Giới nhà giàu châu Á đang đổ tiền vào đâu?
Các cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn (HNWI) tại châu Á đang rút tiền khỏi kênh đầu tư từng theo đuổi trong một thời gian khá lâu là bất động sản, và bán tháo cổ phiếu trong nước để mua vào cổ phiếu nước ngoài, CNBC cho biết dựa trên kết quả một cuộc khảo sát mới.
Theo đó, tỷ trọng bất động sản trong danh mục của những người giàu có tại châu Á đã giảm xuống còn 32.2%, thấp hơn so mức 40% cách đây một năm, cuộc khảo sát gần đây nhất của East & Partners Asia cho thấy.
Thông thường, bất động sản chiếm một tỷ trọng khá lớn trong danh mục của nhiều nhà đầu tư tại châu Á.
Theo một báo cáo năm 2014 của HSBC, gần 40% người giàu tại châu Á đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài, trong khi báo cáo năm 2015 của CBRE cho biết đầu tư vào bất động sản nước ngoài của người Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng bùng nổ trong 2 năm trước đó, với tổng giá trị giao dịch bất động sản thương mại tăng vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2014 từ mức 2 tỷ USD năm 2009.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy làn sóng dịch chuyển khỏi bất động sản của giới nhà giàu châu Á đi kèm với sự gia tăng của tỷ lệ phân bổ vào các tài sản thay thế. Theo đó, tỷ trọng của các tài sản thay thế đã tăng lên bình quân 15.1% tổng danh mục, từ mức 8% cách đây 3 năm.
East & Partners Asia nhận thấy xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn với dự báo nhà đầu tư có thể tiếp tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ các tài sản thay thế lên 15.8% trong năm tới, một báo cáo đi kèm với kết quả khảo sát cho thấy.
Ngoài ra, cuộc khảo sát còn cho thấy những người giàu có tại châu Á cũng nhắm đến các khoản đầu tư khác, khi hạ thấp tỷ lệ cổ phiếu trong nước và chuyển dòng tiền sang các cổ phiếu nước ngoài.
Đồng thời, giới nhà giàu châu Á ít tin tưởng hơn vào phán đoán của mình, khi chuyển từ việc quản lý tài sản của riêng mình sang tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn tài chính và chuyên viên ngân hàng đầu tư.
Được biết, cách đây 3 năm, gần 70% người giàu châu Á quản lý tài sản của chính mình, nhưng các kết quả gần đây cho thấy tỷ lệ này đã giảm xuống còn chưa tới một nửa. Trong khi đó, tỷ lệ những người cần đến các cố vấn tài chính đã tăng lên 10.6% trong tháng 5, cao hơn so mức 3.8% cách đây 3 năm.
East & Partners Asia là một tổ chức nghiên cứu thị trường, chuyên về nợ, trái phiếu kho bạc và các dịch vụ ngân hàng. Trong cuộc khảo sát này, East & Partners Asia đã phỏng vấn các quan chức điều hành từ 100 doanh nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan và Hàn Quốc. Độ tuổi trung bình của những người tham gia cuộc khảo sát là 46./.
|