Thành phố nào sẽ là “đối thủ” của London sau Brexit?
Các thành phố ở châu Âu đang sẵn sàng “trám chỗ” London sau khi người Anh chọn Brexit.
Cuộc bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu và “nhấn chìm” đồng bảng Anh. Một trong những lo ngại chính hiện nay là trong tương lai liệu London có còn giữ được vị thế thủ đô công nghệ và tài chính của châu Âu hay không.
Nhiều công ty toàn cầu cho biết họ có thể phải dời một số hoạt động ra khỏi thủ đô nước Anh để bảo vệ tình trạng vẫn thuộc về EU của mình. Và theo CNNMoney, đây là những thành phố đang “xếp hàng” chào đón họ.
Frankfurt
Frankfurt hiện rất háo hức chào đón các ngân hàng đang “tháo chạy” khỏi London. Thành phố Đức này là quê hương của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), cũng như Cơ quan Giám sát Bảo hiểm và Hưu trí châu Âu.
Theo luật của EU, các ngân hàng và công ty bảo hiểm có thể hoạt động ở bất kỳ nơi nào trong EU nếu họ thiết lập các hoạt động ở một trong các quốc gia thành viên. Trước giờ London vẫn được chọn, nhưng Frankfurt hy vọng họ có thể trở thành trung tâm tài chính tiếp theo sau sự kiện Brexit.
“Frankfurt được trang bị đầy đủ như là một trung tâm tài chính ổn định để chào đón những ai đang tìm kiếm một trụ sở hoạt động mới bên trong Eurozone”, Frankfurt Main Finance, cơ quan đại diện cho ngành tài chính của thành phố, đã cho biết như thế ngay sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh.
Frankfurt cũng đều đặn có được vị trí xếp hạng cao về chất lượng sống. Theo cuộc khảo sát năm 2016 của Mercer, Frankfurt xếp thứ 7 trong danh sách những nơi đáng sống nhất, trên cả London, Paris và New York. Thành phố này cũng nhỏ hơn và ít đắt đỏ hơn so với London.
Luxembourg
Luxembourg có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn hơn nhiều so với diện tích của nó khi nói đến tài chính và ngân hàng. Công quốc nhỏ bé này hiện là quê hương của 143 ngân hàng với tổng tài sản lên đến 800 tỷ Euro (885 tỷ USD).
Giới ngân hàng có thể bị hấp dẫn bởi tính quốc tế của Luxembourg, vì gần phân nửa trong tổng số 563,000 cư dân ở đây là người nước ngoài.
Luxembourg cũng là quê hương của các “cơ quan đầu não” ở châu Âu của một vài tập đoàn toàn cầu lớn, trong đó có Paypal, Skype và Delphi. Các công ty này bị hấp dẫn bởi chính sách thuế thấp dành cho doanh nghiệp của Luxembourg.
Paris
Theo Chính phủ Pháp, các công ty dịch vụ tài chính ở Paris hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 2.6 ngàn tỷ euro. Thành phố này cũng là quê hương của Euronext, thị trường chứng khoán lớn thứ hai ở châu Âu, chỉ sau London về khối lượng giao dịch và vốn hóa thị trường cổ phiếu.
Paris cũng quan trọng đối với các thị trường trái phiếu; những công ty ở Paris hiện tiến hành gần 35% trong tổng lượng phát hành trái phiếu ở Eurozone.
Nhưng nhiều công ty quốc tế có thể sẽ lưỡng lự trong việc thiết lập các hoạt động có quy mô lớn ở Paris vì luật bảo vệ người lao động ở quốc gia này rất nghiêm khắc.
Dublin
Dublin hiện đang là đối thủ của London như là một trung tâm công nghệ lớn ở châu Âu. Google, Facebook, Dropbox và Twitter đều đã thiết lập trụ sở chính ở châu Âu của họ tại thủ đô của Ai Len.
Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của Dublin và thành phố này có thể thu hút một số ngân hàng. Theo Trung tâm Dịch vụ Tài chính Quốc tế của Dublin, hơn 50% các công ty dịch vụ tài chính hàng đầu của thế giới đã có công ty con ở thành phố này.
Berlin
Berlin là thỏi nam châm khổng lồ đối với các tài năng công nghệ trẻ, nhờ có nền văn hóa hấp dẫn và giá thuê nhà rẻ. Thành phố này cho biết cứ mỗi 20 phút là có một startup được thành lập tại đây. Những startup thành công ở thành phố này gồm có Zalando, SoundCloud (nguyên gốc là từ Thụy Điển), Wooga và Delivery Hero.
Hơn 2/3 lượng tiền được đầu tư vào nước Đức trong năm 2015 đã đổ vào Berlin. Vào năm 2014, Google và Lufthansa đã cho ra đời Factory Berlin, một khuôn viên công nghệ để khuyến khích sự hợp tác giữa các startup của thành phố này.
Amsterdam
Amsterdam đang nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu của châu Âu và sẽ rất háo hức chào đón các công ty đang tìm kiếm địa điểm để đặt trụ sở chính mới ở châu Âu.
Đừng quên là Netflix, Uber và Tesla đều đã thành lập văn phòng của họ ở thủ đô của Hà Lan này. Amsterdam Internet Exchange hiện là một trong những trung tâm vận chuyển dữ liệu lớn nhất thế giới.
Edinburgh
Các nhà lãnh đạo Scotland đang háo hức ở lại Liên minh châu Âu – dù điều đó có thể khiến họ phải trải qua một cuộc trưng cầu dân ý khác để có được sự độc lập khỏi nước Anh. Vào năm 2014, người dân Scotland đã bỏ phiếu với tỷ lệ 55.7% - 44.7% để không tách khỏi nước Anh.
Edinburgh là trung tâm tài chính lớn thứ hai nước Anh sau London và là quê hương của một số công ty quản lý tài sản. Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) có trụ sở chính ở đây./.
|