Thị giá dưới mệnh giá, phát hành thêm bằng mệnh giá: Có hay không điều chỉnh giá tham chiếu?
Đối với những cổ phiếu đang có giá thấp hơn mệnh giá, doanh nghiệp thực hiện phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá thì vào ngày giao dịch không hưởng quyền giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh ra sao? Tăng? Giảm? Hay giữ nguyên? Đây là câu hỏi được khá nhiều nhà đầu tư cá nhân đề cập đến.
Khi doanh nghiệp phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ có khá nhiều hình thức, có thể là phát hành để trả cổ tức hay thưởng cho cổ đông hiện hữu, hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu cho trái chủ hoặc phát hành chào bán... Dù là trường hợp nào thì số lượng cổ phần của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên; để tương ứng với giá trị doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã đưa ra quy tắc tính toán, điều chỉnh giá cổ phiếu trên thị trường cho những trường hợp như vậy.
Theo đó, xét trường hợp phát hành cổ phần để trả cổ tức, thưởng hay chào bán cho cổ đông hiện hữu thì vào ngày giao dịch không hưởng quyền giá tham chiếu mới không còn là giá đóng cửa của ngày giao dịch liền trước mà được tính toán theo công thức:
Trong đó:
Ptc: Giá tham chiếu trong ngày không hưởng các quyền trên
PR t-1: Giá đóng cửa ngày giao dịch liền trước ngày giao dịch không hưởng quyền
I1: Tỷ lệ vốn tăng theo phát hành quyền mua cổ phiếu
Pr1: Giá cổ phiếu bán cho người có quyền mua cổ phiếu
I2: Tỷ lệ vốn tăng do thưởng bằng cổ phiếu (tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu)
Pr2: Giá cổ phiếu tính cho người được thưởng bằng cổ phiếu
I3: Tỷ lệ vốn tăng do trả cổ tức bằng cổ phiếu
Pr3: Giá cổ phiếu tính cho người được nhận cổ tức bằng cổ phiếu
TTHcp: Giá trị thưởng bằng cổ phiếu
Divcp: Giá trị cổ tức bằng cổ phiếu
TTHt: Giá trị thưởng bằng tiền
Divt: Giá trị cổ tức bằng tiền
Công thức này cũng được áp dụng chung cho việc tính giá vào ngày giao dịch không hưởng quyền của cổ đông như quyền nhận cổ tức tiền mặt, quyền tham dự đại hội cổ đông, quyền cho ý kiến khi doanh nghiệp lấy ý kiến bằng văn bản…
Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua sẽ không được hưởng các quyền như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông…
Ngày đăng ký cuối cùng là ngày tổ chức phát hành chốt danh sách người sở hữu cổ phiếu để thực hiện các quyền cho cổ đông. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày giao dịch ngay sau ngày giao dịch không hưởng quyền.
|
Thế nhưng, khi giá cổ phiếu rơi vào những trường hợp đặc biệt thì việc áp dụng công thức trên gây ra nhiều tranh cãi. Ví như trường hợp phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá cao hơn thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.
Có thể thấy, thông thường khi phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu thì giá phát hành thường được ưu đãi dưới mức giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều cổ phiếu về dưới mệnh giá, công ty muốn phát hành thêm cổ phần chào bán nhưng lại vướng rào cản quy định giá phát hành không được dưới mệnh giá và lựa chọn giải pháp phát hành cho cổ đông với mức giá chào bằng mệnh giá, tức cao hơn nhiều so với giá thị trường. Trong tình huống này, nếu chiếu theo công thức trên thì giá tham chiếu sẽ được điều chỉnh tăng. Mà giá điều chỉnh tăng là điều khá vô lý!
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khi tham khảo công thức trên đã bỏ qua những lưu ý đi kèm. Theo quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) các trường hợp không điều chỉnh giá tham chiếu của cổ phiếu gồm giá phát hành lớn hơn giá đóng cửa trước ngày không hưởng quyền; phát hành trái phiếu chuyển đổi (kể cả phát hành cho cổ đông hiện hữu), phát hành cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần cho nhà đầu tư không phải là cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty và các trường hợp phát hành khác không ảnh hưởng đến quyền của cổ đông hiện hữu. Và tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trường hợp không điều chỉnh giá tham chiếu gồm giá phát hành lớn hơn giá đóng cửa trước ngày không hưởng quyền và phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Như vậy, theo quy định, trường hợp doanh nghiệp phát hành với giá bằng mệnh giá trong khi thị giá đang thấp hơn thì không hề có điều chỉnh giá vào ngày giao dịch không hưởng quyền.
Vẫn còn nhầm lẫn
Theo bản cáo bạch đã được UBCKNN chấp thuận của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) mới được công bố gần đây về phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu tăng vốn khủng 180 triệu cp, tỷ lệ 59:20 với giá 10,000 đồng/cp, giá thị trường cổ phiếu FLC lúc này đang ở dưới mệnh giá. Trong bản cáo bạch có nêu rõ giả sử tại ngày giao dịch liền kề trước ngày giao dịch không hưởng quyền giá thị trường cổ phiếu FLC là 8,100 đồng/cp thì giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền là 8,581 đồng/cp, tức được điều chỉnh tăng 581 đồng.
Hay theo bản cáo bạch của Phân phối Top One (UPCoM: TOP) về phương án phát hành 15.6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 10:16 với giá 10,000 đồng/cp (gấp 2.6 lần thị giá thời điểm đó) thì giá cổ phiếu TOP trên thị trường cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giả sử tại ngày giao dịch liền kề ngày giao dịch không hưởng quyền giá thị trường cổ phiếu TOP ở mức 5,800 đồng thì giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là 8,384 đồng, tức được điều chỉnh tăng 2,584 đồng/cp.
Thực tế diễn biến trên thị trường tại các ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành của cả FLC và TOP (16/06) giá tham chiếu cũng chính là giá đóng cửa phiên liền trước, tức là không hề có điều chỉnh giá theo đúng quy chế giao dịch tại các Sở.
Có thể thấy ngay cả bản cáo bạch do chính doanh nghiệp phát hành, và đặc biệt đã được các tổ chức chuyên nghiệp tư vấn, qua phê duyệt vẫn cho thấy sự nhầm lẫn trong điều chỉnh giá này khiến nhà đầu tư bối rối./.
|