Các thị trường tài chính đang quá phóng đại tác động của Brexit?
Chúng ta đã nói về tác động của Brexit trong nhiều ngày qua và chắc chắn sẽ còn bàn về đề tài này trong một thời gian dài nữa vì mọi người đang tiếp tục “tiêu hóa” và đối mặt với các hậu quả có thể xảy ra.
Phản ứng tự nhiên trên các thị trường đã cho thấy giới đầu tư rất lo sợ về một cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Nhưng như chúng ta đã biết, mọi chuyện của ngày hôm nay là rất khác so với những gì đã xảy ra trong năm 2008. Sự sụp đổ của Lehman đã gây ra tình trạng hạn chế tín dụng trên toàn thế giới và “hạ gục” các ngân hàng toàn cầu, khiến cho ngay cả những công ty lớn nằm trong danh sách Fortune 500 cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn cần có để hoạt động.
Tuy nhiên, lần này lại khác. Khá nguy hiểm khi phải nói thế nhưng sự thật đúng là như vậy. Hệ thống tài chính hiện vẫn hoạt động tốt. Quan trọng nhất là các Ngân hàng Trung ương vẫn đang chủ động duy trì được sự ổn định và giữ được niềm tin bằng cách giao thanh khoản cho các ngân hàng trong nước và khiến cho họ tin rằng Ngân hàng Trung ương đang sẵn sàng hành động bất kỳ khi nào được cần đến (nghĩa là “sẵn sàng can thiệp”).
Vì thế, giờ đây chúng ta đang thấy một số dự báo kinh tế về tác động của Brexit. Chẳng hạn như, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nghĩ rằng họ sẽ giảm nửa điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của châu Âu.
Cụ thể, GDP của khu vực đồng tiền chung euro được dự báo như sau:
Nguồn: Tradingeconomics.com
|
Qua biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy sự tàn phá đối với nền kinh tế trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù rằng châu Âu vẫn đang trong quá trình thoát khỏi sự trì trệ, nhưng việc giảm nửa điểm phần trăm rõ ràng là còn khá an toàn so với “thời khắc Lehman” năm nào. Ngoài ra, nếu đồng euro yếu đi, thì trong tương lai tác động kinh tế ấy sẽ được giảm nhẹ đáng kể. Rõ ràng là khi nghĩ về những tác động to lớn của Brexit thì châu Âu có lẽ là nơi đầu tiên mà mọi người nên nghĩ đến, và dự báo trên của ECB là không hề quá tệ.
Dẫu vậy, rủi ro lớn nhất liên quan đến Brexit là sự kiện này có tính “lây nhiễm”. Tuy nhiên, khả năng ra đi của Hy Lạp vào năm ngoái và Brexit năm nay là rất khác, vì một lý do hết sức đơn giản: cuộc bỏ phiếu của người Anh không liên quan gì đến chuyện ra đi của một quốc gia ra khỏi khối đồng tiền chung euro.
Người Anh có đồng tiền riêng của họ, và trong số tất cả các quốc gia của EU, Anh có lẽ là quốc gia giữ được chủ quyền cao nhất. Một sự “đổ vỡ” của đồng euro, đồng tiền phổ biến thứ hai trên thế giới, sẽ là “ngòi nổ” cho một cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Đó là mối nguy hiểm lớn. Nếu những quốc gia EU khác trong khối đồng tiền chung này (EMU) nối gót nước Anh thì mọi chuyện mới trở nên xấu đi.
Và có lẽ nơi đầu tiên để sự đổ vỡ có thể xảy ra là ở các thị trường nợ công của Tây Ban Nha và Ý – hai thành viên EMU lớn suýt vỡ nợ cách đây 4 năm. Khi hai quốc gia này trên bờ sụp đổ vào năm 2012, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của họ đã vọt lên đến 7%, mức được xem là “không bền vững”.
Nguồn: Reuters, Forbes Billionaire’s Portfolio
|
Hiện nay, lợi suất trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha và Ý chỉ ở mức 1.3%. Trong một thế giới hậu Brexit, nơi mà rủi ro thật sự ấy có tính “lây nhiễm”, thì cả hai hàn thử biểu thị trường quan trọng này đang cho thấy không có dấu hiệu nguy hiểm nào về sự “lây nhiễm” cả.
Có lẽ là các thị trường tài chính quá nhạy cảm chăng?./.
|