Xe hơi nhập khẩu “sốt vó” với Thông tư 20
Các nhà sản xuất và phân phối ôtô chính hãng đang tỏ ra hết sức lo lắng trước khả năng Thông tư 20 của Bộ Công Thương sẽ hết hiệu lực kể từ ngày mai (1/7/2016).
* Thông tư 20, “quả bóng” trong chân ai?
Nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tỏ ra lo ngại về những hệ lụy liên quan đến ngành công nghiệp ôtô, thị trường ôtô, tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô, thất thu thuế liên quan đến mặt hàng ôtô và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
|
Chiều 29/6, phóng viên VnEconomy đã nhận được một loạt văn bản kiến nghị từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô chính hãng, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).
Trong đó, tất cả các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp này đều bày tỏ các mối lo ngại cùng những hệ lụy liên quan đến ngành công nghiệp ôtô, thị trường ôtô, tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực nhập khẩu ôtô, thất thu thuế liên quan đến mặt hàng ôtô và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
Nhìn lại Thông tư 20
Để tiện hình dung về mối lo của cộng đồng doanh nghiệp ôtô chính hãng và một số cơ quan, tổ chức có liên quan, người viết xin điểm lại nội dung và các tác động chính của văn bản này.
Ngày 12/5/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 20/2011/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 20) quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Theo đó, kể từ ngày 26/6/2011, các thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định liên quan có hiệu lực tại thời điểm đó sẽ phải nộp bổ sung những 2 nhóm giấy tờ quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
Thứ nhất là giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật;
Thứ hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp.
Như vậy, mấu chốt của Thông tư 20 chính là siết chặt hoạt động nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU), đòi hỏi các doanh nghiệp phải là nhà nhập khẩu chính hãng và bắt buộc đảm bảo các vấn đề liên doanh đến sau bán hàng như chế độ bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Tại thời điểm ban hành, Thông tư 20 được xem như một hàng rào kỹ thuật để hạn chế hiện tượng nhập khẩu ồ ạt các loại ôtô nguyên chiếc mà không đảm bảo được các quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Trước thời điểm ban hành Thông tư 20, thị trường ôtô nhập khẩu đã có giai đoạn bùng nổ với đỉnh điểm là hơn 100.000 xe nhập khẩu về nước vào năm 2009. Đáng chú ý là đa số xe nhập khẩu đều được các doanh nghiệp mua từ các đại lý ở nước ngoài rồi nhập khẩu về để bán lại. Vì vậy, người tiêu dùng mua số xe nhập khẩu này đều không nhận được các chế độ bảo hành, bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn.
Cũng vì vậy Thông tư 20 đã được các nhà sản xuất ôtô trong nước, các nhà phân phối ôtô chính hãng và đa số người tiêu dùng ủng hộ.
Nên giữ hay bỏ?
Sốt sắng nhất có lẽ là khối doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng. Dù kinh doanh cùng mặt hàng ôtô CBU song khối doanh nghiệp này luôn phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn được các nhà sản xuất chính hãng áp dụng trên thị trường toàn cầu.
Theo đó, các doanh nghiệp này bắt buộc phải đầu tư lớn từ hạ tầng (showroom, xưởng dịch vụ và các trang thiết bị) đến các dịch vụ bán hàng và sau bán hàng. Trong khi đó, nếu dỡ bỏ Thông tư 20, các doanh nghiệp khác chỉ cần nhập khẩu xe từ một thị trường ngoài nước nào đó để bán trao tay đến người tiêu dùng.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ Công Thương, Tài chính và Tư pháp, đại diện các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng cho rằng không nên bãi bỏ Thông tư 20, thậm chí cần thiết nâng văn bản này lên thành nghị định (tức do Chính phủ ban hành) nhằm đảm bảo cho một thị trường ôtô minh bạch mà ở đó, các doanh nghiệp được kinh doanh một cách công bằng và đặc biệt là quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo.
Theo khối doanh nghiệp này, trong 5 năm qua, Thông tư 20 đã góp phần đảm bảo được 7 vấn đề quan trọng liên quan đến mặt hàng và thị trường ôtô CBU, bao gồm: chế độ bảo hành, bảo dưỡng chính hãng; linh kiện, phụ tùng chính hãng và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật; liên tục tiếp thu và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hoạt động triệu hồi sản phẩm trong trường hợp xe có lỗi do nhà sản xuất; đảm bảo hạ tầng, cơ sở vật chất và thiết bị theo tiêu chuẩn chính hãng; thu hút đầu tư bền vững và lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ôtô; hạn chế tình trạng gian lận thương mại và góp phần đảm bảo nguồn thu thuế liên quan đến mặt hàng ôtô nhập khẩu.
Đây cũng đồng thời là 7 mối lo liên quan đến khả năng dỡ bỏ Thông tư 20 được Euro Cham, GBA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam và VBF đặt ra trong văn bản góp ý gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
VAMA cũng cho rằng nên duy trì Thông tư 20. Bởi lẽ, ôtô là một sản phẩm phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ cao và đặc biệt là có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Trong khi đó, kinh doanh ôtô cũng yêu cầu phải có dịch vụ chuyên nghiệp và duy trì mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng.
“Khi Thông tư 20 hết hiệu lực và không được thay thế, chúng tôi lo ngại về việc ai sẽ đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nếu những nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ dừng hoạt động sau đó vì những lý do nào đó”, VAMA nêu quan điểm.
Khối doanh nghiệp này cũng tỏ “lo ngại rằng khi các yêu cầu của Thông tư 20 hết hiệu lực sẽ xuất hiện rất nhiều nhà nhập khẩu không chính hãng thường hoạt động trốn thuế bằng việc khai giá mua/bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 được ban hành. Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của Chính phủ”.
Liên quan đến mối lo về tình trực gian lận thương mại, nhà sản xuất ôtô trong nước Trường Hải (Thaco) cho rằng “các doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu không chính ngạch phải mua giá cao, chi phí cao nên phải khai giá trị trên hợp đồng và tờ khai hải quan thấp hơn giá mua thật để đóng thuế thấp và số tiền chênh lệch phải chuyển ngân lậu, phải mua ngoại tệ từ thị trường chợ đen gây ra gian lận thương mại và gây bất ổn thị trường ngoại tệ”.
Từ những mối lo này, các nhà sản xuất, các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng cho rằng Thông tư 20 nên được giữ lại. Hoặc trong trường hợp bắt buộc phải dỡ bỏ thì những quy định liên quan cần được đưa vào một văn bản pháp luật khác nhằm đảm bảo cho một ngành công nghiệp ôtô, thị trường ôtô phát triển lành mạnh, bền vững và quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo./.
vneconomy
|