Mỗi năm đô thị của Việt Nam có thêm 1,2 triệu người
Mỗi năm đô thị của Việt Nam có thêm 1,2 triệu người do sự di cư của người dân từ nông thôn ra thành thị sinh sống. Và Việt Nam đang phải đối mặt với tác động của đô thị hóa nhanh chóng, như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông... Làm sao để phát triển đô thị bền vững là nội dung của cuộc tọa đàm diễn ra hôm nay 12-7 tại Hà Nội.
Quang cảnh tọa đàm phát triển đô thị bền vững. Ảnh: Vân Ly
|
Cuộc tọa đàm mang tên “”Suy nghĩ và phát triển đô thị bền vững như thế nào” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Trung tâm tư vấn phát triển đô thị Việt Nam tổ chức.
Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh
Số liệu cung cấp tại tọa đàm cho thấy, trong 30 năm qua, Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh nhất ở Đông Nam Á (tăng 3,4%/năm). Tỷ lệ dân số sống ở đô thị dự kiến đạt 60% vào năm 2050. Chỉ riêng dân số Hà Nội (6,7 triệu dân) đã có mức tăng 3%/năm.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, ông Đỗ Viết Chiến, Phó tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị của Bộ Xây dựng), cho biết Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 36%, và theo dự đoán của hiệp hội thì đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ là 40%.
“Mỗi năm tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam tăng 1%, tương đương với mỗi năm sẽ có 1-1,2 triệu dân nông thôn ra sinh sống tại đô thị”, ông Chiến nói.
Ông Chiến phân tích, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nhanh dẫn đến nhiều khó khăn cho đô thị như ách tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị...
Vẫn theo ông Chiến, hiện Việt Nam có 790 đô thị (từ các thành phố lớn đến các trung tâm thị trấn của huyện), trong đó có 17 đô thị loại một, 24 đô thị loại 2. Còn lại là trên 700 đô thị các loại 3, 4 và 5.
Xem thêm tại đây
Vân Ly
TBKTSG
|