Hồ sơ đăng ký giao dịch tại UPCoM: Đơn giản, nhanh gọn và nhiều hệ lụy?
Khác biệt so với thị trường niêm yết, thị trường giao dịch UPCoM vốn chỉ là nơi đăng ký giao dịch tập trung của công ty đại chúng, do vậy điều kiện cũng như hồ sơ đăng ký cực kỳ đơn giản, nhanh gọn do doanh nghiệp tự khai là chính.
Doanh nghiệp có thể tự biên tự diễn từ A đến Z
Theo Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP thì điều kiện để đăng ký giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) cực kỳ đơn giản. Đó là chỉ cần đã đăng ký lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD). Mặt khác, quy định cũng bắt buộc đăng ký giao dịch tại UPCoM đối với công ty đại chúng thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng chưa niêm yết hoặc chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết.
Để là một công ty đại chúng thì chỉ cần đáp ứng một trong 3 loại hình (1) đã thực hiện chào bán ra công chúng, (2) cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm lưu ký và (3) cổ phiếu có ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ trở lên.
Đối với việc đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD, doanh nghiệp có thể trực tiếp làm thủ tục hoặc thông qua công ty chứng khoán tư vấn. Đối với trường hợp tự làm thủ tục thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các thông tin đăng ký. Những thông tin mà doanh nghiệp cần cung cấp bao gồm thông tin liên quan đến cổ đông, danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán chuyển nhượng có điều kiện, vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm gần nhất, quá trình tăng vốn.
Theo Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường giao dịch UPCoM, hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán gồm giấy đề nghị đăng ký giao dịch chứng khoán, thông tin tóm tắt về công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, BCTC của năm liền trước năm đăng ký đã được kiểm toán.
Mẫu quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP bản công bố thông tin Công ty thì đơn thuần đó là một bản tóm tắt bao gồm những thông tin như quá trình hoạt động, kế hoạch kinh doanh, quản trị doanh nghiệp có thể do chính doanh nghiệp lập và tự chịu trách nhiệm. Khác biệt so với việc niêm yết tại các Sở giao dịch chứng khoán, bản cáo bạch cần sự chứng thực của tổ chức kiểm toán và tổ chức tư vấn.
Như vậy, trong cả quá trình đăng ký giao dịch tại UPCoM từ khâu đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD cho đến khâu hồ sơ lên sàn đều do doanh nghiệp hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về nội dung mà không cần một đơn vị thứ ba nào xác thực lại, chỉ trừ BCTC năm liền trước cần kiểm toán.
Sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký giao dịch tại UPCoM, trong vòng 5 ngày làm việc đối với công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc trong vòng 3 ngày làm việc đối với công ty đại chúng hủy niêm yết, HNX ra quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho doanh nghiệp đăng ký giao dịch tại UPCoM. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày được cấp quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch tại HNX, doanh nghiệp gửi công văn cho HNX về việc đăng ký ngày giao dịch đầu tiên, giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên.
Một điểm đáng chú ý khác, giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu cũng do chính doanh nghiệp tính toán và đưa ra.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng
Với sự đơn giản trong hồ sơ, nhanh gọn trong việc xét duyệt khi đăng ký giao dịch tại UPCoM thì không tránh khỏi hệ lụy đi kèm nếu nhà đầu tư không soi sét kỹ trước khi rót tiền. Trường hợp của CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung (UPCoM: MTM) là bài học đắt giá cho nhà đầu tư. Cổ phiếu này mới được giao dịch vào tháng 4/2016 với mức giá 10,500 đồng/cp, tới nay thị giá đã mất đi 80% giá trị và đi kèm là quyết định tạm ngừng giao dịch của HNX.
Theo Điểm 7, Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, bản thông tin tóm tắt về công ty đại chúng phải có Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 năm gần nhất.
|
Soi bản công bố thông tin – tài liệu được coi là cung cấp đầy đủ thông tin nhất về MTM thì nhận thấy không hề có đơn vị tư vấn, tức Ban lãnh đạo MTM tự lập và tự chịu trách nhiệm cho những thông tin mình đưa ra. Điểm đáng chú ý nhất, mặc dù bản công bố này được công ty đóng dấu ngày 21/03/2016 nhưng số liệu kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính được công bố trong tài liệu này rất cũ, của năm 2014 và giai đoạn đầu năm 2015 (01/01 – 10/04/2015) (đã kiểm toán, soát xét), chưa đáp ứng quy định tại Nghị định 58. Ngày văn bản được HNX đóng dấu xác nhận cũng rất mới - ngày 29/03/2016.
Đồng thời, bản công bố thông tin cũng không đưa ra giá trị định giá cho cổ phiếu, theo đó hoàn toàn không thể biết được mức giá tham chiếu 10,500 đồng/cp cho ngày giao dịch đầu tiên tại UPCoM là dựa trên cơ sở nào trong khi thông tin về MTM cung cấp cho nhà chức trách HNX lại từ tháng 4/2015 trở về trước nữa.
Qua sự việc MTM có lẽ nhà đầu tư nên tự rút kinh nghiệm cho chính bản thân khi đầu tư tại UPCoM./.
Xem thêm:
* MTM: Thay HĐQT như thay áo và những bất thường về tài sản
* Sốc với thực tế tại MTM
* MTM đã ngừng hoạt động?
* Cổ phiếu MTM đi đứt 80% giá trị sau 1 tháng lên sàn chứng khoán
|