Thứ Ba, 05/07/2016 11:17

Tăng thuế chống bán phá giá thép không gỉ: Lợi thì có lợi nhưng...

Đã hơn một tháng kể từ khi Bộ Công Thương tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia/vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc)...

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Biện pháp này được coi là hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước. Song nhiều doanh nghiệp lại cho rằng đây là gánh nặng cho các nhà sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng sẽ là đối tượng phải gánh chịu khi giá tăng.

Theo Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, từ 14/5, Việt Nam tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam.

Trước đó, tháng 9/2014, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ gồm Trung quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Nếu so với mức thuế chống bán phá giá được áp từ tháng 9/2014, chỉ duy nhất thuế chống bán phá giá thép không gỉ từ Malaysia giảm xuống, từ Đài Loan (Trung Quốc) giữ nguyên với mức thuế từ 13-37%, còn thuế chống bán phá giá thép không gỉ từ Trung Quốc tăng mạnh từ mức 4-7% lên 17,47-25,35%, Indonesia từ mức 3% lên 13,03%.

Qua khảo sát các cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng và thiết bị vệ sinh, nhà tắm... trên tuyến phố Cát Linh (Hà Nội) cho thấy mặc dù giá các mặt hàng chưa tăng mạnh ngay nhưng các chủ hàng đều nhận định, trong thời gian tới đây, khi lô hàng mới về, giá sản phẩm có thể sẽ tăng thêm từ 10-15% tùy loại.

Anh Trần Anh Tú, nhân viên kinh doanh tại cửa hàng đồ gia dụng và thiết bị vệ sinh ở Cát Linh (Hà Nội), cho biết nhiều mặt hàng vẫn là các đơn hàng cũ tại thời điểm chưa áp thuế tự vệ, nên giá vẫn được giữ nguyên. Nhưng với một số hàng mới về đợt tới, giá đầu vào tăng do bị áp thêm thuế nhập khẩu, theo đó một số mặt hàng khi bán ra sẽ tăng khoảng 10%.

Thời gian qua, giá thép nguyên liệu và sản xuất thép thế giới đã tăng mạnh vào thời điểm tháng 3-4 khi nhu cầu xây dựng trong nước tăng mạnh. Cùng với đó là quyết định Bộ Công Thương tăng thuế mới được ban hành khiến cho các sản phẩm trên thị trường cũng có xu hướng điều chỉnh tăng. Với tình hình thế giới và trong nước như hiện nay, rất có thể giá thép không gỉ sẽ tăng hơn nữa vào thời gian cuối năm.

Với xu hướng sẽ tăng mạnh của giá các nguyên vật liệu xây dựng như thép, inox..., anh Nguyễn Tuấn Vinh, phố Bạch Mai (Hà Nội) chuẩn bị xây nhà vào cuối năm nay cũng lo ngại, chi phí xây dựng công trình sẽ bị đội giá.

"Hiện nay, với công trình xây dựng và hoàn thiện nhà khoảng 500 triệu đồng, tôi ước tính sẽ mất thêm gần 100 triệu đồng nữa nếu cuối năm giá các sản phẩm thép tăng mạnh. Rất có thể gia đình sẽ cân nhắc để tiến hành làm sớm hơn dự định," anh Vinh nói.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp tục áp thuế này, thậm chí tăng mức thuế áp tạo ra những tác động tiêu cực, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hạ nguồn.

Ông Phạm Quốc Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Đại Dương, cho rằng mức thuế rất cao này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các công ty hạ nguồn sử dụng nguyên liệu thép không gỉ. Sau khi Bộ Công Thương tiếp tục áp thuế, giá các nguyên liệu và các sản phẩm từ thép không gỉ như ống, nồi, xoong, mâm, thau, bàn ghế, hàng gia dụng đã tăng từ 10-15% và người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ thép không gỉ cho biết việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đơn hàng từ trước. Các đơn hàng đã được ký kết, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất sẽ tăng giá do áp thuế. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp rất khó trong việc thương thảo lại hợp đồng và trong trường hợp phía đối tác không chấp thuận, doanh nghiệp vẫn phải tiến hành sản xuất, cung cấp sản phẩm theo đúng hợp đồng và việc bị lỗ là điều khó tránh khỏi.

Cùng quan điểm trên, ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, nhận định khi mức thuế điều chỉnh tăng thì cơ hội nhập khẩu nguyên liệu của doanh nghiệp sẽ bị co hẹp và có nguy cơ độc quyền bán ở trong nước. Điều này có thể dẫn đến mức giá nguyên liệu, giá bán hàng hóa tăng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Kiến nghị về vấn đề này, ông Phạm Quốc Vũ cho rằng Bộ Công Thương cần phải rà soát để đồng bộ mức thuế phù hợp cho ngành thép không gỉ. Theo như hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nguyên liệu đến các sản phẩm thành phẩm làm từ thép không gỉ. Nếu mức thuế từ 17,47-25,35% như trên thì vô hình chung sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ nguồn nguyên liệu này gặp khó ngay trong nước.

Để tránh sự độc quyền khi thuế chống bán phá giá tăng cao, ông Đàm Quang Hùng cho rằng các cơ quan chức năng cần rà soát kỹ lưỡng các số liệu về sản lượng mà các đơn vị sản xuất trong nước đáp ứng được cũng như có kế hoạch giám sát giá bán của các đơn vị sản xuất trong nước tránh độc quyền, làm sao cân bằng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp sản xuất đầu nguồn và hạ nguồn.

Về phía Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội cũng nhận định thực tế trong thời gian vừa qua, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ đã bảo vệ được một phần sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp thương mại, sản xuất hạ nguồn có ý kiến phản hồi khó khăn, Hiệp hội sẽ phản ánh lên các cơ quan Nhà nước xem xét.

"Tinh thần của Hiệp hội là ủng hộ bảo vệ sản xuất trong nước. Trong phòng vệ thương mại, nếu bảo vệ được lợi ích của nhóm doanh nghiệp này thì nhóm doanh nghiệp khác sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, ngoài việc các doanh nghiệp phải nâng cao cạnh tranh về chất lượng, giá bán và quản trị thì cũng cần biết điều chỉnh, hợp tác với nhau trong chuỗi phân phối trong nước để cùng có lợi," Chủ tịch Hiệp hội Thép khuyến cáo./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Hoàn tất điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài (29/06/2016)

>   Ngành thép Đông Nam Á nỗ lực thoát khỏi sức ép của Trung Quốc (24/06/2016)

>   Tạm dừng khai thác ti tan ở Bình Thuận do vỡ bờ moong hồ chứa nước (17/06/2016)

>   Cổ phiếu MTM đi đứt 80% giá trị sau 1 tháng lên sàn chứng khoán (15/06/2016)

>   Tiêu thụ thép tiếp tục giảm (12/06/2016)

>   Các doanh nghiệp sản xuất thép mạ mầu đệ đơn kêu cứu (11/06/2016)

>   Thép Tiến Lên: 5 tháng lãi ròng gần 213 tỷ, đạt 73% kế hoạch (10/06/2016)

>   Ống thép cuộn cacbon Việt Nam bị Mỹ áp mức thuế 113.18% (08/06/2016)

>   Doanh nghiệp Việt yêu cầu đánh thuế đối với một số sản phẩm tôn nhập khẩu (08/06/2016)

>   Kiên quyết nói "không" với dự án thép 3 tỷ USD (28/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật