Bảo hiểm tăng trưởng nhanh nhất trong 6 năm
Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2016 đạt tỷ lệ tăng trưởng gần 26%, là mức tăng trưởng cao nhất tính từ năm 2011 tới nay.
Nhà đầu tư đăng ký tham gia Quỹ đầu tư Trái phiếu Bảo Việt (BVBF) của Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) hôm 4-3-2016. Ảnh: Phạm Mỹ Hạnh
|
Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, nhận xét tại Hội nghị tổng kết của Cục này tuần rồi rằng thị trường bảo hiểm đang tăng trưởng tích cực sau vài năm chững lại.
Qua 6 tháng, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 38.613 tỉ đồng, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỉ đồng, tăng 15%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỉ đồng, tăng 36,78%.
Báo cáo của Cục này cho biết, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 218.219 tỉ đồng. Trong đó, khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ là 61.000 tỉ đồng, nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 157.219 tỉ đồng.
Điểm nổi lên so với các năm trước, theo bà Phương, là trong 6 tháng đầu năm, hưởng ứng kêu gọi của Bộ Tài chính về việc huy động vốn dài hạn cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 175.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, 15, 20 và 30 năm của Kho bạc Nhà nước.
Với đề án tái cơ cấu thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thanh tra ba doanh nghiệp bảo hiểm gồm Công ty TNHH bảo hiểm Liberty, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long và Tổng công ty bảo hiểm Sài gòn Hà Nội BSH. Bộ cũng đồng thời lưu hành kết luận thanh tra và tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị tại kết luận thanh tra của ba doanh nghiệp bảo hiểm khác gồm Fubon Life; Hanwha Life và Grass Savoye Willis.
Riêng với VASS (Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông), công ty bảo hiểm duy nhất bị buộc tái cơ cấu và giám sát đặc biệt trong thời gian qua, bà Phương cho biết, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã xây dựng và trình Bộ Tài chính tình hình của VASS về hoạt động kinh doanh, tài chính, đầu tư, vốn chủ sở hữu, biên khả năng thanh toán, trích lập dự phòng nghiệp vụ. Đồng thời, trình Bộ đề nghị VASS tiếp tục thực hiện các biện pháp để khôi phục khả năng thanh toán, tập trung vào việc tăng vốn điều lệ, thu hồi vốn đầu tư, xử lý công nợ và chấn chỉnh sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng. Đến nay, VASS đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, đã được phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng.
Cũng theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm mặc dù tăng trưởng cao song quy mô vẫn còn nhỏ so với tiềm năng. Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%). GIữa các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, việc quản trị rủi ro, quản trị tài chính phân tán và khó kiểm soát gian lận bảo hiểm.
Trong nửa đầu năm 2016, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới của thị trường ước đạt 3.036 tỉ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 277 tỉ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Các công ty bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 16.045 tỉ đồng. Trong đó nhóm doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 7.735 tỉ đồng, nhóm bảo hiểm nhân thọ ước 8.310 tỉ đồng.
(Nguồn: Bộ Tài chính)
|
Hồng Phúc
TBKTSG
|