Thứ Hai, 18/07/2016 08:08

"Siêu ủy ban": Khó đạt mục tiêu quản lý

Nhiều chuyên gia băn khoăn quanh việc lập với mô hình “siêu ủy ban” để quản lý doanh nhiệp nhà nước bởi cho rằng việc này khó đạt mục tiêu.

Trụ sở Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Theo dự thảo nghị định, ủy ban sẽ là cơ quan trực thuộc trực tiếp Chính phủ, do Chính phủ thành lập, với vai trò cực lớn: giúp Chính phủ quản lý, giám sát toàn bộ vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN, thay vì để tại các bộ ngành và địa phương như hiện nay.

Liệu có quản lý tốt hơn vốn của dân tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với mô hình “siêu ủy ban” mà dự thảo nghị định của Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất thành lập?

* TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Khó đạt được mục tiêu

Ảnh: D.Phan

Việc thành lập ủy ban này nhằm hai mục tiêu quan trọng: thứ nhất là tách các tập đoàn, DNNN ra khỏi các bộ/ngành nhằm tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh, và thứ hai là tập trung vào một đầu mối để dễ quản lý và giám sát.

Tuy nhiên, có khả năng cả hai mục tiêu này đều khó đạt được thông qua mô hình ủy ban này.

Với mục tiêu thứ nhất, dù có thể tách được quyền quản lý trực tiếp DNNN từ các bộ/ngành, song Nhà nước vẫn là đại diện sở hữu DNNN.

Ban đại diện sở hữu nhà nước thuộc ủy ban có thể sẽ lại gồm đại diện của các bộ/ngành như trước. Mà nếu như vậy thì rốt cục vẫn không tách được chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này còn ảnh hưởng đến mục tiêu thứ hai, đó là làm cho việc quản lý các DNNN tưởng là tập trung hơn nhưng thực ra lại trở nên phân tán hơn, do ủy ban gồm đại diện nhiều bộ/ngành cùng tham gia.

Theo dự thảo nghị định, chủ tịch ủy ban chỉ có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm một số chức danh lãnh đạo trong các DNNN nhỏ thôi, chứ các DNNN lớn, các tập đoàn kinh tế lớn thì thuộc thẩm quyền Thủ tướng.

Trong khi chủ tịch ủy ban cũng do Thủ tướng quyết và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Hai ông lãnh đạo mà cùng do Thủ tướng quyết định thì ông chủ tịch ủy ban liệu có điều khiển được ông DNNN đó không?

* Ông Đặng Quyết Tiến (phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính):

Nên theo mô hình Singapore

Ông Đặng Quyết Tiến -Ảnh: L.THANH

Việc chúng ta đang xem xét để lập cơ quan hay gọi là ủy ban quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp giống như mô hình Sasat của Trung Quốc. Nhưng sau một thời gian lập ra mô hình này, Trung Quốc đã phát hiện ủy ban đó mang tính độc quyền, không hiệu quả nên họ rút ủy ban đó rồi.

Nếu chúng ta thành lập cơ quan quản lý vốn mà không thay đổi vai trò của Nhà nước về quản lý thì những hạn chế, bất cập trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn tồn tại.

Do đó, cần học tập theo mô hình Temasec của Singapore. Ở Singapore, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ thẩm tra về tài chính, còn chức năng quản lý của đại diện chủ sở hữu thì chuyển thành mô hình công ty vốn nhà nước như là quỹ đầu tư vốn nhà nước.

Nhà nước chỉ là nhà đầu tư với vai trò như cổ đông góp vốn thì giám sát qua báo cáo tài chính, báo cáo công khai minh bạch, phiếu bầu ban quản trị..., còn điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là do doanh nghiệp làm.

Nếu đầu tư hiệu quả, sinh lời thì nhà nước tiếp tục giữ vốn, còn nếu không hiệu quả thì rút vốn chứ không hề can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp.

Cách làm này chỉ áp dụng với những ngành nghề mà nhà nước cần nắm giữ vốn. Còn theo quy định, những ngành nghề nào mà nhà nước không cần nắm giữ thì doanh nghiệp buộc phải thoái vốn theo lộ trình.

Để đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước theo đúng chủ trương mà lâu nay chúng ta đặt ra thì sau khi Chính phủ xây dựng phải trình để Quốc hội phê duyệt.

Cơ chế giám sát này mới đảm bảo chặt chẽ, sát sao và thực hiện nghiêm được. Chứ như hiện nay về cổ phần hóa DNNN, Chính phủ đặt ra và Chính phủ giám sát, thậm chí có trường hợp Chính phủ có thể điều chỉnh kế hoạch.

Chính phủ chỉ đạo nhưng khi các bộ thực hiện vẫn có sự du di. Như lộ trình, theo chủ trương của Chính phủ, Nhà nước là phải thoái vốn dần khỏi ngành bia rượu.

Thế nhưng Bộ Công thương vẫn giữ vì có lợi ích. Lợi ích đó không phải là quản lý vốn nhà nước mà là về vai trò, quyền lợi của chủ sở hữu.

5,4 triệu tỉ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính năm 2015, tính riêng 781 DNNN đã có tổng giá trị tài sản là 3,105 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là 1,233 triệu tỉ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và doanh nghiệp có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5,408 triệu tỉ đồng.


(Dự thảo tờ trình của Bộ KH-ĐT gửi Chính phủ)

L.Thanh - C.V.Kình - N.Bình ghi

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 163 tỷ USD, tăng 2.4% (16/07/2016)

>   VCSC: Khả năng VNĐ sẽ trượt giá 1% trong năm 2016 (15/07/2016)

>   “GDP cả năm 2016 có thể chỉ tăng dưới 6%” (15/07/2016)

>   Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 400.000 đồng (13/07/2016)

>   Mỗi năm đô thị của Việt Nam có thêm 1,2 triệu người (13/07/2016)

>   10 năm phát hiện gần 60.000 tỉ đồng tham nhũng, thu hồi 5.000 tỉ (12/07/2016)

>   Cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng: “Không nên vung tay quá trán” (11/07/2016)

>   Năm 2017, phấn đấu tỷ lệ huy động Ngân sách khoảng 20-21% GDP (11/07/2016)

>   Vay WB 560 triệu USD phát triển đồng bằng sông Cửu Long (11/07/2016)

>   Ủy ban Kinh tế lo “diễn biến mới” của nền kinh tế (11/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật