Nước đi mới trong thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp logistics hậu SCIC
Câu chuyện về thương vụ thâu tóm chuỗi doanh nghiệp logistics “hậu” SCIC thoái vốn tiếp tục có những diễn biến mới. Sau khi quy về một mối tại STG, nhân tố tiếp theo xuất hiện trong thương vụ này là GEX, đơn vị dự kiến sẽ nâng sở hữu tại STG lên 75% nếu tờ trình được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới.
Cuối năm 2015, hai mã chứng khoán trên sàn UPCoM bỗng nhiên trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi thị giá cổ phiếu liên tục leo dốc. Cổ phiếu của Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (SWC) và CTCP Vận tải Đa phương thức (VTX) đã liên tục bứt phá, SWC tăng từ 6,800 đồng/cp lên 15,000 đồng/cp trong khi VTX tăng từ mức gần 10,000 đồng/cp lên 15,400 đồng/cp trong tháng 12/2015 và những ngày đầu tháng 01/2016. Đứng sau chuỗi phiên giao dịch tăng giá này là bóng dáng của một thương vụ thâu tóm bởi cổ đông lớn nhất của cả 2 công ty này là Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước – SCIC đã có thông báo thoái vốn tại đây (SCIC sở hữu 67% vốn của SWC và 59% vốn của VTX).
* Ai đang thâu tóm cổ phiếu logistics hậu SCIC thoái vốn?
Những thông tin dần lộ diện khi CTCP Kho vận Miền Nam (STG) và công ty con được ĐHĐCĐ của cả SWC và VTX thông qua việc nâng sở hữu lên 75% mà không cần chào mua công khai.
* Sotrans và bước tiếp theo trong vụ thâu tóm Sowatco
* STG sẽ nâng sở hữu tại VTX và SWC lên 75%
STG, thực tế cũng không hẳn là đầu mối sau cuối bởi công ty này cũng mới “bất ngờ” thay đổi chiến lược sang thâu tóm các doanh nghiệp mảng logistics sau khi SCIC thoái vốn đầu tháng 7/2015 và xuất hiện nhóm cổ đông mới thay thế. Theo bản cáo bạch mới đây được công bố, tính tới thời điểm 25/04/2016, 4 cổ đông lớn nhất của STG là CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần, CTCK IB (VIX), CTCP SCI (S99) và Quỹ Đầu tư Khám phá Giá trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VVDIF), với tổng sở hữu gần 44%.
Cơ cấu cổ đông của STG tính tới 25/04/2016
Nguồn: Bản cáo bạch phát hành của STG
|
Cũng cần lưu ý là trước đó, nhóm nhà đầu tư “đứng sau” STG, có liên quan đến CTCK IB (VIX) bao gồm: Quản lý quỹ IB, CTCP SCI (S99), CTCP Xây dựng và Đầu tư Sông Đà 9 (SCI), CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC), CTCP FTG Việt Nam, Quản lý quỹ VietinBank - VietinBank Capital, VVDIF, đã sở hữu một lượng lớn cổ phần tại SWC và VTX - 2 công ty nói trên trước khi chuyển về một mối là STG. Trước đó, một doanh nghiệp khác thuộc lĩnh vực logistics cũng trở thành công ty con của STG là CTCP MHC (MHC).
Và thương vụ này có vẻ như vẫn chưa dừng lại. Những diễn biến tiếp theo dần lộ diện theo nội dung của các tờ trình sẽ được công bố tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (UPCoM: GEX), một đơn vị cũng có bóng dáng của những nhà đầu tư “đứng sau” STG.
Quyết định bất ngờ từ GEX
Dự kiến GEX sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 1/8 tới đây, bên cạnh vấn đề nhân sự, Đại hội lần này sẽ thông qua đề án tái cấu trúc hoạt động của Tổng Công ty với hàng loạt phương án bất ngờ sẽ được HĐQT trình tới cổ đông.
Đầu tiên là lĩnh vực kinh doanh sau tái cấu trúc. Nếu như trước đây, GEX hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, dây cáp điện, bên cạnh đó là kinh doanh bất động sản (BĐS), quyền sử dụng đất với hàng loạt các BĐS đang sở hữu, thì theo đề án tái cấu trúc một lĩnh vực hoàn toàn mới GEX dự kiến sẽ đầu tư, kinh doanh là logistics như khai thác cảng biển, kinh doanh kho bãi, vận tải, dịch vụ logistics. Theo giải thích của HĐQT trong đề án, lý do của việc mở rộng hoạt động kinh doanh bởi tiềm năng của logistics khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, đồng thời nhằm tiết giảm chi phí hoạt động cho Tổng Công ty (ước tính mỗi năm GEX và các đơn vị thành viên chi ra khoảng 500 tỷ đồng cho hoạt động này).
Định hướng của hoạt động này cũng khá bất ngờ, với một doanh nghiệp chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics nhưng GEX lại tỏ ra sốt sắng để triển khai. Theo đề án tái cấu trúc, GEX dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động mua cổ phần của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để việc mở rộng sang lĩnh vực logistics của Tổng Công ty được nhanh chóng. Thời gian triển khai trong quý 4/2016 và năm 2017. Đây cũng là hoạt động có nguồn vốn dự kiến đầu tư lớn nhất trong đề án tái cấu trúc, với số tiền dự kiến 1,500 tỷ đồng (tổng nhu cầu đầu tư theo đề án tái cấu trúc là 4,080 tỷ đồng).
Và đơn vị được lựa chọn để thâu tóm, cũng không phải cái tên nào quá xa lạ - CTCP Kho vận Miền Nam (STG). Theo đề án, GEX sẽ thực hiện tìm kiếm, thương thảo để mua lại cổ phần chi phối của STG.
Một doanh nghiệp có tài sản tiềm năng lớn, mới đây được cổ đông lớn Nhà nước thoái vốn với lượng cổ phần đủ để chi phối, chiến lược kinh doanh bất ngờ thay đổi khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới và đặc biệt là bắt đầu có kế hoạch thâu tóm các doanh nghiệp khác – câu chuyện tại GEX khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến câu chuyện của chính doanh nghiệp mà Tổng Công ty này dự kiến thâu tóm - STG, đã xảy ra cuối năm 2015.
Và với những thông tin có được, có vẻ đây không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
GEX trở thành “mắt xích” nào trong thương vụ thâu tóm?
Cổ phiếu GEX được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ cuối tháng 10/2015. Ngay sau khi lên sàn, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2015, hàng loạt cổ đông nội bộ và đặc biệt là cổ đông lớn Bộ Công thương (sở hữu gần 79% vốn) đã đăng ký thoái vốn khỏi GEX. Phiên giao dịch ngày 25/12/2015 cũng đi vào lịch sử đối với sàn giao dịch UPCoM, khi hơn 122 triệu cp GEX, tương đương 78.74% vốn được sang tay chỉ trong 30 phút đầu giờ giao dịch, tương đương tổng giá trị hơn 2,100 tỷ đồng. Tuy nhiên, danh sách cổ đông lớn thay thế Bộ Công thương và nhóm cổ đông nội bộ sau đó vẫn chưa hề lộ diện.
Tuy vậy, những điểm tương đồng đến bất ngờ giữa GEX và đối tượng mà Tổng Công ty này định thâu tóm – STG, dấy lên nghi ngờ về sự có mặt của nhóm nhà đầu tư đứng sau thương vụ thâu tóm chuỗi doanh nghiệp logistics. Đặc biệt là khi có sự góp mặt của ông Võ Anh Linh - Chủ tịch HĐQT PTC trong HĐQT GEX (được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của GEX) và tới đây là Phó Chủ tịch HĐQT của VIX, ông Nguyễn Văn Tuấn sẽ được đề cử tại ĐHĐCĐ bất thường.
Nghi vấn này cũng không phải không có cơ sở, bên cạnh vấn đề nhân sự, nhóm nhà đầu tư có liên quan đến VIX cũng đã sở hữu một lượng lớn cổ phiếu GEX, ngay sau khi đơn vị này được Bộ Công thương thoái vốn.
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2016 của MHC, S99 và PTC, tính tới thời điểm 31/03/2016, mặc dù không có chi tiết số lượng cổ phiếu sở hữu nhưng giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu GEX của 3 đơn vị này lên tới gần 230 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới những đơn vị đầu tư chuyên nghiệp như VIX, VietinCapital, VVDIF hay Indo Trần không có thông tin chi tiết. Nếu những thông tin trên là có cơ sở, quyết định khó hiểu của GEX khi chuyển sang lĩnh vực logistics, phương án thâu tóm STG trong một khoảng thời gian gấp rút có thể dễ dàng được giải thích một cách “hợp lý”, bởi đơn giản nhóm cổ đông lớn đứng sau cả đơn vị đi thâu tóm và đơn vị được thâu tóm có thể chỉ là một (tính tới thời điểm 25/04/2016, 4 cổ đông lớn nhất của STG là CTCP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần, VIX, S99 và VVDIF, với tổng sở hữu gần 44%)./.
|