Viễn cảnh “siêu ủy ban” quản vốn Nhà nước, nhìn từ trường hợp SCIC
Một khối lượng công việc khổng lồ cùng yêu cầu, thử thách lớn đặt ra với “siêu ủy ban”...
Chính phủ đang lên kế hoạch thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Với quy mô quản lý hàng triệu tỷ đồng, mô hình này được xem là một “siêu ủy ban” mới dự kiến có tại Việt Nam.
Nếu nhìn từ mô hình và cách làm của SCIC, “siêu ủy ban” sẽ phải chen vào từng doanh nghiệp, xác định lại giá trị phần vốn Nhà nước, rà soát lại hoạt động kinh doanh, nếu cần sẽ phải trực tiếp tái cơ cấu, tìm cách để nâng cao giá trị phần vốn mình đại diện và quản lý, để bán được giá tốt hoặc sử dụng được hiệu quả hơn.
|
Có tới 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nằm trong danh sách sẽ chuyển giao, tạo nên tầm vóc “khủng” của ủy ban này khi thành lập. Còn những doanh nghiệp nhỏ, với những thông tin thảo luận gần đây, dường như ít được chú ý.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ có vốn Nhà nước đang trải rộng trên toàn quốc. Nếu ra đời, “siêu ủy ban” có quản lý, giảm sát được quy mô số lượng lớn này không, cả yêu cầu nâng cao giá trị vốn tại đây?
Vì thực tế có những trường hợp, sau khi được định vị đúng, tái cơ cấu thì giá trị đó lớn lên gấp bội, chứ không hẳn cứ là tầm vóc của các tập đoàn, tổng công ty.
Những “hạt tiêu nhỏ”
Đầu năm 2010, Thanh Hóa thực hiện phương án sáp xếp đổi mới Nông trường Hà Trung để thành lập Công ty TNHH Nông - Công nghiệp Hà Trung. Phần vốn Nhà nước bàn giao tại đây, được xác định đầu 2011 chỉ gần 6,9 tỷ đồng. Đổi mới nhưng chưa xong. Sau khi phần vốn này bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tình hình lại khác.
Báo cáo của SCIC cho biết, trong một thời gian, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này có dấu hiệu chìm đi; các thành viên ngoài Nhà nước tham gia liên doanh không góp vốn, thậm chí còn vay vốn của nông trường; người đại diện vốn Nhà nước không thực hiện trách nhiệm đại diện, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay cho các thành viên khác góp vốn…
Mất hơn hai năm rà soát, chấn chỉnh, SCIC mới đánh giá và xác định lại được đúng giá trị vốn của Nhà nước bị chìm trong một mớ phức tạp tại đây, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, vốn thực của Nhà nước tại Công ty TNHH Nông - Công nghiệp Hà Trung là gần 10,5 tỷ đồng, tức tăng tới 51,6% so với việc xác định và chuyển giao trước đây.
Ở một ví dụ khác, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tưởng như rất nhỏ, như bị bỏ bê, song nếu được nhận diện đúng, quản lý và sử dụng đúng trách nhiệm, đúng định hướng thì giá trị thực của nó lên tới hàng chục lần.
Như tại Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn, vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chỉ 4,5 tỷ, chiếm 55,63%. Nhiều năm qua công ty chủ yếu chỉ dựa vào khai thác lợi thế đất cho thuê, các điểm tự doanh yếu kém. Đến khi vốn Nhà nước được chuyển giao SCIC quản lý và đại diện, quá trình tái cơ cấu triển khai, kết quả kinh doanh mới thực sự thay đổi rõ rệt.
Sau tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh ổn định, giá trị thực của vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn được định hình rõ qua kết quả bán đấu giá, lên tới 336.600 đồng/cổ phần, gấp tới 4,7 lần giá khởi điểm, vốn Nhà nước thu về tới 151,63 tỷ đồng, gấp gần 34 lần giá trị sổ sách…
So với các “ông lớn” tập đoàn và các tổng công ty, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp như trên rất nhỏ. Nhưng là “bé hạt tiêu”. Vì nó “cay” trong phản ánh một thực tế vốn Nhà nước bị bỏ bê, có thể thất thoát lớn nếu không giám sát chặt chẽ, không được sử dụng hiệu quả, và ngược lại.
Trăm hay nhìn từ tay quen
Trong kế hoạch lập “siêu ủy ban” nói trên, ngoài giám sát và quản lý, thoái vốn Nhà nước là một hoạt động liên quan; tại nhiều doanh nghiệp, thoái vốn là bước cuối cùng. Làm sao thoái vốn hiệu quả, thể hiện ở giá trị thu về cho Nhà nước, hoặc hạn chế thất thoát qua thoái vốn, cũng là yêu cầu và kỳ vọng ở mô hình dự kiến này.
Bước đầu đang là một ý tưởng, có thể hay với mô hình của một “siêu ủy ban” chuyên trách và tầm cỡ. Còn thực tế quá trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đang gắn với đầu mối là các bộ, địa phương và SCIC.
Một thống kê cho thấy, kết quả thoái vốn SCIC trong thời gian qua bình quân thu được 2,9 lần giá gốc, trong khi các bộ và địa phương chỉ được khoảng 1,5 lần.
Điểm chung, giá trị vốn Nhà nước thực tế cao hơn trên sổ sách, trong nhiều trường hợp do gắn với lợi thế đất đai, tài nguyên… Theo đó, quy mô mà “siêu ủy ban” trên, nếu được thành lập để quản lý và giám sát, sẽ lớn hơn các con số hàng triệu tỷ đồng tính trên sổ sách.
Điểm riêng, “siêu ủy ban” có thể tạo được giá trị thu về bình quân cao hơn các bộ, địa phương đã làm, hay cao hơn mức 2,9 lần của SCIC hay không.
Mức bình quân của SCIC sẽ là một tham chiếu. Vì, cho đến nay đây vẫn là mô hình chuyên nghiệp, chuyên trách nhất của Việt Nam trong thực hiện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tổng công ty này đã có 10 năm kinh nghiệm thoái vốn, đã thực hiện bán tại gần 1.000 doanh nghiệp, mà không phải tất cả đều có lợi thế đất đai, tài nguyên, hay lợi thế thương mại riêng nào đó.
Nếu nhìn từ mô hình và cách làm của SCIC, “siêu ủy ban” sẽ phải chen vào từng doanh nghiệp, xác định lại giá trị phần vốn Nhà nước, rà soát lại hoạt động kinh doanh, nếu cần sẽ phải trực tiếp tái cơ cấu, tìm cách để nâng cao giá trị phần vốn mình đại diện và quản lý, để bán được giá tốt hoặc sử dụng được hiệu quả hơn.
“Siêu ủy ban” cũng phải thiết lập được mạng lưới quan hệ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trường hợp thoái vốn; thiết lập thêm các đối tác, bạn hàng trong trường hợp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là yêu cầu tạo được hỗ trợ thiết thực và cụ thể cho các doanh nghiệp có phần vốn Nhà nước mà ủy ban quản lý, như cách mà SCIC đang làm, thậm chí cử người trực tiếp tham gia quản trị điều hành…, chứ không chỉ quản lý và giám sát đơn thuần.
Ở một hướng khác, ủy ban này có thể sẽ còn phải đối diện với thử thách tại những doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, va chạm về lợi ích và sở hữu. Hoạt động của SCIC cũng đã cho thấy nhiều thực tế va chạm dạng này.
Với những yêu cầu và so sánh đó, một khối lượng công việc khổng lồ cùng yêu cầu, thử thách lớn đặt ra với “siêu ủy ban” - mô hình đang được nghiên cứu xây dựng, cũng như đang thu hút nhiều ý kiến và góc nhìn khác nhau.
Minh Đức
vneconomy
|