Thứ Năm, 28/07/2016 10:21

Khi những “quả đấm” không còn... thép

Không phủ nhận vị trí đầu tàu và đóng góp cho nền kinh tế của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong những năm qua. Nhưng thay vì củng cố sức mạnh và trở thành bệ đỡ cho các thành phần kinh tế khác, nhiều DNNN đang teo tóp.

* Kiểm toán nêu bức tranh tài chính 38 tập đoàn, tổng công ty

Công ty mẹ COMA hiện có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu.

Bài 1: Nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố số liệu liên quan tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 tại 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước (tổng cộng 234 doanh nghiệp). Mổ xẻ hoạt động của các DNNN này cho thấy, nhiều đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ nặng, thậm chí âm vốn chủ sở hữu tới vài chục cho đến cả trăm lần.

Lỗ khủng khiếp

Trong một lần trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (khi đó là Trưởng Ban kinh tế Trung ương) từng chia sẻ bản thân ông luôn đánh giá cao vai trò đầu tàu kinh tế của khối DNNN; đặc biệt là những tập đoàn, tổng công ty năng động, biết làm ăn kinh doanh hiệu quả trong thời kỳ đổi mới. Đó là những gương sáng: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, ông Huệ cũng lưu ý không phải tất cả DNNN đều hoạt động hiệu quả.

Trở lại kết quả mới đây, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính, các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại 234 DN thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2014 cho thấy, có 33/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh có lãi. Trong đó đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với lợi nhuận sau thuế năm 2014 hơn 43.800 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC 5.289 tỷ đồng, Mobifone gần 5.100 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 4.400 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hơn 2.500 tỷ đồng…

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng. Riêng con số này đã gấp nhiều lần số lỗ của 4 đơn vị khác cộng lại. Ngoài ra, còn các đơn vị khác lỗ như Tổng công ty 15 là 471 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 131 tỷ đồng... 33 doanh nghiệp còn lại có lãi và bảo toàn được vốn.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng... dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ đã phải bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho các doanh nghiệp thuộc khối này.

Nợ khó đòi vô số kể

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những bất cập khác của các tập đoàn, tổng công ty trong sử dụng vốn kém hiệu quả. Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt, dẫn đến thất thu, quá hạn, nợ khó đòi. Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng chưa đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi...

Theo Báo cáo Kiểm toán, dẫn đầu trong số doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)... Công ty mẹ COMA có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu...

Đơn cử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoản nợ khó đòi lên tới hơn 376 tỷ đồng (chiếm 25,7%), Văn phòng Tổng công ty Vinataba, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, COMA 18, COMAEL,... có số nợ khó đòi lên tới vài chục tỷ đồng mỗi đơn vị. Mobifone có khoản nợ khó đòi 312 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng 65,8 tỷ đồng, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia 53,8 tỷ đồng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc 49,8 tỷ đồng. Bên cạnh một số đơn vị đầu tư tài chính có hiệu quả, nhiều nơi vẫn góp vốn vào doanh nghiệp có tình trạng tài chính xấu, nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể như Vận tải Viễn dương Vinashin, Vận tải Biển Đông, Vận tải Biển Bắc, Vận tải Dầu khí Việt Nam, Xi măng Hạ Long...

Điểm danh một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, tại Vinalines, 51 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp. Còn tại Tập đoàn Dầu khí, khoản đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank nay đã mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông (Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng). Hay như Tổng công ty Dầu Việt Nam, năm 2014 cũng phải trích lập dự phòng 1.915 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...

Nhận xét về hiệu quả hoạt động của khối DNNN, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn: DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. “Đây là một con số vô cùng khiêm tốn, chúng ta cần suy ngẫm”, ông Hải nói./.

tiền phong

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nhập xe Trung Quốc vào Việt Nam bị tố trốn thuế (28/07/2016)

>   Đàm phán thêm việc vay Trung Quốc làm đường cao tốc (28/07/2016)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 7.2%, riêng khai khoáng giảm 2.7% (28/07/2016)

>   Hàng không bứt phá, đường sắt tụt lại (27/07/2016)

>   Hai Công ty bán hàng đa cấp bị xử phạt gần 1 tỷ đồng (27/07/2016)

>   Hai bệnh viện ở TP.HCM sai phạm tài chính hàng trăm tỉ  (27/07/2016)

>   Nhà nước tham gia tối đa 40% vốn đầu tư cao tốc (27/07/2016)

>   Viễn cảnh “siêu ủy ban” quản vốn Nhà nước, nhìn từ trường hợp SCIC (27/07/2016)

>   Xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm nhẹ (27/07/2016)

>   Thực chất việc Chính phủ ‘thúc’ đầu tư công (27/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật