Nhịp đập thị trường 04/07: VN-Index lên mức cao nhất trong 8 năm
Lực cầu duy trì tốt cho đến cuối phiên giúp 3 chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đồng loạt tăng giá rất mạnh khi hàng loạt cổ phiếu kết phiên ở mức giá kịch trần như SSI, HCM, VND, SHS và VIX.
Chung cuộc, VN-Index tăng mạnh 1.18%, lên đứng tại 647.96 điểm, thiết lập kỷ lục cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 3/2008. HNX-Index và Upcom-Index cũng khép lại phiên đầu tuần ở mức cao khi lần lượt tăng 0.77% và 0.44%.
Tổng khối lượng giao dịch toàn Thị trường đạt 200.86 triệu đơn vị, giá trị mua bán đạt 4,007 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 6 phiên gần đây.
14h: Dòng tiền tìm đến cổ phiếu đầu cơ
Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch từ các cổ phiếu lớn sang nhóm các cổ phiếu có thị giá thấp hơn, chính vì vậy, mặc dù chỉ số tăng thêm không đáng kể nhưng số lượng cổ phiếu tăng giá lại đông đảo hơn rất nhiều so với phiên sáng.
Hàng loạt cổ phiếu thị giá thấp bật tăng mạnh từ đầu phiên chiều như FLC, HHS, SHI, SHA, VIP, … trong khi đó, ở chiều ngược lại, HPG đang bị bán ra rất mạnh, kéo tụt giá về lại tham chiếu.
Đã có gần 3,000 tỷ đồng được đổ vào thị trường, chính diễn biến VN-Index vượt qua và duy trì trên mức kháng cự dài hạn là 640 điểm đã tạo them tự tin cho hoạt động giải ngân của nhà đầu tư ngắn hạn.
Phiên sáng: VN-Index vượt mốc 645
Cuối phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index bật tăng lên mức cao nhất từ đầu phiên là 645.43 điểm, tương đương mức tăng 0.79%. HNX-Index cũng ghi nhận mức điểm cao mới sau khi có thêm 0.87% vào giá trị.
Trong danh mục VN30, chỉ 4 cổ phiếu hiện đang giảm giá là HAG, NT2, PVT đều giảm nhẹ 100 đ/cp, trong khi SBT giảm mạnh nhất cũng chỉ xáp xỉ 1.28% (-400 đ/cp).
Thanh khoản có sự cải thiện với hơn 1,866 tỷ đồng giá trị giao dịch. Cổ phiếu FLC đã vượt qua VHG trở thành mã dẫn đầu về KLGD khi có trên 8.4 triệu đơn vị được sang tay, về giá trị giao dịch, HSG là mã có mức giao dịch lớn nhất khi 84.5 tỷ đồng đã đổi chủ ở cổ phiếu này.
10h30: Nhóm Chứng khoán tích cực
Thị trường duy trì diễn biến giao dịch tích cực, UPCoM-Index cũng đã tăng điểm (0.32%) sau khi khởi đầu chậm chạp, trong khi đó, 2 chỉ số chính đang củng cố hơn nữa vị thế đạt được từ đầu phiên.
Tại thời điểm 10h20, giá trị giao dịch ở mức trung bình khi toàn sàn có hơn 1,106 tỷ đồng, tương đương với 63.3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trước đó, Thông tư 203 chính thức có hiệu lực đang được xem là cơ sở để kỳ vọng vào sự cải thiện đáng kể về mặt thanh khoản. Tuy nhiên, khả năng này sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng bởi hiện tại, mới chỉ có một vài CTCK cho phép nhà đầu tư đặt lệnh Mua/Bán đồng thời một mã chứng khoán từ 01/07 là MBS và VND.
Mặc dù vậy, giao dịch ở nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đang cho tín hiệu khả quan khi SSI, VND tăng nhẹ, HCM bật mạnh 3.65% trong khi AGR tăng giá kịch trần.
Mở cửa: Tiếp tục bay cao
Thị trường mở cửa khá tích cực với lực cầu trên tham chiếu liên tục được đẩy vào các cổ phiếu đang có câu chuyện hấp dẫn như SWC, HUT hay nhóm cổ phiếu ngành Thép.
Các chỉ số cũng vì vậy có sự khởi đầu thuận lợi khi VN-Index tăng 0.52%, lên mức 643.64 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0.09% trong khi Upcom-Index tạm thời giảm nhẹ.
VHG, DLG, KBC đang là các cổ phiếu dẫn đầu sàn HSX về khối lượng giao dịch với tên 1 triệu đơn vị. Tại Hà Nội, VCG, HUT, KSK cũng hiện có mức giao dịch sôi động nhất.
Trước giờ giao dịch
VN-Index đóng cửa tuần tăng mạnh 19.53 điểm, tương đương 3.15% tiếp cận mức điểm cao nhất trong vòng 2 năm qua là 644 điểm (thiết lập ngày 03.09.2014).
Ở khía cạnh giao dịch, thanh khoản trị trường đạt trung bình 3,087 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh 19.28% so với tuần trước, mặc dù vậy, mức giá trị giao dịch này cũng đã ghi nhận tuần thứ 4 liên tiếp, GTGD đạt trên 3,000 tỷ đồng/phiên.
Khối NĐT nước ngoài tiếp tục có tuần mua nhiều hơn bán với giá trị giải ngân ròng đạt 294 tỷ đồng, tập trung ở các cổ phiếu BĐS như (SCR, DXG) hay Chứng khoán (VIX, SSI, VND). Ở chiều ngược lại, VNM gây bất ngờ khi nằm trong nhóm bị bán ròng mạnh nhất bất chấp thông tin nới hoàn toàn room ngoại được phát đi trong tuần.
Thị trường tăng mạnh là diễn biến không nhiều người nghĩ đến sau sự kiện Anh rời EU, rất có thể, tâm lý lo lắng đã được đẩy lên thái quá tuy nhiên, cần lưu ý, các tác động của Brexit vẫn chưa được đánh giá chính xác, mọi thứ đều có thể xảy ra và thận trọng vẫn là điều cần thiết để hạn chế rủi ro. Việc giải ngân chỉ nên tập trung ở các cổ phiếu có tín hiệu đáng tin cậy, có sức mạnh tương đối so với toàn thị trường.
|