Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng thờ ơ!
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất cần vốn để mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh nhưng phần lớn không tiếp cận được tín dụng ngân hàng.
Bên lề hội thảo về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tại TPHCM ngày 18-7, ông Thế Lãm William, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Toàn cầu, cho biết 16 năm tham gia xuất khẩu nông sản nhưng chưa bao giờ công ty của ông vay được vốn ngân hàng (NH).
Thiếu vốn làm sao mở rộng quy mô!
“Rất nhiều lần gõ cửa NH thương mại từ quốc doanh tới cổ phần, nhân viên tín dụng đều hỏi có tài sản thế chấp không? Khi biết tài sản thế chấp là đất nông nghiệp không đủ điều kiện, không NH nào mặn mà dù hoạt động kinh doanh những năm qua của chúng tôi rất tốt” - ông Lãm bộc bạch.
Về nghịch lý này, ông Lãm giải thích do công ty của ông có trụ sở tại TPHCM nhưng mấy trăm hecta trồng thanh long lại ở Long An nên không NH nào ở TP đồng ý thẩm định cho vay. Cũng vì không vay được vốn nên nhiều lần ông định mở rộng quy mô xuất khẩu đều bất thành. Theo vị giám đốc này, các chuỗi siêu thị lớn của nước ngoài như Tesco (Anh) đồng ý nhập khẩu, phân phối thanh long của Việt Nam nhưng từ khi xuất hàng, đưa vào chuỗi phân phối, bán ra thị trường phải mất khoảng 3 tháng mới thu được tiền. “Để mở rộng xuất khẩu, phải được NH tài trợ vốn, chứ chúng tôi sao có nổi hàng chục tỉ đồng” - ông Lãm nói.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phát triển do thiếu vốn Ảnh: Tấn Thạnh
|
Mỗi lần tính chuyện mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty May quần áo trẻ em Minh Long Hưng, đều phải tìm vốn từ người thân. Trước đó, nhiều lần, vị giám đốc DN này tìm đến NH nhưng không vay được vốn vì không có bất động sản để thế chấp. Các loại tài sản khác như máy móc, nhà xưởng, hàng tồn kho hay khoản phải thu... đều không được NH chấp nhận. “DN sản xuất không tiếp cận được vốn thì làm sao giải được bài toán đổi mới công nghệ để nâng sức cạnh tranh khi hội nhập” - ông Lý Thành Sinh bức xúc.
TS Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB DN Tam Nông thuộc Hiệp hội DN TPHCM, cho biết ở quy mô nhỏ, DN có thể đủ vốn hoạt động nhưng khi phát triển mạnh hơn với nhiều đơn hàng thì bị thiếu vốn lưu động, vốn cho đầu tư... Khảo sát khoảng 50 DN phía Nam của CLB, có tới 42 DN rất cần vốn lưu động nhưng biết tìm đâu ra.
Lãi suất vay cao hơn lợi nhuận
Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo có đề cập nội dung khuyến khích NH thương mại cho DN nhỏ và vừa vay vốn. Cụ thể, NH Nhà nước khuyến khích các NH thương mại tăng tỉ lệ dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa lên mức tối thiểu 30% tổng dư nợ, cho vay với lãi suất ưu đãi... sẽ được hưởng các hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Có điều, không chỉ khó tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng (Báo Người Lao Động đã phản ánh), các DN nhỏ và vừa cũng không có nhiều cửa vay vốn NH, kể cả thông qua hình thức cho vay tín chấp, dù được Chính phủ và NH Nhà nước khuyến khích.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TPHCM lý giải vì sao NH không mặn mà cho vay tín chấp bởi ngoài rủi ro tín dụng và nợ xấu tăng, khi để mất vốn, NH còn bị quy trách nhiệm cá nhân, thậm chí xử lý hình sự. Đối với DN, khi không có tài sản thế chấp (tín chấp) thì phải có phương án bảo đảm khả năng thu nợ từ các khoản phải thu, điều kiện tài chính của DN... Tuy nhiên, DN nhỏ và vừa rất khó chứng minh những điều kiện bảo đảm này do hệ thống quản trị, tài chính chưa rõ ràng.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, nông nghiệp có lợi nhuận xếp sau các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, thời gian thu hồi vốn trong nông nghiệp cũng dài hơn. Trong khi lãi suất bình quân hiện nay khoảng 8,5%/năm cũng không khiến DN nông nghiệp mạnh dám vay vốn NH, chưa kể lợi nhuận đầu tư trong thời gian đầu có thể không đủ trả lãi vay.
Nên nhìn vào khả năng tài chính
Tại hội thảo khả năng tiếp cận tín dụng của DN nhỏ và vừa, ông Jinchang Lai, bộ phận phát triển thị trường và thị trường tài chính của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), cho rằng ngay cả những DN vay lần đầu cũng sẽ có dòng tiền ra vào trong quá trình hoạt động nên phải xem xét khả năng này chứ không nên chỉ tập trung vào tài sản thế chấp là bất động sản. Chưa kể nhiều NH thấy lợi nhuận của DN làm ra không đủ trả nợ thì không có vay, trong khi trên thế giới rất nhiều thương hiệu không hề có lãi vẫn vay được rất nhiều tiền vì NH nhìn vào khả năng tài chính. “Ở nhiều nước, tài sản thế chấp không phải câu đầu tiên NH hỏi khách hàng vay vốn mà họ quan tâm đến tất cả hoạt động của DN, làm sao kiểm soát được dòng tiền và biết DN đang làm gì. Nhận đống bất động sản nhưng không biết DN đang hoạt động ra sao cũng không ổn” - ông Jinchang Lai phân tích./.
|
người lao động
|