Thứ Bảy, 09/07/2016 11:46

"Nợ công của Việt Nam đang từng bước điều chỉnh theo hướng bền vững hơn"

Đó là khẳng định của ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khi trao đổi về vấn đề cơ cấu nợ công Việt Nam hiện nay. Ông cho biết thêm, nợ công là nguồn lực quan trọng để đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế- xã hội đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong giai đoạn vừa qua cũng như trong thời gian tới đây.

* Dư nợ của Chính phủ hơn 1.8 triệu tỷ đồng

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trao đổi về câu chuyện nợ công

Tỷ trọng nợ nước ngoài giảm từ 61% xuống còn 43%

Trả lời về cơ cấu nợ công Việt Nam hiện nay, ông Võ Hữu Hiển cho rằng nợ công trong thời gian gần đây được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng nợ công của một số nước châu Âu hiện nay.

Ở Việt Nam, cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ Chính phủ chiếm 80.8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17.8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1.4%.

Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015, như vậy là phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030.

Về kỳ hạn, với nợ trong nước, chủ yếu phát hành trái phiếu trong nước. Trước đây, do áp lực huy động vốn lớn trong khi thị trường vốn trong nước chưa phát triển, nguồn vay đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) chủ yếu là ngân hàng thương mại nên giai đoạn 2011-2013 buộc phải vay với kỳ hạn ngắn dẫn đến áp lực trả nợ trong ngắn hạn tăng lên. Thực hiện Nghị quyết số 78/2014/NQ-QH13 và Nghị quyết số 99/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo kéo dài thời hạn phát hành trái phiếu trong nước. Nhờ vậy, từ năm 2014, kỳ hạn đang ở mức 3 năm, đến năm 2015, kéo dài lên 4.4 năm và 6 tháng đầu năm 2016 thì kéo dài lên 5 năm góp phần giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn. Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm.

Về cơ cấu lãi suất, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn trong nước bình quân giảm từ mức 12%/năm vào năm 2011 xuống còn khoảng 6.5% vào năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015. Đối với nợ nước ngoài do các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân tính đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm.

Cơ cấu đồng tiền của danh mục nợ của Chính phủ tập trung vào một số đồng tiền chính bao gồm đồng Việt Nam với tỷ trọng 55%; USD 16%; Yên Nhật 13% và Euro khoảng 7%, còn lại là các đồng tiền khác.

Đánh giá về cơ cấu nợ công, ông Võ Hữu Hiển cho biết thêm, Bộ Tài chính đã phân tích về bền vững nợ công với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và có nhận định rằng cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.

Nợ công đang tăng nhanh lên 62.2% GDP

Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng khoảng 12.2% GDP, từ mức 50% vào năm 2011 lên 62.2% vào cuối năm 2015. So với mức tăng 9% GDP của giai đoạn 2006-2010 thì khá cao. Như vậy có thể thấy, cơ cấu nợ thì bền vững nhưng dư nợ công lại đang tăng nhanh.

Ông Hiển cho biết, vấn đề nợ công tăng nhanh, nguyên nhân trước tiên là áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2001-2005, đầu tư toàn xã hội bình quân là 39% GDP. Sang giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đạt 42.9%GDP. Trong 5 năm 2011-2015, mặc dù mức vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 32% GDP. Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư chỉ khoảng 25% GDP dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn vốn cho đầu tư, đồng nghĩa với việc phải đi vay. Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư, đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ… từ đó khiến quy mô nợ công tăng lên.

Xét trên khía cạnh khác, đó là bối cảnh kinh tế giai đoạn 2011-2015 không thuận lợi, đặc biệt là việc điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả giai đoạn từ mức bình quân 7-7.5%/năm xuống 6.5-7.0%/năm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tăng trưởng - cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ - thì giảm trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên do phải tăng cường nguồn lực để thúc đẩy, duy trì, ổn định phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên.

Ngoài ra, việc mất giá của đồng Việt Nam biến động khó lường của các đồng tiền vay khác như USD, JPY, CNY cũng làm quy mô nợ của Chính phủ tăng khi quy đổi sang đồng Việt Nam.

Về giải pháp để giảm áp lực và đảm bảo an toàn nợ công trong 5 năm tới đây, ông Hiển cho biết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch vay trả nợ công 2016-2020 tại kỳ họp tháng 3-2016 với nhiều giải pháp cụ thể. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình theo hướng:

Thứ nhất, phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới. Thứ hai, việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên. Thứ ba, kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đã được xác định, tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ, ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ. Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển. Thứ năm là cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia./.

Các tin tức khác

>   ‘Cơn bão’ giá ô tô nhập khẩu (09/07/2016)

>   Nhà đầu tư ngoại dùng “chiêu” né thuế? (08/07/2016)

>   Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu thu ngân sách 270 ngàn tỷ đồng trong 2016 (07/07/2016)

>   Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận về thông tư nhập khẩu xe ôtô (07/07/2016)

>   Tăng thanh tra thuế hoạt động chuyển nhượng vốn (06/07/2016)

>   Hà Nội công bố tiếp danh tính 144 đơn vị nợ thuế (06/07/2016)

>   Đề xuất dừng cấp bảo lãnh dự án mới từ năm 2017 để đảm bảo nợ công (05/07/2016)

>   SMN: Bị phạt hơn 81 triệu đồng do vi phạm hành chính và chậm nộp thuế (05/07/2016)

>   Tăng thuế chống bán phá giá thép không gỉ: Lợi thì có lợi nhưng... (05/07/2016)

>   Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ cho Trung ương là 13% và địa phương 23% (04/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật