Bó tay trước lượng chất thải rắn quá lớn
Sau vụ phát hiện chôn trộm 100 tấn chất thải rắn của Formosa Hà Tĩnh tại trang trại của ông giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), người ta lại dồn dập chứng kiến những điểm chôn chất thải trái phép được phát hiện tại bãi rác của khu du lịch Thiên Cầm, công viên Hưng Thịnh, rồi 10 điểm khác xung quanh khu vực dự án của Formosa... Dư luận hoài nghi, dường như vẫn còn đâu đó những điểm đang chôn trộm chất thải của Formosa mà... “chưa bị lộ”!
Chất thải rắn từ dự án của Formosa chôn lấp trong trang trại của gia đình ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Internet
|
Điều gì đã dẫn đến một cuộc tạm gọi là khủng hoảng về quản lý chất thải rắn như thế tại Hà Tĩnh, khi mà dự án khu liên hợp sản xuất gang thép lớn nhất Đông Nam Á này còn chưa vận hành toàn bộ các dây chuyền sản xuất?
Formosa Hà Tĩnh: Có thể phát thải gấp 1,13 lần so với toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Việt Nam!
Theo “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép” năm 2009 của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), có thể tính toán được toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Formosa Hà Tĩnh với công suất vận hành 15 triệu tấn/năm (xem bảng).
Như vậy, toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Formosa Hà Tĩnh có thể lên đến 8.787.000 tấn/năm, hay 26,627 tấn/ngày (giả sử hoạt động 330 ngày/năm với công suất 15 triệu tấn). Trong đó, chỉ riêng bùn thải đã là 840.000 tấn/năm hay 2.545 tấn/ngày.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ TN-MT, tính đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ tất cả các khu công nghiệp của Việt Nam khoảng 7 triệu tấn/năm và lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc khoảng 800.000 tấn/năm, tính ra toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Việt Nam, không kể Formosa Hà Tĩnh, là 7,8 triệu tấn/năm.
Từ đó có thể thấy, chỉ một mình Formosa Hà Tĩnh đã phát sinh một lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại gấp 1,13 lần so với toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Việt Nam!
Hiện trạng năng lực quản lý chất thải: Mỏng manh!
Chỉ riêng Formosa Hà Tĩnh đã phát sinh một lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại gấp 1,13 lần so với toàn bộ lượng chất thải tương tự của cả nước!
|
Theo quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 4-2-2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, dự báo tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 91,6 tấn/ngày. Tức là, con số dự báo này chưa bằng 1/290 lần lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Formosa nếu vận hành đủ công suất năm 2016.
Với dự báo trên, quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn thuộc địa bàn xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh cho khu vực khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận là xa rời thực tế. Với diện tích toàn xã Kỳ Tân là 41,18 ki lô mét vuông, chỉ cần sau 5 năm, chất thải của Formosa nếu được chôn lấp hoàn toàn ở đây thì sẽ lấp đầy toàn xã với chiều cao chất thải là 1 mét. Và sau 70 năm hoạt động của Formosa thì Kỳ Tân sẽ ngập trong chất thải với chiều cao gần 15 mét!
Theo báo cáo của Bộ TN-MT năm 2015, việc xử lý chất thải rắn công nghiệp tại Việt Nam chỉ mới chỉ thực hiện ở các đơn vị có quy mô nhỏ, trong khi các công nghệ xử lý chất thải nguy hại hiện có cũng còn rất đơn giản, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại hiện nay chỉ đạt khoảng gần 40% tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh, trong khi đó tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp đạt trên 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên toàn quốc. Hiện nay, Việt Nam đang rất thiếu các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là khu xử lý chất thải tập trung quy mô lớn. Việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp phổ biến là mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ.
Về chôn lấp chất thải nguy hại, cả nước cũng chỉ mới có hai hầm chôn lấp quy mô 15.000 mét khối đạt tiêu chuẩn về Bãi chôn lấp chất thải nguy hại - tiêu chuẩn thiết kế (TCXDVN 320:2004). Hầu hết các doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại là các doanh nghiệp tư nhân, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp xử lý chất thải nguy hại được cấp phép.
Như vậy, “chỉ” 7,8 triệu tấn tổng lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại thải ra hàng năm mà hạ tầng hiện có của Việt Nam còn chưa kham nổi, nếu giờ phát sinh thêm hơn 8,7 triệu tấn chất thải mỗi năm từ Formosa thì phải xử lý, chôn lấp, tiêu hủy ở đâu?
Giả sử lượng chất thải nguy hại chiếm ít nhất 15% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại như số liệu thống kê của Bộ TN-MT, thì hằng năm lượng chất thải nguy hại phát sinh tại Formosa vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm hay 4.000 tấn/ngày. Nghĩa là, nếu chôn lấp lượng chất thải nguy hại này tại hai hầm chôn lấp của Hà Nội và Bình Dương thì chỉ cần chưa đến 8 ngày là hai hầm này hết chỗ chứa! Với lượng chất thải nguy hại cả nước năm 2015 là 800.000 tấn/năm mà năng lực thu gom xử lý chỉ đạt 40%, nay lại có thêm 1,3 triệu tấn/năm chất thải nguy hại từ Formosa thì thu gom xử lý kiểu gì?
Qua những số liệu nêu trên có thể khẳng định rằng năng lực của hệ thống hạ tầng xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của Việt Nam hiện nay không thể đáp ứng nổi lượng chất thải khủng của Formosa.
Hoài Nam
TBKTSG
|