Thứ Năm, 30/06/2016 15:38

Brexit có thể là điều tuyệt vời cho Mỹ?

Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã làm các thị trường tài chính thế giới “rung lắc” dữ dội. Triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn và tức thời ở Anh đã suy giảm nghiêm trọng, và tác động của nó lên phần còn lại của châu Âu chắc chắn sẽ là tiêu cực.

Một số người chiến thắng về mặt chính trị sau sự kiện này dĩ nhiên là những người không thích Liên minh châu Âu (EU) và sứ mạng của tổ chức này. Mỉa mai thay, nước Mỹ - đồng minh và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU – cũng có thể là người được hưởng lợi nếu Donald Trump không chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Nước Anh có dân số hơn 65 triệu người và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, với GDP hàng năm gần 3 ngàn tỷ USD. So với 75 ngàn tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu thì con số đó tương đối nhỏ, nhưng tỷ lệ xuất khẩu hàng năm lên đến 28%-30% của cả nền kinh tế là không hề nhỏ chút nào.

Giờ đây điều đó có thể sẽ thay đổi. EU chiếm khoảng phân nửa lượng xuất khẩu của Anh, và triển vọng tiếp tục được tiếp cận đầy đủ thị trường này là khá “mờ mịt”. Việc giao thương có thể sẽ bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các dịch vụ, gồm cả các dịch vụ tài chính, sẽ nghiêm trọng hơn. Trên nguyên tắc, nước Anh có thể đàm phán, nhưng chắc chắn là phải chấp nhận những “luật chơi” từ Brussels, đầu não của EU và cũng là nơi mà người Anh mới từ bỏ. Do vậy, chắc chắn là tăng trưởng ở Anh sẽ thấp hơn và còn kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế thế giới có thể được hạn chế bởi một vài quốc gia sẽ được hưởng lợi từ sự mất mát của Anh. Chẳng hạn như, cho đến thời gian gần đây, nước Anh vẫn là một trong những điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), chính xác là vì các công ty ấy đã xem quốc gia này như là một bệ phóng tốt để bán hàng vào phần còn lại của EU. Sự hấp dẫn ấy – và số lượng việc làm tốt từ đó mà ra – giờ đây sẽ giảm đáng kể.

Rõ ràng rằng, kẻ thua cuộc về mặt chính trị chính là EU. Với 1/6 GDP bị mất đi, tổ chức này sẽ bị rớt hạng trên bảng tổng sắp kinh tế: từ vị trí đứng ngay sau Mỹ, EU sẽ rơi xuống mức ngang bằng, hay thậm chí là thấp hơn, so với Trung Quốc. Hiện phản ứng về mặt chính sách của giới lãnh đạo EU là chưa rõ ràng, nhưng nếu xét đến cách họ xử lý cuộc khủng hoảng trong khối đồng tiền chung Euro từ năm 2010 đến nay, thì dường như không thể có lại được một sự tăng trưởng năng động hơn.

Một châu Âu yếu hơn là điều tồi tệ cho cả thế giới. Tăng trưởng toàn cầu chậm hơn và hậu quả là giá dầu thấp hơn quả là “thảm họa” cho những quốc gia như Nga và Iran. Và với Trung Quốc, vốn dựa dẫm nhiều vào lượng xuất khẩu sang những nước giàu có hơn, thì tăng trưởng chậm lại của Anh cũng là điều không tốt cho quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Xét về mặt kinh tế và địa chính trị, Mỹ có thể là kẻ chiến thắng lớn nhất từ sự tan rã của EU. Quốc gia này nổi lên như một thế lực toàn cầu khi châu Âu xâu xé lẫn nhau và các đế chế suy tàn. Vai trò của Mỹ sau 1945 có bị thách thức bởi Liên Xô nhưng rồi Liên Xô nhanh chóng tan rã và ai cũng thấy nước Nga ngày nay là chưa đủ tầm để so sánh với Mỹ về mọi mặt.

Kế đến là Nhật Bản của những năm 1980, với sự trỗi dậy của những công ty được điều hành tốt. Ngày nay Nhật Bản giàu hơn nhiều so với Nga, nhưng vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề về mặt kinh tế và có thể sẽ bị kẹt trong vòng xoáy triền miên của việc thiếu hụt dân số ở độ tuổi lao động.

Trong thời gian gần đây, giới lãnh đạo của EU thường xem mình là đối thủ của Mỹ trên đấu trường quốc tế. Nhưng giờ đây, câu hỏi đặt ra là phần nào của châu Âu sẽ tiếp tục gắn kết với nhau và trên cơ sở nào.

Sự thịnh vượng được dựa trên nền tảng con người và ý tưởng. Ai có thể thu hút những người tài năng nhất, đào tạo họ, con cái họ, và cho họ nhiều cơ hội để làm việc có năng suất nhất ? Nước Mỹ hiện vẫn có một số vấn đề nghiêm trọng nhưng việc thu hút người nhập cư và khuyến khích sáng tạo luôn là những thế mạnh của họ suốt hơn 200 năm qua.

Nước Anh cũng là một xã hội tương đối cởi mở trong những thập niên gần đây, và nhiều người trẻ vẫn muốn điều đó tiếp tục. Tuy nhiên, những người già hơn, hiện đang sống bên ngoài các khu đô thị lớn, lại bỏ phiếu chọn cách “ngăn sông cấm chợ” quốc gia này với phần còn lại của thế giới.

Diễn biến chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ rõ ràng là khá khác với những gì đã diễn ra trong cuộc thảo luận đi hay ở của Anh. Nhưng oái ăm thay, Donald Trump đang cũng cho thấy một tầm nhìn tương tự Nigel Farage, người đứng đầu Đảng Độc lập Anh, ủng hộ Brexit. Và hôm thứ Sáu vừa qua, cả hai đều vui mừng như nhau khi biết được kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Vẫn chưa thể biết được chọn lựa của cử tri Mỹ như thế nào vào tháng 11 tới. Liệu họ sẽ ủng hộ Donald Trump và gây thiệt hại nặng cho cả nền kinh tế Mỹ lẫn toàn cầu bằng cách cô lập mình, hay sẽ chọn sự thịnh vượng và vai trò đầu tàu của thế giới? Hãy chờ xem./.

Các tin tức khác

>   Ngân hàng trung ương Anh rót 4,1 tỷ USD để trấn an thị trường (30/06/2016)

>   Thâm hụt ngân sách của Nga tương đương 4,3% GDP nửa đầu 2016 (30/06/2016)

>   Vàng tiến sát đỉnh 2 năm, bạc vọt gần 3% (30/06/2016)

>   Dầu vọt hơn 4% khi nguồn cung dầu tại Mỹ trượt dốc (30/06/2016)

>   "Brexit sẽ không làm EU thay đổi lập trường về trừng phạt Nga" (29/06/2016)

>   Kinh tế Ấn Độ "chấn động" vì Brexit (29/06/2016)

>   Vụ Brexit: Thủ tướng Anh Cameron hối hận! (29/06/2016)

>   Bộ trưởng tài chính Anh: Đương nhiên sẽ tăng thuế, giảm chi  (29/06/2016)

>   Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh EU bàn về hậu quả của Brexit (29/06/2016)

>   Liệu đồng Euro có sống sót nổi sau Brexit? (29/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật