Đầu tư ra nước ngoài tác động đến ngân sách thế nào?
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhiều dự án đầu tư không hoặc khó thu hồi vốn...
Cơ quan thẩm tra đánh giá, số thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 94,5% so với cùng kỳ năm 2015 là chưa hợp lý.
|
Đầu tư ra nước ngoài tác động đến ngân sách thế nào? Vấn đề này đã được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ khi thẩm tra về tình hình ngân sách 6 tháng đầu năm 2016.
Nhiều dự án đầu tư không hoặc khó thu hồi vốn
Báo cáo về nội dung này vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khoá 14.
Tại báo cáo, cơ quan thẩm tra đã nêu nhiều yếu tố không thuận lợi đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu chi ngân sách, trong đó có việc Formosa gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.
Bên cạnh đó việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội chậm, nhất là việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản... tác động làm tăng chi ngân sách.
Nhận xét kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm với 476 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán của cơ quan thẩm tra là "cũng có nhiều mặt đạt khá".
Riêng về thu nội địa, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong khi thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015 và thu từ khu vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2015 thì số thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 94,5% so với cùng kỳ năm 2015 là chưa hợp lý.
Ngoài nguyên nhân do giá dầu, khí giảm mạnh, thu cổ tức từ doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, theo cơ quan thẩm tra thì còn có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý nhưng chưa được đề cập trong báo cáo của Chính phủ.
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, đầu tư ra nước ngoài của một số doanh nghiệp có số vốn gia tăng, trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều dự án đầu tư không hoặc khó thu hồi vốn.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ kết quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, nhất là của các doanh nghiệp Nhà nước và tác động của hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài đến tăng trưởng GDP trong nước và số thu ngân sách.
Chi đầu tư phát triển đạt thấp
Liên quan đến chi ngân sách, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 6 tháng đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 32,2% so với dự toán, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015 là thấp.
Chính phủ đã nêu nhiều nguyên nhân, song cơ quan thẩm tra chỉ rõ thêm một số nguyên nhân qua giám sát.
Cụ thể, một số quy định trong Luật Đầu tư công chưa phù hợp với thực tiễn như: một số quy định về quy trình thẩm định nguồn vốn chưa hợp lý dẫn đến phát sinh thêm về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Hay, việc cho phép các dự án được chuyển nguồn kéo dài hết thời hạn thực hiện dự án, không theo niên độ ngân sách dẫn đến việc một số đơn vị thi công, chủ đầu tư không nghiêm túc triển khai thực hiện đầu tư, giải ngân, thanh quyết toán nguồn vốn...
Nhất là, thông báo vốn đầu tư năm 2016 còn chậm ở cả các bộ, ngành trung ương và địa phương, đến ngày 12/5/2016, Thủ tướng mới có quyết định giao 251,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 203,4 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài là 47,9 nghìn tỷ đồng.
Thậm chí, nhiều chương trình, dự án đến nay vẫn chưa thực hiện thông báo vốn. Một số nguồn vốn về đầu tư xây dựng cơ bản đã được Quốc hội ban hành nghị quyết, như nghị quyết về sử dụng 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư cho 22 dự án cấp bách, cấp thiết thuộc quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa phân bổ vốn để triển khai 22 dự án này.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục việc thông báo vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các bộ, ngành, địa phương chậm.
Đồng thời, sớm sửa đổi các quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản để khắc phục tình trạng giao vốn chậm trong thời gian qua, dẫn đến chậm giải ngân, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.
Nguyên Vũ
vneconomy
|