khẩu “sốt vó” với Thông tư 20 (30/06/2016)

>   Vụ buôn lậu thuốc động trời ở VN Pharma (30/06/2016)

>   Vắng luật sư, hoãn xử phúc thẩm vụ “Number One có ruồi” (30/06/2016)

>   Xe sang ồ ạt về Việt Nam né thuế  (30/06/2016)

>   “Thả nổi” nhập khẩu xe: Khách hàng thiệt, Nhà nước thất thu thuế (29/06/2016)

>   Yêu cầu thực hiện đúng quy trình vận hành tại công trình thủy điện An Khê – Ka Nak (30/06/2016)

>   Đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong XK thủy sản (29/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật