Vì sao Warren Buffett sẽ không đầu tư vào xe hơi tự hành?
Xe hơi không người lái sẽ trở thành ngành công nghiệp tiếp theo đạt được tốc độ tăng trưởng bùng nổ. Những “ông lớn” công nghệ như Tesla, Uber, và Alphabet cũng như các nhà sản xuất xe hơi truyền thống đều đã chạy đua phát triển những chiếc xe không người lái khá thành công, được các chuyên gia cho rằng có thể trở nên phổ biến vào năm 2020.
Đó là một cơ hội khổng lồ. Một chiếc xe như thế không những có thể cứu hàng ngàn tính mạng mỗi năm bằng cách phòng ngừa tai nạn, mà sẽ còn thay đổi cách đi lại của con người và hàng hóa, giúp hạ thấp chi phí bằng cách loại bỏ nhu cầu cần phải có tài xế, và có thể thay đổi những chuyến đi làm xa đáng sợ mỗi ngày của giới văn phòng. Tuy nhiên, ít nhất là sẽ có một tỷ phú lừng danh đứng ngoài cuộc cách mạng này.
Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway, nổi tiếng là trước giờ vẫn luôn từ chối đầu tư vào các công ty công nghệ, nhưng lời giải thích của ông thường bị hiểu lầm. Ông tránh những công nghệ mới xuất hiện không phải vì ông không hiểu chúng, như mọi người vẫn thường nghĩ, mà là vì ông cho rằng khó mà tiên đoán được người chiến thắng trong những thị trường như thế.
Vào năm 1999, khi sự bùng nổ của các công ty dot-com đạt đến đỉnh điểm, Buffett bị chỉ trích vì đã từ chối đầu tư vào một làn sóng cổ phiếu internet mới, nhưng lời giải thích trên là một sự bảo vệ xuất sắc cho chiến lược của ông và là khẳng định mang tính tiên tri về một vụ vỡ bong bóng ngay sau đó.
Trong một bài báo trên Tạp chí Fortune, ông đã so sánh đợt bùng nổ internet với những đợt bùng nổ trong hai ngành công nghiệp khác làm thay đổi thế giới vào đầu thế kỷ 20, đó là ngành công nghiệp xe hơi và máy bay. Buffett chỉ ra rằng đã có khoảng 2,000 nhà sản xuất xe hơi ở Mỹ, hầu hết trong số đó đều hoạt động ngay từ lúc thời đại xe hơi mới bắt đầu, nhưng chỉ có 3 nhà sản xuất lớn của thành phố Detroit là sống sót. Tương tự, trong ngành máy bay đã có khoảng 300 nhà sản xuất từ năm 1919 đến năm 1939, nhưng hiện chỉ còn một ít là tồn tại cho đến ngày nay.
Buffett đã tóm tắt bài học và triết lý đầu tư của mình như sau:
Chìa khóa đầu tư không phải là đánh giá một ngành nào đó sẽ ảnh hưởng nhiều như thế nào đến xã hội hay nó sẽ tăng trưởng bao nhiêu mà là xác định lợi thế cạnh tranh của công ty mình đang xem xét và trên tất cả là tính bền vững của lợi thế đó. Các sản phẩm hay dịch vụ có lợi thế cạnh tranh bền vững xung quanh chính là những điều sẽ mang lại phần thưởng cho nhà đầu tư.
Quả thật, nếu nhìn lại thì rõ ràng là Buffet đã nói đúng về kỷ nguyên dot-com. Chỉ một ít cổ phiếu sống sót sau đợt vỡ bong bong và tiếp tục tăng trưởng, và mặc dù có thể bạn đã kiếm được bộn tiền nhờ đặt cược vào Amazon.com hay hay priceline.com, nhưng nhiều công ty khác như Pets.com và Webvan đã phải đóng cửa. Tương tự, mặc dù smartphone đã mang lại cả một gia tài cho các nhà đầu tư Apple, nhưng nó cũng dẫn tới sự “ra đi” của Blackberry, Nokia và nhiều công ty khác.
Sự nhìn lại của Buffett vào những ngành công nghiệp mới nổi trước đây đang nói lên tất cả: Chỉ công nghệ sáng tạo thôi là không đủ để cung cấp một cơ hội đầu tư như mọi người vẫn nghĩ.
Sự ưu ái của Buffet dành cho những công ty ổn định, có lợi thế cạnh tranh đối với các cổ phiếu tăng trưởng và start-up công nghệ đã mang lại lợi nhuận “khủng” cho Berkshire, và giúp cho hàng ngàn nhà đầu tư giàu lên cùng với ông. Những công ty tài chính như Wells Fargo và các doanh nghiệp hàng tiêu dùng như Coca-Cola là những ví dụ điển hình cho chiến lược của ông. Một ngân hàng lớn và một công ty có tầm phân phối rộng và danh mục thương hiệu của nhà sản xuất thức uống hàng đầu sẽ rất khó bị truất ngôi. Tỷ lệ tăng trưởng của họ có thể không bằng với những công ty non trẻ hơn ở các thị trường mới nổi, nhưng Buffett hiện đang tập trung vào tính bền vững của lợi thế cạnh tranh. Trong ngành công nghiệp xe hơi không người lái, đơn giản là có quá nhiều “biến số” đang tham gia cuộc chơi cho một nhà đầu tư như Buffett đưa ra một sự đặt cược thông minh. Điều đó không có nghĩa là không có cơ hội, nhưng có thể có nhiều rủi ro hơn bạn nghĩ./.
|